Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2011

15/03/2012 03:40 GMT+7

20 nhân vật đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011 do T.Ư Đoàn tổ chức là những đại diện cho thanh niên xuất sắc nhất trong các lĩnh vực. Xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu.

20 nhân vật đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011 do T.Ư Đoàn tổ chức là những đại diện cho thanh niên xuất sắc nhất trong các lĩnh vực. Xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu. 

Đỉnh cao khu vực

Là 1 trong 2 gương mặt được đề cử trong lĩnh vực thể dục thể thao, cô gái trẻ người Khmer Thạch Thị Trang (sinh năm 1991) là vận động viên đã mang về tấm HCV đầu tiên cho karatedo VN tại SEA Games 26.

 
Thạch Thị Trang - Ảnh: Bạch Dương

Trốn gia đình để đi học karatedo từ năm lớp 5 do ham thích võ thuật. Đến năm 14 tuổi, Trang được nhận vào đội năng khiếu của Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Trà Vinh. Tiếp đó là hàng loạt giải thưởng trẻ toàn quốc, giải các CLB mạnh toàn quốc, giải vô địch toàn quốc…

Trong lần xuất ngoại tham gia thi đấu đầu tiên ở giải Hàn Quốc mở rộng năm 2010, Trang đã mang về tấm HCB ở nội dung đối kháng nữ hạng cân trên 68 kg. Đó là vinh dự nhưng cũng là sự thất vọng đối với bản thân Trang vì  đã không đáp lại được sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình. Thế là, Trang kiên trì không ngừng luyện tập. Cơ hội đã đến khi bạn có tên trong đội tuyển tham gia thi đấu tại SEA Games 26. Tuy tham dự SEA Games không phải nhận chỉ tiêu giành huy chương mà chỉ hướng đến cái đích học hỏi các đối thủ mạnh nhưng sự lì lợm, quả cảm và khát khao chiến thắng mãnh liệt cộng với tâm lý thoải mái, khả năng tung đòn đầy biến hóa của Trang đã khiến đối thủ là võ sĩ kỳ cựu từng nhiều lần giành HCV SEA Games đến từ Malaysia phải khuất phục.

Trở về từ SEA Games 26, trở thành VĐV chuyên nghiệp cũng chính là lúc Thạch Thị Trang nghĩ đến tương lai của mình. Trang đã mạnh dạn đăng ký dự thi và trúng tuyển vào trường ĐH Thể dục thể thao và trở thành sinh viên Khoa Huấn luyện với ước mơ sau khi từ giã nghiệp VĐV, bạn sẽ tiếp tục ở lại thảm tập để truyền dạy cho thế hệ trẻ của tỉnh nhà. Trang cho biết: “Yêu thích karatedo và cũng từ karatedo mà mình có tiền để trang trải cho cuộc sống và học tập của bản thân từ năm 14 tuổi”. Trang kể gia đình em rất nghèo lại có đến 7 anh chị em nên hầu như em phải cố gắng sống tự lập. Ngoài thời gian đi học, Trang dành phần lớn thời gian còn lại cho tập luyện để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho thể thao nước nhà.

Chia sẻ bí quyết thành công, Thạch Thị Trang cho biết: “Niềm đam mê chính là động lực giúp mình thành công. Bất kể công việc gì, khó khăn gì nếu mình quyết tâm và cố gắng làm thì sẽ không thất bại”.                   

Tỉ phú nhông cát

Tốt nghiệp chuyên ngành mạng máy tính ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977), ngụ xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam, lại quyết định cầm bằng đại học về quê lập nghiệp với nghề nuôi nhông cát. Thời sinh viên, Tuấn có điều kiện chu du khắp dải đất miền Trung và biết đến nghề nuôi nhông - con vật ưa sống trên những vùng đất cát nắng cháy khiến người dân dù có chăm chỉ lao động mà vẫn chưa thể thoát nghèo. Sau thời gian mày mò, tìm hiểu nghề nuôi nhông ở khắp các địa phương, năm 2009, Tuấn quyết định về quê lập nghiệp. Khổ nỗi, nhà nghèo Tuấn chẳng biết xoay vốn từ đâu. Giữa lúc khốn khó nhất, gia đình nhận được gần 60 triệu đồng tiền đền bù cho diện tích đất nằm trong khu kinh tế mở Chu Lai. Tuấn dùng toàn bộ số tiền đầu tư vào nuôi nhông cát. Thắng lợi trong vụ đầu tiên, Tuấn có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài nhông cát, Tuấn còn nhập thêm kỳ đà, bồ câu Pháp để gia tăng giá trị kinh tế cho trang trại vừa là địa điểm tham quan du lịch sinh thái cho khách du lịch và thanh niên muốn học hỏi cách làm ăn.

 
Nguyễn Thanh Tuấn - Ảnh: Hoàng Phan


Cho đến nay, Tuấn đang sở hữu trang trại lớn nhất xã Tam Hiệp với quy mô lên đến 16.000 m2, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, tạo ra hàng nghìn ngày công lao động thời vụ cho người dân địa phương. Quyết tâm đưa quê hương thoát nghèo từ con nhông, Nguyễn Thanh Tuấn đã thành lập Công ty TNHH một thành viên n Cát vừa để tri ân mảnh đất chôn nhau cắt rốn vừa mở rộng, phát triển các dịch vụ từ con nhông này. Một mình làm không hết việc, Tuấn vận động nhiều thanh niên trong xã ở lại quê nhà lập nghiệp với nghề nuôi nhông. Không chỉ được hỗ trợ từ 300 - 500 con giống, các thanh niên khởi nghiệp còn được Tuấn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật phòng bệnh, chăm sóc. Bên cạnh đó, Tuấn đứng ra ký hợp đồng với các thương lái, chủ nhà hàng, khách sạn đảm bảo đầu ra cho nhông thương phẩm của bà con nông dân. Các món ăn từ nhông giờ đây đang ngày càng phổ biến ở khắp các tỉnh miền Trung, được nhiều thực khách ưa chuộng. Có thời điểm các trang trại không đủ nhông cung cấp cho thị trường, nên nghề này đang còn nhiều tiềm năng và cơ hội làm giàu cho nhiều hộ gia đình.

Đứng mũi chịu sào doanh nghiệp có doanh thu 3,5 tỉ đồng chỉ tính riêng năm 2011, tỉ phú trẻ Nguyễn Thanh Tuấn cực kỳ bận rộn với công việc của giảng viên. Bằng kinh nghiệm và kiến thức tích lũy từ nghề chăn nuôi nhông và kỳ đà, Tuấn luôn là khách mời đặc biệt, từng tham gia truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật cho thanh niên, nông dân khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam. Cũng trong năm nay, Tuấn nhận ký hợp đồng với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Bình để nhân rộng và chuyển giao nghề nuôi nhông cho người dân trong tỉnh.

Thành công trong kinh doanh, Nguyễn Thanh Tuấn còn được biết đến với lòng nhân ái. Ngoài các chương trình tặng sách vở cho học sinh trong xã, quà tặng các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam vào những ngày lễ tết, hiện tại Tuấn nhận nuôi 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi em 500.000 đồng/tháng. Năm 2011, trang trại của Nguyễn Thanh Tuấn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh và nằm trong nhóm 10 trang trại vàng tiêu biểu toàn quốc.

Hà n - Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.