Vượt lên cái chết

20/03/2012 03:54 GMT+7

Hồi ký “Tâm si đa” - Vượt lên cái chết (tác giả Trương Thị Hồng Tâm, NXB Trẻ- First News ấn hành) đã kịp đến tay bạn đọc trong dịp hội sách TP.HCM lần VII (diễn ra từ ngày 19- 25.3 tại Công viên Lê Văn Tám).

Hồi ký “Tâm si đa” - Vượt lên cái chết (tác giả Trương Thị Hồng Tâm, NXB Trẻ- First News ấn hành) đã kịp đến tay bạn đọc trong dịp hội sách TP.HCM lần VII (diễn ra từ ngày 19- 25.3 tại Công viên Lê Văn Tám).             

>> Chị Tâm "si-đa"

Vươn lên từ đáy xã hội

Trong buổi giao lưu với báo giới và bạn bè thân hữu hôm 15.3, tác giả Trương Thị Hồng Tâm - người tự nhận mình từ “dưới đáy xã hội” vươn lên- nhiều lúc không nói nên lời vì xúc động. Chị cho biết bắt đầu viết cuốn hồi ký này từ năm 2004 và kéo dài trong khoảng 7 năm. “Nhớ tới đâu tôi viết tới đó, viết gián đoạn chứ không liên tục, viết một lèo không có chấm phẩy, không chữ hoa gì cả, có những đoạn lặp lại mấy lần… Tôi viết những gì ấn tượng, đau khổ, những chuyện thật xảy ra với mình” - chị Tâm bộc bạch.

Chị Tâm kể, vào năm 2009, khi chị đang là nhân viên truyền thông HIV/AIDS, chị hoảng hốt phát hiện mình nhiễm căn bệnh nan y. Chị cho hay, trong thời gian chị bị sốc nặng, gần như gục ngã hoàn toàn ấy, đã có những người sát cánh hỗ trợ chị về tinh thần lẫn vật chất - trong đó có một số độc giả và PV Báo Thanh Niên.

 
Trương Thị Hồng Tâm (bìa phải) và PV Như Lịch (giữa) cùng một trẻ đường phố mà chị Tâm từng tiếp cận ngày trước - Ảnh: Mai Em 

Có mặt bên cạnh chị Tâm trong buổi giao lưu nói trên là những nhân vật đặc biệt- những người tham gia vực chị dậy từ vũng lầy tăm tối khoảng 20 năm về trước. Trong số đó có linh mục Lê Ngọc Thanh - “anh chàng suy dinh dưỡng” ngày trước nằm trong nhóm truyền thông đã trực tiếp tiếp cận, cảm hóa và thuyết phục chị Tâm đi vào con đường công tác xã hội từ lúc chị còn là cô gái điếm nghiện ngập mất hết lòng tin ở cuộc đời. Linh mục Thanh nhớ lại: “Hồi đó, chị Tâm hay chửi mắng, lấy giấy… đốt phông lông xả xui mỗi khi gặp mặt chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chú ý đến chị vì dù sao ở chị vẫn có sự tương tác”. Chị Tâm rưng rưng bộc bạch: “Ngày tôi thực sự chào đời là 14.2. Thế nhưng, tôi luôn lấy ngày 24.4 (ngày bắt đầu hoạt động công tác xã hội) làm sinh nhật của mình để nhớ ơn những ân nhân trong xã hội đã yêu thương, giúp tôi trở lại làm người!”.

“Trái tim tôi rỉ máu…”

Một trong những độc giả đầu tiên của quyển hồi ký này- nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cảm động bày tỏ: “Tôi đã đọc ngốn ngấu cuốn sách này và cảm nhận trái tim tôi đang rỉ máu. Đứng trước chị Tâm, tôi thấy mình nhỏ bé vì tôi sống trong một gia đình ấm êm nhưng lại có những lúc bất lực, chán nản trước những thị phi người đời… Tôi học từ cuốn sách này nhiều điều quý giá và như được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực; thấy mình may mắn với những gì đã, đang có và những gì sẽ làm”. Bà Hằng cho biết, bà sẽ mua một ngàn cuốn hồi ký để tặng những bạn trẻ đang cai nghiện và những phụ nữ lầm lỡ đang làm lại cuộc đời.

