Ở các nước du lịch phát triển, bảo tàng bao giờ cũng là một nguồn thu lớn. Còn ở nước ta, rất hiếm bảo tàng hút được khách du lịch.
Thiếu hấp dẫn
“Chúng ta có thể thấy rõ bảo tàng nói chung chưa đủ hấp dẫn du khách”, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết. “Chúng ta chỉ có một số ít bảo tàng hút khách du lịch như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Trong khi đó, với khách nước ngoài, nhu cầu tất yếu khi tới một nước khác chính là khám phá văn hóa lịch sử. Mà bảo tàng lại là thiết chế giới thiệu văn hóa lịch sử hệ thống, hiệu quả. Chính vì thế, nếu được vận hành tốt, bảo tàng sẽ rất hút khách du lịch”.
|
Mặc dù vậy, theo TS Tuấn, hình như chính các bảo tàng còn rất chủ quan khi chưa quan tâm tới mong muốn của khách du lịch - thượng đế. Cách đây vài năm, ông đã “vấp thực tế” khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có quy định nghỉ ngày thứ hai. Bảo tàng quy định thế, trong khi khách du lịch chẳng nghỉ đi chơi ngày nào. Cũng vì thế, dù không muốn, các công ty lữ hành đành bỏ điểm đến này khỏi chương trình tour.
“Tất nhiên, giờ đây Bảo tàng Lịch sử đã mở cửa cả tuần, nhưng họ cũng chỉ mở ban ngày mà không mở buổi tối”, TS Tuấn nói. “Trong khi đó, đây là bảo tàng có không gian đẹp nhất thủ đô, lại ở ngay trung tâm. Nếu nó được tổ chức ánh sáng buổi tối rồi có sự kiện biểu diễn, ăn đêm ở đó chắc chắn sẽ rất hút khách. Tôi biết, rất nhiều hãng lữ hành mong mỏi điều đó”.
|
Cuộc cạnh tranh
“Giờ đây, khi city tour bị cắt ngắn từ một xuống còn nửa ngày, chúng tôi sẽ chỉ lựa chọn sản phẩm thực sự ấn tượng, ấn tượng nhất. Các bảo tàng sẽ phải cạnh tranh nhau rất mạnh”, ông Lại Quốc Cường - Giám đốc Vietcharm tour nói.
“Chúng tôi thiết kế tour bao giờ cũng dựa trên nhiều yếu tố. Chẳng hạn, nếu khách du lịch đi từ nam ra, đã qua Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM thì tới Hà Nội chúng tôi sẽ không đưa tới Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Quân đội nữa. Nếu họ đã thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc ở Thái Nguyên thì về Hà Nội chúng tôi sẽ đưa tới Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử chứ không tới Bảo tàng Dân tộc học”, bà Đặng Bích Thọ, Giám đốc doanh nghiệp Phượng Hoàng cho biết.
Theo đại diện của một hãng du lịch, bảo tàng cần có những cuốn sách hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng. Khi đó, các hãng lữ hành sẽ chủ động hơn bởi hướng dẫn viên không thể am hiểu mọi lĩnh vực.
“Người làm lữ hành luôn cần sản phẩm mới. Vì thế chúng tôi luôn chủ động đi tìm. Nhưng phía bảo tàng cũng nên mau chóng vào cuộc. Bởi chỉ khi thấy sản phẩm ổn rồi chúng tôi mới đưa vào chương trình du lịch để chào bán”, TS Tuấn nói. “Các bảo tàng nên học theo Bảo tàng Dân tộc học. Họ rất biết lắng nghe. Mỗi năm họ đều mời các hãng lữ hành đến để góp ý, trao đổi rồi có thay đổi kịp thời. Do đó, dù địa điểm xa trung tâm khách du lịch vẫn rất quan tâm tới điểm đến này”, ông gợi ý.
Cũng theo ông Tuấn, có thể thấy rõ một bảo tàng đang chuyển mình là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. “Bảo tàng được các chuyên gia nước ngoài tư vấn về trình bày, cũng có nhiều nội dung tốt, lại ở trung tâm Hà Nội. Thêm vào đó, họ đã bắt đầu chủ động kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để trao đổi về sản phẩm du lịch”, ông nói.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)