Tại phiên họp vừa kết thúc cuối tuần qua ở Conpenhagen (Đan Mạch), ngoại trưởng các nước EU phản đối một giải pháp quân sự cho khủng hoảng tại Syria.
Tờ L’Orient-Le Jour dẫn lời Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhận định mọi tranh cãi về việc can thiệp quân sự vào Syria đều “đi ngược lại lợi ích chung”. Hầu hết các ngoại trưởng EU có mặt tại phiên họp ở thủ đô Đan Mạch đều cho rằng cần ưu tiên biện pháp trừng phạt về kinh tế, chính trị nhằm gây áp lực lên chính quyền Damascus. Dù rất “đau lòng” khi xung đột tại Syria đã làm hàng ngàn người thiệt mạng nhưng theo Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, việc can thiệp quân sự “còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn”.
|
Trước đó, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã lên án dự định cung cấp vũ khí cho lực lượng chống đối chính phủ Syria của một số nước. Ông Annan đang có nhiều cuộc hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad và giới chức Damascus nhưng vẫn chưa đưa ra giải pháp khả dĩ nào cho cuộc khủng hoảng. Ngày 11.3, AFP dẫn lời ông cho hay đã đề xuất với Tổng thống al-Assad “một loạt ý tưởng cụ thể” nhưng không nói rõ chi tiết. Bản thân ông al-Assad thì khẳng định sẵn sàng nỗ lực tìm lối ra nhưng “mọi đối thoại hoặc giải pháp chính trị đều không thể thành công chừng nào các nhóm vũ trang cực đoan còn gây bất ổn với các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ và dân thường”. Trong khi đó, giao tranh từ ngày 10 - 11.3 tại thành phố Idlib, tây bắc Syria tiếp tục làm ít nhất 125 người thiệt mạng, AFP dẫn nguồn tin từ một số tổ chức nhân đạo cho hay.
Syria cũng sẽ là một trong những chủ đề chính của cuộc họp HĐBA LHQ vào ngày 12.3. Trong những lần gặp gỡ trước, 15 thành viên đã không thông qua được nghị quyết về cuộc khủng hoảng do vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc. Cho tới nay, 2 nước này vẫn cáo buộc phương Tây có ý định thay đổi chế độ tại Syria. Ngược lại, phương Tây không chấp nhận dự thảo nghị quyết lên án các biện pháp bạo lực của cả quân đội Syria lẫn lực lượng chống đối do Moscow và Bắc Kinh soạn thảo. Để tháo gỡ bế tắc, các bên đang tăng cường gặp gỡ, đàm phán. Trung Quốc vừa gửi phái đoàn ngoại giao đến một số quốc gia Ả Rập và châu Âu để thảo luận về việc tổ chức điều đình giữa chính quyền Damascus với lực lượng chống chính phủ. Theo tờ Le Nouvel Observateur, trong khuôn khổ cuộc họp ngày 12.3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov cũng sẽ thảo luận riêng. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Europe 1, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho rằng tình hình sẽ khó thay đổi. Một số nhà quan sát còn lo ngại những bất đồng về Syria sẽ “lây lan” sang các chủ đề khác như Iran và xung đột Israel - Palestine.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)