Phía sau lời hứa

14/03/2012 03:37 GMT+7

Ly cà phê buổi sáng cuối tuần không ngon như mong đợi, vì Hòa - một người bạn thân của nhóm đang lơ đãng, nhấp từng ngụm hững hờ với vẻ mặt buồn hiu.

Ly cà phê buổi sáng cuối tuần không ngon như mong đợi, vì Hòa - một người bạn thân của nhóm đang lơ đãng, nhấp từng ngụm hững hờ với vẻ mặt buồn hiu.

“Chắc có chuyện gì đây” - tôi thầm nghĩ. Anh em truy vấn mãi, cuối cùng cậu ta cũng thổ lộ. Thì ra, trong một phút bốc đồng do men rượu, anh đã “lỡ” treo giải thưởng trước một cuộc thi cấp huyện khá quan trọng của hai con. Với Hiền, con gái đầu lòng, đang học lớp 9: “Con mà đoạt giải nhất học sinh giỏi vật lý, ba thưởng 1 triệu”. Với Thảo, con trai út, lớp 5: “Nếu danh hiệu giải nhất học sinh giỏi tiếng Việt thuộc về con, con cũng được mức thưởng như chị Hiền”. Anh còn vẽ đường cho “hai con hươu” chạy: “Với hai triệu bạc, chị em bây về ngoại nghỉ hè, tha hồ mà dạo biển nhé!”. Hai chị em nhảy cẫng lên, nhào đến ôm ba, mắt long lanh niềm vui, giơ hai ngón tay reo to: “Yeah!”.

Những lời hứa có cánh ấy anh đã quên mất sau một giấc ngủ dài, nhưng mấy đứa trẻ thì “thuộc nằm lòng” bởi chúng rất nhớ ngoại và luôn ước ao được vui đùa thỏa thích trong không gian biển mênh mông, tạm xa con hẻm tù túng với lung tung dây phơi luôn che khuất tầm nhìn. Anh tiếp tục dốc bầu tâm sự: “Hứa là để động viên. Với lại mình cũng tưởng cỡ giải nhất chỉ dành cho con của các đại gia thành phố có điều kiện học hành, chứ như Thảo và Hiền là con nhà lao động, kiếm sống mướt mồ hôi, một buổi học thêm cũng không có, làm sao với tới cái giải sang trọng ấy? Nghĩ vậy nên mình rất “yên tâm”. Có ngờ đâu một tuần sau tụi nó đem về hai giấy khen “chói lọi”, ghi rõ giải nhất. Cầm hai giấy khen mà tay mình run run vì quá mừng nhưng có lẽ cũng vì quá khó xử khi chợt nhớ lời hứa hôm nào”.

 
Minh họa: DAD


Chuyện nghe thật bi hài! Vợ chồng anh, cũng như chúng tôi, từ quê lên phố tìm kế sinh nhai. Anh làm thợ xây. Chị tảo tần với gánh hàng rong bán toàn món ăn xứ “nẫu”. Trầy trật lắm cũng chỉ đủ đắp đổi tiền nhà, tiền điện nước, tiền chợ, tiền học cho con. Tháng nào xào tháng đó, không dư đồng nào, lấy đâu ra tiền triệu để “trao giải” cho con? Những ngụm cà phê chợt đắng ngắt. Bạn bè ai cũng trầm ngâm. Rồi một “cuộc họp” bắt đầu mà tâm điểm là tìm giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người cha “tội nghiệp”.

Phong “hủ tiếu” mở màn: “Thì ông cứ giả bộ lơ đi. Bọn trẻ có nhắc thì hoãn binh bằng một lời hứa khác. Chẳng hạn như “để mai tính”. Nhiều cái “mai” như vậy sẽ làm cho lời hứa “mai một”. Với lại, tui thấy con bé Hiền rất thương ba, nó thừa hiểu hoàn cảnh gia đình. Tui tin là chị em nó có thể khuyên bảo nhau và sẽ bỏ qua cho ông. Nên nhớ ngoài xã hội có nhiều lời hứa to như cái đình mà người ta còn nuốt được, huống hồ đây là chuyện trong nhà, cha hứa để khích lệ con, có gì to tát đâu mà ông lo lắng đến như vậy?”.

Thành “giáo” phản biện ý kiến của Phong một cách nghiêm túc và có phần gay gắt. Anh chàng thợ mộc hay để những quyển sách “cổ học tinh hoa” trong hộp đồ nghề bữa nay phát huy tác dụng bằng cách “xổ nho” và viện dẫn... kinh điển khá bài bản. Đại thể, anh cho rằng ở bất kỳ mối quan hệ nào, con người cũng nên lấy câu “nhất ngôn phát xuất, tứ mã nan truy” để răn mình. Một lần bất tín là vạn lần bất tin. Làm cha càng nên giữ chữ tín với con cái để làm gương. Làm cha, ông thầy thứ hai của con cái, mà xem lời hứa “nhẹ tựa lông hồng”, tụi nó bắt chước, cẩu thả với lời hứa thì sau này trên đường đời khó có thể đi xa.

Cả bàn nâng ly cà phê tán thưởng ý kiến của Thành. Nhóm bạn đã xôn xao những tiếng cười. Gương mặt của Hòa cũng đang có vài chấm sáng. Chợt Hảo nhìn Hòa, vào thẳng vấn đề: “Ông đừng “thê lương” nữa có được không? Nhà tui đang có vài triệu đấy, lát về ghé nhà, tui cho ông mượn, khi nào có ông trả, đừng ngại gì cả. Cứ thưởng cho bọn trẻ đúng như lời hứa. Tụi nó xứng đáng được thưởng lắm chứ. Trong khó khăn, túng thiếu mà học giỏi vậy, ai mà không thương?”.

Tiếng vỗ tay hoan nghênh Hảo chưa dứt thì Long “lém” yêu cầu mọi người im lặng. Long hào hứng và sáng suốt một cách bất ngờ: “Không vay mượn gì cả. Vợ chồng Hòa cũng nghèo như chúng mình, lấy gì trả nợ nhau ngoài tình cảm? Hãy nghe tôi, cứu Hòa như cứu hỏa, phải tức thì. Nào, móc ví ra, tùy hảo tâm các bạn nhé!”. Chỉ một loáng, Long kiểm được 2,3 triệu đồng; đưa cái rẹt cho Hòa 2 triệu trong sự ngỡ ngàng của cậu ta. Long nói: “Còn 3 trăm ngàn, về nhà bác Hòa, ta làm bữa liên hoan mừng hai cháu”. Tất nhiên là anh em nhất trí trăm phần trăm.

Hôm đó nhà vợ chồng Hòa như ngập tràn không khí tết. Hiền và Thảo rưng rưng cám ơn mấy bác. Nhóm bạn ai cũng vui vì phía sau lời hứa của Hòa là đậm đà tình anh em, thắm thiết nghĩa bạn bè.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.