Ân nhân của người xấu số

20/03/2012 03:02 GMT+7

Ông chủ trại hòm Tân Vạn Phúc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói chắc nịch: “Tui không cần lưu số điện thoại của chú Giao vì đã thuộc làu. Thấy chú gọi là biết kêu hòm, từ nhiều năm như vậy rồi!”.

Ông chủ trại hòm Tân Vạn Phúc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói chắc nịch: “Tui không cần lưu số điện thoại của chú Giao vì đã thuộc làu. Thấy chú gọi là biết kêu hòm, từ nhiều năm như vậy rồi!”.

Sợ chúng tôi không tin, người này đọc vanh vách: 09792732...


Ông Nguyễn Văn Giao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm làm từ thiện

Khoảng 17 giờ ngày 13.3.2012, khi ông T. (vốn hành nghề xe ôm, ở trọ tại P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - chồng bà Ái Lan vừa trút hơi thở cuối cùng, bà Lan đã hớt hải chạy đến gia đình ông Nguyễn Văn Giao (ngụ cùng địa bàn P.2).

Bà Lan kể lể trong nước mắt: “Má em chết hồi năm 2006, chính anh là người lo cho bả cái hòm liệm và làm đám tang. Đến năm 2007, em bị tai nạn té gãy cột sống, anh giúp cho  cái nẹp inox 10 triệu đồng gắn vĩnh viễn sau lưng, nên em còn đi lại được, còn sống tới ngày hôm nay. Giờ đây chồng em chết, chủ trọ không cho để xác trong nhà họ, em không biết đưa chồng đi đâu về đâu… Anh thương tình giúp tụi em lần cuối…”. Ông Giao nói ngắn gọn: “Cô cứ yên tâm về đi, tôi giúp được gì thì sẽ giúp mà”.

Không chỉ đứng tên mua quan tài cho ông T., ông Giao còn cùng những người hảo tâm ở địa phương lo chạy tìm địa điểm đặt tạm thi hài. Sau khi ra sức thuyết phục ở một ngôi chùa nhưng không thành, cuối cùng, ông Giao và bà con lối xóm lội bì bõm trong nước thủy triều đang dâng cao để đưa thi hài đến “tá túc” tại một cái miếu (cũng ở P.2).

Tối hôm đó, chúng tôi chứng kiến bữa cơm khá muộn của ông Giao luôn bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại đổ liên hồi. “6 giờ sáng mai là liệm”, “2 giờ chiều động quan, sau đó đưa đi thiêu ở Bình Dương...” - ông Giao trả lời dồn dập. Nhìn vẻ bận rộn, xăng xái của ông Giao, dễ nhầm tưởng ông có họ hàng gì đấy với vợ chồng bà Lan.

 

Không chỉ chuyên giúp quan tài cho những người xấu số, mấy năm nay, ông Giao còn tự nguyện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, neo đơn. Ông trực tiếp đóng góp và vận động bạn bè giúp hàng trăm bệnh nhân có tiền chữa bệnh hoặc có thể xoay xở trong thời điểm ngặt nghèo nhất. Nhiều điều dưỡng, bác sĩ ở những BV lớn nhỏ, kể cả mấy nhà báo, người dân ở một số tỉnh, thành… thường cẩn thận lưu số điện thoại và “níu áo” ông mỗi khi họ chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm cần sự hỗ trợ khẩn cấp.

Hơn 15 năm làm từ thiện, ông Giao không thể nhớ nỗi bản thân đã giúp bao nhiêu chiếc áo quan cho những người bất hạnh ở Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân, Q.8, H.Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP.HCM), Phú Quốc (Kiên Giang), Long An, Bến Tre... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ông đã đứng ra lo cho 5 đám tang như vậy. Ông Giao cho hay, đôi khi ông cùng những ân nhân khác đành làm đám tang cho người xấu số ngay ngoài đường, do họ không có nhà cửa hoặc bị chính người thân kỳ thị.

Cuối tháng 2 năm nay, cái chết của anh thanh niên L.C đã ám ảnh ông Giao rất nhiều. Trước đó, ông gặp L.C nằm ăn xin bên lề đường với cái hạch to tướng ở cổ. Ông ân cần hỏi thăm, tặng tiền cho L.C đồng thời thúc giục anh này về nói người mẹ (làm nghề bán vé số, ở trọ tại Q.8) đưa đi khám chữa bệnh, mọi chi phí ông sẽ tính liệu. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết đó là hạch ác tính nên không mổ được, kêu gia đình đưa về.