 
Tác giả Trương Thị Hồng Tâm ký tặng sách cho độc giả và bạn bè thân hữu - Ảnh: Nguyễn Như

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM đã bộc bạch những dòng “Thay lời tựa” trong hồi ký này như sau: “Tôi nghĩ như có cái gì đó - một cái “nghiệp”- đã thúc đẩy Tâm tự đem thân mình trải nghiệm nỗi gian truân của cuộc đời để rồi từ đó mà có tấm lòng vị tha, có bàn tay nhân ái, cưu mang bao cảnh đời tăm tối, nghiệt ngã”.

Ông Nguyễn Văn Phước - đại diện đơn vị First News nhận xét: “Theo tôi, đây sẽ là một trong những cuốn sách tiêu biểu trong tủ sách Hạt giống tâm hồn do người Việt thực hiện. Trước nay, chúng tôi thường đề cập những câu chuyện của người thành đạt hoặc đưa dòng sách Hạt giống tâm hồn từ nước ngoài về. Trong khi đó, hồi ký này là câu chuyện của một phụ nữ có số phận dữ dội, khắc nghiệt và một nghị lực phi thường”.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Tâm hy vọng sách của chị có thể góp một hồi chuông cảnh tỉnh đến những người làm cha làm mẹ: Hãy quan tâm hơn đến con cái, đừng vô tình đẩy con ra khỏi vòng tay gia đình khiến các em dễ rơi vào tệ nạn xã hội. Chị tâm niệm: “Sau khi ra sách, làm gì thì làm, tôi vẫn ra công viên tiếp cận gái mại dâm, những trẻ đi bụi, nghiện ngập… để giúp các em ấy quay đầu lại. Không ai bắt buộc tôi làm, tự tôi thấy đó là một cách để trả nợ cuộc đời”. Và bên cạnh chị, vẫn là những đứa trẻ mồ côi nhiễm HIV mà chị hết lòng thương yêu, nuôi dưỡng. Cả mẹ lẫn con, vẫn không ai có một tờ giấy tùy thân nào để “lận lưng”, để chứng minh họ là người VN như bao người khác - dẫu người mẹ ấy không đợi đến bây giờ mới nổi tiếng!

Cuối năm 2009, khi phát hiện mình mắc căn bệnh nan y có thể “ra đi” bất cứ lúc nào, chị Trương Thị Hồng Tâm đã tin cậy trao bản thảo hồi ký đang còn dang dở của mình cho PV Như Lịch - Báo Thanh Niên. Tôn trọng nội dung quyển hồi ký, PV chủ yếu tham gia chỉnh sửa về lỗi chính tả, phân đoạn cũng như xử lý một số vấn đề khác về mặt hình thức. Song song đó là việc thúc giục chị Tâm hoàn thành nốt những đoạn cuối đồng thời tìm cách xuất bản cuốn hồi ký.

Khi bản thảo đã “hườm hườm”, PV cùng bác sĩ Trương Ngọc Tiến - một người gắn bó lâu năm trong hoạt động công tác xã hội với chị Tâm- dự định vận động nhóm Đức tin văn hóa của nhà thờ Mai Khôi (Q.3), những bà mẹ trẻ trong quỹ Chung một tấm lòng... cùng nhau hỗ trợ chi phí để tự in ấn, phát hành sách cho chị Tâm, với tựa đề ban đầu là "Hồi ký Tâm si đa". Trong khi chuẩn bị khởi động kế hoạch thì PV kết nối thành công chị Tâm với Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News). Đầu tháng 11. 2011, First News đã ký hợp đồng với chị Tâm thực hiện cuốn Hồi ký “Tâm si đa” - Vượt lên cái chết.

Sau buổi giới thiệu hồi ký, đã có nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ mẹ con chị Tâm. Trong đó, nhóm Đức tin văn hóa và quỹ Chung một tấm lòng quyên góp gần 20 triệu đồng để mua sách ủng hộ.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.