Dán nhãn cho phim truyền hình

10/03/2012 09:38 GMT+7

Vụ ồn ào với các ý kiến trái chiều liên quan đến phim truyền hình Hoa nắng (phát sóng trên VTV3, Ðài truyền hình VN giờ vàng), một lần nữa dấy lên cảnh báo cần phải "dán nhãn" cho phim truyền hình.

Vụ ồn ào với các ý kiến trái chiều liên quan đến phim truyền hình Hoa nắng (phát sóng trên VTV3, Ðài truyền hình VN giờ vàng), một lần nữa dấy lên cảnh báo cần phải "dán nhãn" cho phim truyền hình.

Hoa nắng không phải là phim đầu tiên vấp phải sự phản đối của một bộ phận khán giả xem phim vì có những hình ảnh sống sượng, phản cảm (một thanh niên trẻ liếm ngực cô gái đến hai lần trong sự cổ vũ và phấn khích của các bạn trong nhóm).

Cả nhà xem cảnh sống sượng

Trước đó, nhiều bộ phim phát sóng trong giờ vàng của Ðài truyền hình TP.HCM và Ðài truyền hình VN cũng có những cảnh hoàn toàn không phù hợp cho cả gia đình xem. Có thể kể một số cảnh trong phim Gió nghịch mùa (HTV), Kiều nữ và đại gia (HTV), Cha dượng (HTV)...

 
Cảnh trong phim Hoa nắng - Ảnh đoàn phim cung cấp

Có nhiều cách lý giải cho việc càng lúc càng nhiều cảnh nóng bỏng xuất hiện trong phim truyền hình Việt hiện nay. Với những người trong giới chuyên môn, câu trả lời thành thật nhất sẽ là do kinh phí hạn chế, không ít nhà sản xuất yêu cầu biên kịch phải đảm bảo có 80% cảnh nội, mà cảnh nội được tận dụng nhiều nhất chính là những phòng ngủ, quán cà phê. Quanh đi quẩn lại ngần ấy bối cảnh sẽ dễ đâm chán nản (cả người viết chứ chưa nói đến người xem), nên nhà sản xuất lại yêu cầu biên kịch thêm vào những cảnh nóng bỏng, ướt át để "câu" khán giả. Biên kịch thêm vào một ít, ra hiện trường một số đạo diễn lại "tưới thêm tí nước nữa".

Không phủ nhận những chi tiết sống động, hấp dẫn là thứ gia vị tốt để kéo khán giả ngồi lại trước màn ảnh nhỏ. Nhưng cũng như bất cứ gia vị nào khác, "nêm nếm" quá tay sẽ thành dở. Và tất nhiên, một món ăn có vị cay nồng, hoàn toàn chống chỉ định với trẻ em. Nhiều cảnh giường chiếu, hôn môi, lả lơi, bạo hành gia đình ở cường độ mạnh đã xuất hiện trên sóng giờ vàng, làm không ít phụ huynh phải giật mình khi nhận ra có thể con mình - trong độ tuổi trung học cơ sở hay thậm chí tiểu học - cũng đang xem. Nhất là khi cả nhà, nam phụ lão ấu cùng xem, nỗi ngại ngùng khó xử là điều dễ hiểu.

Cần dán nhãn phân loại

Nếu như phim chiếu rạp do VN sản xuất đã bắt đầu với việc dán nhãn phân loại phim dành cho đối tượng nào trong khoảng hai năm gần đây thì phim truyền hình đến nay vẫn chưa làm công việc này.

Phim truyền hình - với lợi thế phát sóng trên truyền hình - có ảnh hưởng đến hàng triệu khán giả. Bất lợi là phụ huynh không thể kiểm soát giờ con xem truyền hình, và nếu đang xem cùng con cũng không thể bịt mắt chúng lại. Vấn đề "dán nhãn phân loại" phải được đài truyền hình - cụ thể là trung tâm khai thác, sản xuất phim truyền hình thực hiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện dán nhãn cho phim truyền hình cũng không hề dễ dàng, vì hiện nay vẫn chưa có quy định nào cụ thể về việc như thế nào là "nóng", "quá nóng" mà phần lớn tùy thuộc thái độ của hội đồng duyệt. Sự trần trụi và tả thực thái quá đến mức nào thì không thể chấp nhận vẫn là vấn đề khó trả lời tường tận.

Cuộc tranh luận thế nào là "nóng" và "nóng như thế nào là không được chấp nhận" vẫn khó có hồi kết ngay cả với giới chuyên môn.

Một đạo diễn giấu tên chia sẻ: "Tôi không hiểu sao dư luận lại ném đá vào cảnh nóng, thật ra khán giả cũng thích xem mà. Thử nghĩ xem không có cảnh nóng thì lấy gì kéo khán giả? Cái thời dùng màn hình tối đen chen vào cảnh hai người kề mặt sát vào nhau để hiểu họ hôn nhau đã qua rồi, muốn mô tả hiện thực thì không thể ước lệ tượng trưng mãi được".

Trong khi đó, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn dứt khoát nói không với cảnh nóng (các phim truyền hình do ông viết kịch bản hầu như đều không có cảnh nóng và đạo diễn thường xử lý để khán giả hiểu chuyện diễn ra như thế). Ðạo diễn Ðinh Ðức Liêm cũng là người nói không với cảnh nóng, vì ông cho rằng không cần thiết và ngôn ngữ phim ảnh có thể thể hiện hết những gì biên kịch và đạo diễn muốn mà không cần tả thực bằng cách đập vào mắt người xem.