Chủ phòng trọ biết chuyện đã đuổi thẳng mẹ con L.C, vì sợ anh này chết trong nhà họ. Ông Giao và một người bạn tên Tuấn giúp hai mẹ con 5 triệu đồng để đi thuê phòng trọ khác. Lần này, chủ nhà đồng ý cho ở 1 tháng nhưng với điều kiện: Nếu L.C chết là lập tức đuổi đi. “Vào cái đêm L.C lìa đời, bà mẹ âm thầm tắt điện, khóa cửa ra ngoài ngõ kêu xe cứu thương. Bà dặn kỹ tài xế không được hụ còi và đậu cách xa nhà trọ một quãng rồi đi bộ tới, không mang theo cáng thương. Bà nhờ nhân viên y tế bế thốc đứa con như thể L.C đang bị bệnh, rồi đưa thẳng vào nhà tang lễ của một bệnh viện...” -

Giọng ông Giao chùng xuống. Sau khi lo chi phí đám tang của L.C (11 triệu đồng), ông Giao và ông Tuấn còn giúp mẹ L.C thêm 3 triệu đồng, để bà có thời gian ổn định tâm lý sau cú sốc mất con...

Bị gạt, vẫn không vơi niềm tin

Ông Giao cho biết, ông cũng từng bị một số người tìm đến tận nhà để tung quả lừa. Ông kể: “Có người tới nhà tôi khóc lóc nói rằng con họ chết đang để xác ở Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 và không có tiền chuyển về quê. Tôi an ủi và bảo họ 15 phút nữa sẽ có mặt tại BV. Nhưng khi đến nơi, tôi không thấy “người mẹ đau khổ” đó. Hỏi bảo vệ thì được biết hiện không có cái xác nào trong BV.

Tôi sợ mình nghe nhầm, lỡ người ta nói là số 1, mình nhớ thành số 2 thì khổ! Thế là tôi nhờ người kiểm tra bên BV Nhi đồng 1, song họ cũng khẳng định không có cái xác nào”. Khi được hỏi về lòng tin liệu có bị “sứt mẻ” sau những lần như vậy, người đàn ông này bộc bạch: “Trong thâm tâm, tôi nghĩ đã giúp ai thì giúp từ A cho tới Z, chứ không phải chỉ cho họ mấy trăm ngàn đồng rồi bỏ mặc họ với xác đứa con. Dù có bị người ta gạt, tôi thấy mình chẳng mất gì, có chăng chỉ mất chút công sức mà thôi”.

Được biết, ông Giao có những biệt danh khá nổi tiếng là “Giao lông vịt” hay “Giao chợ cá”. Bởi lẽ, đó là những công việc hay địa danh ông đã gắn bó một thời. Hiện ông làm nghề cho thuê xe hơi (1 chiếc 16 chỗ ngồi) và một số xe gắn máy, còn vợ ông - bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - buôn bán ở chợ Thái Bình (Q.1). Hằng năm, ông tổ chức nhiều chuyến xe chở đầy gạo và những nhu yếu phẩm để giúp tận tay người nghèo ở một số tỉnh miền Tây, miền Trung. Thỉnh thoảng, chiếc xe 16 chỗ của gia đình ông còn được sử dụng trong đám tang của những phận đời khốn khó.

"Giao lông vịt" khoe rằng, ông thừa hưởng "máu thương người" từ bà mẹ tảo tần của mình. Nhiều năm trước, ông làm từ thiện có “mình ên” (một mình). Từ năm 2007 đến giờ, ông đã có thêm nhiều “chiến hữu” chung vai sát cánh. Ông tỏ ra tự tin: "Tôi rất mừng vì vợ con tôi luôn hết lòng ủng hộ. Đặc biệt, con trai tôi là Nguyễn Trọng Đức thường xuyên theo cha tặng quà hay tự nguyện chụp hình đám tang miễn phí cho người nghèo. Lòng tốt sẽ lan tỏa rộng hơn, ươm mầm từ đời này sang đời khác”. Ông thẳng thắn nhìn nhận, gia đình ông chưa hẳn dư dả, nên cứ phải cật lực làm việc và dành dụm từng ngày đặng có thể san sẻ nhiều hơn cho những mảnh đời bất hạnh.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.