Bianfishco thua kiện

17/03/2012 03:44 GMT+7

Trong vụ xét xử đầu tiên, tòa án tại Cần Thơ đã buộc Bianfishco trả cho các nguyên đơn hơn 18 tỉ đồng, là tiền mua cá tra còn nợ và lãi do trả nợ chậm.

Trong vụ xét xử đầu tiên, tòa án tại Cần Thơ đã buộc Bianfishco trả cho các nguyên đơn hơn 18 tỉ đồng, là tiền mua cá tra còn nợ và lãi do trả nợ chậm.


Để có nguồn cung cho Bianfishco, nông dân thường phải vay vốn lớn để nuôi cá ba sa - Ảnh: Diệp Đức Minh

Sáng 16.3, TAND Q.Ô Môn (TP.Cần Thơ) đã xét xử sơ thẩm vụ kiện của 2 nông dân là Nguyễn Văn Liền và Phạm Thị Mai (ngụ Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) và Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco). Vụ kiện “Đòi nợ theo hợp đồng mua bán cá tra nguyên liệu” trên đã được TAND Q.Ô Môn thụ lý vào ngày 27.11.2011.     

Luật sư (LS) Nguyễn Kỳ Việt, đại diện cho bà Phạm Thị Diệu Hiền (Tổng giám đốc Bianfishco theo giấy ủy quyền trước khi bà Hiền xuất cảnh), và LS Nguyễn Trường Thành (cùng Đoàn luật sư TP.Cần Thơ) đại diện theo ủy quyền của 2 nguyên đơn là bà Mai và ông Liền.

Theo hồ sơ vụ kiện, từ tháng 11.2011, bà Mai đã gửi đơn đến TAND Q.Ô Môn khởi kiện Bianfishco với lý do Bianfishco đã mua gần 800 tấn cá tra nguyên liệu từ tháng 5.2011 với số tiền trên 21 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ khi mua cá đến tháng 12.2011, Bianfishco chỉ trả  được trên 4,55 tỉ đồng. Nay yêu cầu tòa buộc Bianfishco phải có trách nhiệm trả số tiền còn lại trên 16 tỉ đồng và phải tính cả lãi do trả chậm vì vi phạm hợp đồng.

Riêng ông Liền cho biết vào tháng 5.2011, ông cũng ký hợp đồng với Bianfishco bán gần 499 tấn cá nguyên liệu với giá trên 10,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, do Bianfishco trả chậm so với giao kết (đến tháng 12.2011, Bianfishco mới thanh toán hết số tiền nợ bán cá của ông Liền), ông Liền cho rằng Bianfishco đã vi phạm hợp đồng, nên đề nghị tòa buộc Bianfishco phải tiếp tục trả phần lãi do chậm thanh toán tiền mua cá với số tiền trên 500 triệu đồng.

Tại phiên tòa, luật sư đại diện cho nguyên đơn và bị đơn cơ bản đã thống nhất về số tiền mà Bianfishco còn nợ do thân chủ mình cung cấp cho tòa. Tuy nhiên, về quan hệ pháp luật để điều chỉnh đối với vụ kiện là áp dụng luật Dân sự hay luật Thương mại để làm cơ sở cho việc tính lãi vẫn chưa được thống nhất.

Sau hơn 3 giờ nghị án, đến hơn 12 giờ cùng ngày, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Phi Hùng làm chủ tọa mới tuyên án. Theo đó, TAND Q.Ô Môn đã xác định quan hệ pháp luật được điều chỉnh trong vụ kiện là quan hệ trong kinh doanh thương mại do luật Thương mại điều chỉnh, nên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mai và ông Liền, buộc Bianfishco phải có trách nhiệm trả cho bà Mai trên 17,9 tỉ đồng tiền nợ mua cá và tiền lãi do trả chậm; trả cho ông Liền trên 500 triệu đồng tiền lãi do chậm thanh toán trong việc trả nợ tiền mua cá. Tòa còn buộc Bianfishco phải chịu tiền án phí trên 1,5 tỉ đồng.


Bà Mai và luật sư bảo vệ khi nghe phán quyết của tòa - Ảnh: Mai Trâm

Còn nhiều vụ kiện

Tại phiên tòa, ngoài rất nhiều PV đến dự để thông tin, còn có một số nông dân bị Bianfishco nợ tiền mua cá. Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Nguyễn Khắc Hải (ngụ H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cho biết hiện ông còn bị Bianfishco nợ trên 24 tỉ đồng tiền mua cá từ giữa năm 2011 đến nay chưa trả.

