Trẻ con bị chứng rối loạn thở trong lúc ngủ (SDB) nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề về hành vi bao gồm hiếu động thái quá và hung hăng, cũng như khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc và kết bạn.
Các chuyên gia của Đại học Yeshiva (Mỹ) đã rút ra kết luận trên sau khi thực hiện cuộc nghiên cứu lớn nhất và tổng quát nhất về SDB đối với hơn 11.000 trẻ em trong suốt 6 năm. Theo trưởng nhóm Karen Bonuck, đây là chứng cứ rõ ràng nhất tính đến thời điểm này cho thấy tình trạng ngáy, thở bằng miệng và tắc nghẽn đường thở trong lúc ngủ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển hành vi và xúc cảm xã hội. “Cha mẹ và các bác sĩ nhi nên lưu tâm đến những tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ, có thể sớm nhất là vào năm đầu đời của trẻ,” theo tiến sĩ Bonuck.
|
Rối loạn thở khi ngủ là thuật ngữ chung chỉ những tình trạng thở bất thường diễn ra trong lúc ngủ. Các triệu chứng chính bao gồm ngáy và tắc nghẽn đường thở. Rối loạn có khuynh hướng lên đến đỉnh điểm ở trẻ từ 2-6 tuổi, nhưng vẫn có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn. Khoảng 10% số trẻ em ngáy thường xuyên, và từ 2-4% trẻ bị chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, theo Viện Sức khỏe tai mũi họng và Giải phẫu cổ Mỹ (AAO-HNS). “Cho đến mới đây, chúng ta thật sự không có chứng cứ rõ ràng cho thấy SDB tác động đến sự hình thành những hành vi như hiếu động thái quá,” theo Ronald D.Chervin, đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là giáo sư của Đại học Michigan.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành đánh giá tác động kết hợp của chứng ngáy, tắc nghẽn đường thở khi ngủ và thở bằng miệng đối với thái độ sau này của trẻ nhỏ tại Anh. Theo đó, các bé hiển thị triệu chứng SDB sớm, lúc 6 hoặc 18 tháng, đối diện với nguy cơ cao lần lượt gấp 40% và 50% bị rối loạn hành vi ở tuổi lên 7 so với trẻ thở bình thường khi ngủ. Trẻ có vấn đề về hành vi nghiêm trọng nhất thường trải qua những triệu chứng SDB trong suốt giai đoạn đánh giá và những triệu chứng này tồi tệ nhất vào lúc trẻ được 30 tháng. Các chuyên gia lý giải sự liên quan giữa SDB và rối loạn hành vi trẻ nhỏ theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn SDB làm giảm lượng O2 và tăng lượng CO2 ở phần vỏ não trước trán; làm gián đoạn quá trình phục hồi khi ngủ; và phá vỡ sự cân bằng của vô số chức năng hoạt động tế bào và hóa học trong cơ thể. Hậu quả là trẻ khó tập trung hoặc tổ chức, sắp xếp các kế hoạch; không kìm nén được hành vi và không tự điều chỉnh được cảm xúc.
Dù ngáy và tắc nghẽn đường thở khi ngủ thường diễn ra ở trẻ con, bác sĩ nhi và người thân gia đình không thường xuyên kiểm tra những triệu chứng này ở trẻ, theo nhóm chuyên gia. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ thường hỏi những câu đơn giản đại loại như: “Con cái ông/bà ngủ như thế nào?”. Thay vào đó, y bác sĩ nên hỏi liệu trẻ trải qua một trong những triệu chứng cụ thể như ngáy, thở bằng miệng hoặc tắc nghẽn đường thở khi ngủ. Còn về phần phụ huynh, khi trẻ gặp bất cứ vấn đề nào trong lúc ngủ, nên tham vấn ngay bác sĩ để có sự điều chỉnh thích hợp. Nghiên cứu trên được đăng tải trên chuyên san Pediatrics.
Tụ Yên
Bình luận (0)