Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch có thể là của một giống người chưa từng được biết đến trước đây.
Số xương của ít nhất 5 người được xác định có niên đại cách đây khoảng 11.500 đến 14.500 năm. Các nhà khoa học gọi họ là người Động Hươu Đỏ, theo tên của một trong những địa điểm mà chúng được tìm thấy ở miền nam Trung Quốc.
Trong báo cáo đăng trên chuyên san PLoS One, các nhà nghiên cứu Úc và Trung Quốc nói rằng cần phân tích cặn kẽ hơn số xương trên trước khi xác nhận chúng thuộc một giống người mới. Đồng tác giả nghiên cứu Darren Curnoe thuộc Đại học New South Wales (Úc) cho biết: “Chúng tôi đang phải hết sức cẩn thận trong việc phân loại. Một trong những lý do là trong khoa học tiến hóa con người, hay còn gọi là cổ nhân loại học, chúng ta chưa có một định nghĩa sinh học nhất quán về loài của mình. Vì thế đây là lĩnh vực gây tranh cãi rất nhiều”.
|
Phần lớn số hóa thạch trên đã nằm trong các bộ sưu tập của Trung Quốc một thời gian và mới được phân tích chi tiết gần đây. Xương của một số cá nhân được thu thập ở Maludong (tức Động Hươu Đỏ), gần thành phố Mengzi của tỉnh Vân Nam. Một bộ xương khác được tìm thấy ở Longlin, ở tỉnh Quảng Tây kế cận.
Các xương sọ và răng ở 2 địa điểm khá giống nhau, cho thấy họ ở cùng một cộng đồng. Người Động Hươu Đỏ kết hợp các đặc điểm cổ xưa với hiện đại. Nhìn chung, những người này có hộp sọ tròn với chỏm trán nhô lên. Xương sọ khá dày. Mặt khá ngắn, dẹt còn mũi thì rộng. Hai hàm của họ chìa ra phía trước nhưng lại không có cằm giống người hiện đại. Những bản chụp CT các hốc não của những người Động Hươu Đỏ cho thấy họ có thùy trán của người hiện đại nhưng lại có thùy đỉnh của người cổ đại. Họ cũng có những răng hàm lớn.
Tiến sĩ Curnoe và các cộng sự đã đưa ra 3 kịch bản trong báo cáo đăng trên tờ PLoS One về nguồn gốc của người Động Hươu Đỏ. Một kịch bản khẳng định rằng họ đại diện cho một sự di trú từ rất sớm của một dạng người Homo sapiens có dáng vẻ cổ xưa và sống tách biệt khỏi các dạng khác ở châu Á trước khi diệt vong. Một khả năng khác là những người này thực sự là một loài Homo riêng biệt, vốn đã tiến hóa ở châu Á và sống cùng với loài của chúng ta cho đến gần đây. Giả thuyết thứ ba đang được các nhà khoa học đưa ra là người Động Hươu Đỏ là một giống lai.
Tiến sĩ Isabelle De Groote, một nhà cổ nhân loại học thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London (Anh), giải thích: “Có thể đây là những người hiện đại đã trộn lẫn hoặc kết hợp với người cổ xưa vẫn còn tồn tại vào thời điểm đó. Khả năng khác, họ tiến hóa từ những đặc điểm cổ xưa một cách độc lập do sự chuyển dịch hoặc cách ly về mặt di truyền, hoặc để đối phó với một áp lực về môi trường, chẳng hạn như khí hậu”. Tiến sĩ Curnoe đồng ý rằng mọi giả thuyết đều “chắc chắn có thể”. Hiện các nỗ lực đang được xúc tiến nhằm trích xuất ADN từ số hài cốt trên.
Bất kể vị trí thực sự trên cây gia đình Homo là gì, người Động Hươu Đỏ là một phát hiện quan trọng, đơn giản do tình trạng khan hiếm những mẫu vật có niên đại rõ ràng và được mô tả kỹ lưỡng ở khu vực này của thế giới. Phát hiện của tiến sĩ Curnoe cùng cộng sự bổ sung vào câu chuyện thú vị và ngày càng phức tạp về sự di trú, phát triển của con người. “Người Động Hươu Đỏ sống ở thời điểm thực sự thú vị ở Trung Quốc, trong giai đoạn mà chúng ta gọi là thời đại Đá giữa hay sự kết thúc thời đại Đồ đá”, ông Curnoe nói.
Khang Huy
Bình luận (0)