Vượt lên cái chết để sống có ích

16/03/2012 11:17 GMT+7

Tuổi thơ nghiệt ngã, cuộc sống dập vùi cay đắng, từng nghiện ma túy, làm gái bán dâm và gánh chịu bao nhiêu đày ải suốt một quãng đời dài khổ hạnh, cuối cùng, chị Trương Thị Hồng Tâm đã vượt lên cả cái chết để sống có ích.

Tuổi thơ nghiệt ngã, cuộc sống dập vùi cay đắng, từng nghiện ma túy, làm gái bán dâm và gánh chịu bao nhiêu đày ải suốt một quãng đời dài khổ hạnh, cuối cùng, chị Trương Thị Hồng Tâm đã vượt lên cả cái chết để sống có ích.

Cuốn hồi ký “Tâm si-đa” - Vượt lên cái chết của chị Trương Thị Hồng Tâm (do Công ty Trí Việt - First News và NXB Trẻ ấn hành) vừa ra mắt báo giới sáng 15-3, trước khi phát hành.

Có mặt tại buổi họp báo giới thiệu cuốn sách được viết ròng rã suốt gần nửa thập kỷ, chị Trương Thị Hồng Tâm - nhân vật chính của cuốn hồi ký - đã không giấu được niềm xúc động khi nhìn lại chặng đường gần nửa đời người của mình.

 
Chị Trương Thị Hồng Tâm tại buổi ra mắt sách ảnh

Ký ức về ngày tháng cũ chỉ như một mảng màu xám xịt với tuổi thơ nghèo khó phải đi ăn cắp cơm để ăn bị đánh mắng nhục nhã. Mẹ bỏ đi theo người đàn ông khác, dì ghẻ không thương, cha cũng vô tâm ruồng rẫy, chị Tâm từ nhỏ đã phải sống lay lắt trong tình thương của họ hàng, hết “lưu lạc theo cha” đến “trốn nhà tìm má”, những hành trình mải miết rồi cũng đến lúc không còn tìm thấy đường về khi sợi dây của những yêu thương mong manh kia cũng dần bị cắt đứt…

Dấn bước vào đời chông chênh cũng là lúc đôi chân chị bị xô ngã vào những nẻo về trần ai. Làm sao một đứa trẻ có thể vững vàng trước những cạm bẫy đau đớn của cuộc đời? Cuộc mưu sinh chốn vỉa hè lăn lóc rồi cũng sớm đưa chị sa chân vào vũng lầy - như một lối mòn tất yếu. “14 tuổi tôi đã là con nghiện, lớn hơn một chút thì bán trinh, rồi làm gái mại dâm” - Hồng Tâm không ngại nói thẳng về cuộc đời mình.

Từng trang viết trong cuốn hồi ký như thác lũ cuồn cuộn những mất mát và đớn đau. Không nhờ người chấp bút, Hồng Tâm tự tay nhặt nhạnh từng con chữ để vẽ chân dung cuộc đời mình. “nhớ đến đâu thì viết đến đó, sai chính tả phải nhờ bạn bè sửa giúp, lời văn còn vụng về” như lời chị nói nhưng rồi cuốn sách cũng đầy lên theo năm tháng, thành hình theo ước vọng “giúp cho ai đó tránh được những va vấp như tôi”.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TPHCM, cũng là người đã gắn bó với chị từ lớp tập huấn về HIV/AIDS dành cho các đồng đẳng viên tại trung tâm, nhận định: “Cuốn sách như một nhắn gửi, một lời cảnh báo. Từ chuyện đời thực qua lời kể chân thành của Tâm, nhiều khi làm cho chúng ta phải lặng người, phải giật mình sửng sốt”.

Trương Thị Hồng Tâm không phải là cái tên quá xa lạ với những kiếp đời cơ nhỡ và những người tham gia công tác thiện nguyện. Chị và các thành viên nhóm giáo dục viên đồng đẳng đã có mặt ở từng ngõ phố, trở thành người đi “tìm lại cuộc đời” cho những cảnh đời đang còn vẫy vùng kiếp sống trầm luân. Và bây giờ, với cuốn sách này, cũng là cách chị truyền thêm sức mạnh để những trái tim lầm lạc còn tìm được lối về.

Ký ức của một quãng đời “sống ở đáy xã hội” như một vết khắc đau đớn vào trái tim của người phụ nữ đã 56 tuổi này. Trương Thị Hồng Tâm nói chị viết hồi ký bằng tất cả những nỗ lực khó nhọc của một người chưa bao giờ cầm bút. Từ nhỏ, chị đã phải đi ở đợ hết nhà này đến nhà khác rồi lang bạt kiếp sống của “gái giang hồ”. “Tôi sống cuộc sống không phải của con người, mãi cho đến năm 34 tuổi, tôi mới gặp được một nhóm thanh niên trẻ, họ dần “gột rửa” tôi, giúp tôi tìm lại chính mình. Mọi người đọc cuốn sách có thể trách móc, thậm chí khinh khi, coi thường nhưng với tôi, điều hạnh phúc nhất là đã được chia sẻ tận đáy lòng mình” - chị Tâm bộc bạch.

Điều đau đớn nhất với chị bây giờ không còn là những năm tháng thể xác bị giày vò, tâm can khổ hận mà chính là khi biết cuộc sống là quý giá, biết chung tay mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng thì cũng là lúc chị phát hiện mình mắc phải “căn bệnh thế kỷ”. Nhưng vượt lên tất cả, chị vẫn làm những điều có ý nghĩa nhất cho cuộc sống, cứu giúp cộng đồng bởi vì “cuộc sống là quý giá”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.