Cân nhắc khi duyệt cảnh nhạy cảm

Là thành viên hội đồng duyệt phim của Ðài truyền hình VN, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ trao đổi với Tuổi Trẻ:

- Cảnh nhạy cảm nếu cần để phục vụ nội dung cho các tập tiếp theo cũng thường làm chúng tôi phải cân nhắc. Khi duyệt Những đứa con của biệt động Sài Gòn có những cảnh Phượng đê và người tình rất nóng bỏng (phim đã phát sóng ở các đài phía Nam), nhưng khi phát sóng trên VTV chúng tôi vẫn cắt bớt để làm sao vừa giữ được hình ảnh một "cặp" đồng giới, vừa không gây phản cảm quá vì nếu cắt hết sẽ không ra tính cách Phượng đê.

Trong tập hai của Hoa nắng, cảnh "liếm ngực" nhằm cảnh báo sự băng hoại đạo đức của một số bạn trẻ đã đi quá xa và sau này bị trả giá bởi chính những hành động đó. Phim dài 36 tập, mới tập 2, coi như vào đề, cảnh nhậu nhẹt hư hỏng phần nào vẽ ra chân dung của Phúc, Linh và đám bạn hư...

Nếu hình ảnh Phúc - Linh được xử lý khéo hơn như cắt nhỏ, dựng kỹ xảo để minh họa sự hư hỏng của hai người, mặt trái của blog thì hợp lý hơn là để cả cảnh hơn nửa phút như vậy. Ðây là sự cố đáng tiếc với Hoa nắng bởi đây là câu chuyện hay về các bạn trẻ, mỗi người một hoàn cảnh khó khăn nhưng họ đã vững vàng vượt qua để trở thành người có ích, kể cả nhân vật Phúc. Phim cũng đặt vấn đề về cách ứng xử với công nghệ thông tin, nếu sử dụng với mục đích tốt, nhận ra mặt sáng tốt đẹp của cộng đồng mạng...

Sau sự cố này, chúng tôi thấy cần phải rút kinh nghiệm khi nghiệm thu những bộ phim sắp tới nếu có cảnh nhạy cảm phải xử lý sao cho phù hợp với nội dung và người xem chấp nhận được.

Nhà báo Trần Lệ Thùy (chuyên gia nghiên cứu báo chí, nguyên học giả báo chí đại học Oxford - Anh): Cẩn thận! Có trẻ em

Ở các nước phương Tây, cha mẹ rất cẩn thận khi để trẻ em tiếp xúc với bất cứ những gì liên quan đến bạo lực hay các yếu tố nhạy cảm không phù hợp lứa tuổi. Thậm chí họ còn cài chip vào tivi, máy tính để ngăn chặn việc trẻ em vô tình hay cố ý muốn tiếp xúc với các yếu tố này. Tôi thấy ở VN gần đây rất hay chiếu phim có cảnh bạo lực hoặc cảnh nhạy cảm trên sóng truyền hình. Mà người VN mình có thói quen cả nhà ngồi xem truyền hình vào giờ cơm, ít ai hiểu những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nguy hại đến trẻ em như thế nào.

Các cuốn sách nghiên cứu về vấn đề này ở nước ngoài mà tôi đọc cho thấy trẻ em dưới 7 tuổi rất khó phân biệt cảnh ngoài đời thật và cảnh trong phim ảnh, chúng sẽ có xu hướng bị ô nhiễm. Mà trẻ em nước ta chỉ 4-5 tuổi đã ngồi xem phim với người lớn rất nhiều. Sách cũng nói từ 7, 8 đến 10 tuổi trẻ em cần phát triển trung tâm đạo đức hướng thiện, nếu không sẽ khó miễn nhiễm với bạo lực, cái xấu... Trẻ em có xu hướng học về lý tưởng sống, giá trị đạo đức từ phim ảnh. Truyền hình là ảnh hưởng nhiều nhất mà truyền hình ở VN rất rộng rãi, đa dạng, báo chí cũng vậy.

Nếu như ở nước ngoài báo nhạy cảm, truyền hình nhạy cảm dành cho người lớn riêng biệt thì ở VN lại khác, trên một kênh truyền hình vừa có chương trình cho trẻ em vừa có chương trình cho người lớn, và nhiều khi không có sự cảnh báo trước mỗi phim (điều này các kênh phim truyện HBO, Cinemax, StarMovies đều có trước mỗi phim chiếu và phụ đề tiếng Việt khi phát ở VN). Những sự suy đồi về đạo đức ở VN hiện tại, đối tượng phạm pháp trẻ hóa vẫn chưa có các nghiên cứu cụ thể để tìm ra nguyên nhân. Nhưng nên chăng nội dung bạo lực và nhạy cảm trên các kênh truyền thông quốc gia, truyền thông công cộng cần có sự kiểm soát chặt chẽ và cần có một chế tài nghiêm khắc cho việc này. Ở nước ngoài chính phủ cũng không thể kiểm soát hết nhưng họ có cơ chế tương tác giữa cơ quan giám sát truyền thông và công chúng. Công chúng có quyền phản ứng, có quyền kiện, quyền khiếu nại và cơ quan giám sát giải quyết ngay lập tức.

C.Khuê ghi

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.