Bệnh tim bẩm sinh

13/03/2012 03:43 GMT+7

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể gặp các triệu chứng hay mệt, ngất, chậm phát triển, còi xương, viêm phổi tái phát nhiều lần, suy tim...

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể gặp các triệu chứng hay mệt, ngất, chậm phát triển, còi xương, viêm phổi tái phát nhiều lần, suy tim...

Nguyên nhân

Bệnh tim bẩm sinh là do các dị tật trong buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn xảy ra từ lúc trẻ còn trong bào thai. Tần suất mắc bệnh tim bẩm sinh trên thế giới khoảng 8/1.000 trẻ em sau khi sinh còn sống.

Nguyên nhân của bệnh tim bẩm sinh có thể do tác động của các yếu tố trong môi trường sống, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ lan tỏa. Đa số những yếu tố này mắc phải trong thời kỳ mang thai của người mẹ. Còn có nguyên nhân khác của bệnh là tác động về yếu tố di truyền, thay đổi bất thường về nhiễm sắc thể.

Các bệnh tim không có tím da niêm mạc thường gặp nhất là thông liên thất (30,5%), thông liên nhĩ (9,8%), còn ống động mạch (9,7%), còn lại là tứ chứng Fallot (5,8%). Một số bệnh tim bẩm sinh khác là hẹp van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất. Bệnh nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra. Với trẻ bị dị tật nhẹ hơn thì triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện muộn.

Biểu hiện

Nhiều ca bệnh tim bẩm sinh ở trẻ có thể được phát hiện ngay sau khi sinh một tuần. Trẻ mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng như hay mệt, ngất, chậm phát triển, dễ bị suy dinh dưỡng, còi xương, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, suy tim và dễ tử vong. Với bệnh này, điều trị thuốc chỉ làm giảm triệu chứng. Cần đưa trẻ khám bệnh ngay khi phát hiện có những triệu chứng như hay bị ho, thở khò khè, thở nhanh chậm, da xanh, thường vã mồ hôi, tím các đầu ngón tay và ngón chân. Trẻ bú hoặc ăn uống kém, chậm lên cân hoặc sụt cân, chậm biết bò cũng cần được lưu ý. Khi nghi trẻ có bệnh tim, phải đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có hướng chẩn đoán đúng và tìm phương pháp điều trị tốt nhất.

Với trẻ mắc bệnh, cha mẹ lưu ý chăm sóc trẻ chu đáo, có chế độ dinh dưỡng phù hợp, không cho trẻ vận động mạnh. Trẻ đi học phải có chế độ học tập, nghỉ ngơi tốt. Với trẻ đã được phẫu thuật, cha mẹ càng phải theo dõi kỹ sau phẫu thuật và tái khám định kỳ theo chỉ định.

Bệnh do những dị tật xảy ra ngay từ lúc trẻ còn ở thời kỳ bào thai, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ. Do vậy, trong quá trình mang thai, người mẹ cần chú ý giữ sức khỏe tốt, tránh ăn nhiều muối, hạn chế để mắc bệnh cảm cúm. Thai phụ nên siêu âm thai vào tháng thứ 3 để phát hiện sớm nhiều dị tật bất thường của thai nhi, trong đó có bệnh tim.

BS Trang Xuân Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.