Lý do chưa khởi kiện vì ông và các hộ nông dân nuôi cá  khác đang chờ xem phán quyết của phiên tòa hôm nay như thế nào; bên cạnh đó ông và các hộ nông dân khác chấp nhận chờ theo lời hứa của tân “Tổng giám đốc” Trần Văn Trí đã cam kết trong tháng 3 sẽ trả nợ và cuối cùng là chờ hướng giải quyết của UBND TP.Cần Thơ đối với số tiền hàng trăm tỉ đồng mà Bianfishco còn nợ 45 hộ nông dân.

Theo thông tin từ TAND Q.Ô Môn, hiện Bianfishco còn 3 vụ kiện đòi nợ khác mà tòa đã thụ lý và sẽ đưa ra xét xử. Nhìn từ góc độ pháp luật, LS Nguyễn Trường Thành cho rằng chủ  thể để nông dân kiện ra tòa đòi nợ là Bianfishco do bà Phạm Thị Diệu Hiền làm đại diện theo pháp luật.

Vụ kiện vừa được đưa ra xét xử thì bà Hiền (trước khi xuất cảnh) đã làm giấy ủy quyền cho LS Nguyễn Kỳ Việt làm đại diện thì đã rõ. Còn những vụ kiện sau này thì ai sẽ là người đại diện theo pháp luật của Bianfishco để tham gia hoặc ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa? Thực tế hiện nay, các ngành chức năng tại TP.Cần Thơ đã xác định, việc bà Hiền ủy quyền cho chồng là ông Trần Văn Trí làm tổng giám đốc là không đúng luật. Do vậy, hiện nay ông Trí không thể là người đại diện theo pháp luật của Bianfishco.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên sau phiên tòa, bà Lê Thị Thu Hà, Chánh án TAND Q.Ô Môn, cho biết quyền khởi kiện của công dân đã được pháp luật quy định, do vậy pháp nhân để nông dân tiếp tục khởi kiện trong các vụ kiện tới vẫn là Bianfishco chứ không phải là bà Hiền.

Sau khi tòa thụ lý, sẽ mời người đại diện theo pháp luật của Bianfishco đến để tiến hành các thủ tục trước khi đưa ra xét xử. Nếu tòa triệu tập hợp lệ đến 2 lần mà người đại diện theo pháp luật của Bianfishco không có mặt thì tòa có quyền đưa ra xét xử theo thủ tục bị đơn vắng mặt.  

Người nuôi cá khốn khó

Theo đơn kêu cứu của gần 20 hộ nông dân khu vực ĐBSCL gửi các ngành chức năng, tính từ tháng 4.2011 đến 11.2011, Bianfishco bắt đầu nợ hàng trăm tỉ đồng tiền mua cá của nông dân.

Trong các hợp đồng mua cá, tùy theo thời điểm, đều có điều khoản quy định thời gian thanh toán tiền: 20 ngày sau khi giao cá cho Bianfishco. Tuy nhiên, tính từ hợp đồng tháng 4.2011 đến 3.2012 thì hiện có trường hợp kéo dài gần 11 tháng vẫn chưa được Bianfishco thanh toán.

Đã nhiều lần nông dân đến Bianfishco đòi nợ, lúc đầu bà Diệu Hiền nói do khó khăn nên sẽ trả dần hằng tuần, rồi hằng tháng, càng về sau số tiền trả càng ít dần và sau đó thì không tiếp tục trả nữa cho đến nay.

Sau khi  bị các hộ nông dân “làm dữ”, bà Diệu Hiền mạnh dạn tuyên bố sẽ trả dứt điểm trong tháng 12.2011, nhưng rồi cũng không thực hiện. Do vậy, hiện nay nhiều hộ nông dân phải lao đao vì còn nợ tiền mua thức ăn để nuôi cá của các đại lý, nợ tiền vay ngân hàng phải đóng lãi hằng tháng... Như ông Liền, bà Mai, phải bán 4 héc ta đất là ao nuôi cá và chiếc ô tô của gia đình trả nợ cho ngân hàng để chuộc lại căn nhà đang thế chấp, tránh bị phát mãi do nợ quá hạn.

Hiện bà Mai vẫn còn nợ hơn 7,3 tỉ đồng và ông Liền hơn 5 tỉ đồng là tiền mua thức ăn nuôi cá tại các đại lý.

Khó khăn nhất là ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ  P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), từ cuối năm 2010, ông thế chấp giấy tờ đất để vay 2 tỉ đồng nuôi cá tra. Tháng 7.2011, ông thu hoạch vụ nuôi đầu tiên được hơn 117 tấn cá, bán cho Bianfishco được hơn 2,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, hơn 7 tháng qua với gần 30 lần thanh toán tiền mua cá, đến nay Bianfishco vẫn còn nợ ông trên 600 triệu đồng. Do không có tiền để trả lãi ngân hàng, tiền mua thức ăn nuôi cá, buộc ông phải vay “nóng” bên ngoài để trả lãi mỗi tháng hơn 30 triệu đồng.

Mai Trâm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.