Để vòng tránh thai quá hạn trong bụng dễ dẫn đến nhiều biến chứng, thường gặp nhất là mang thai ngoài ý muốn hoặc vòng bị lệch, nứt gãy, thậm chí xuyên cơ vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận
Bà Ng.T.T (65 tuổi, ngụ TPHCM) bỗng dưng bị đau bụng dữ dội. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ phát hiện “thủ phạm” là chiếc vòng tránh thai đặt từ 37 năm trước. Theo các bác sĩ sản khoa, trường hợp như thế không phải hiếm gặp, thậm chí nhiều người từng phải cấp cứu do vòng bị gãy hoặc “đi lạc” làm tổn thương nghiêm trọng đến tử cung và các cơ quan lân cận.
Đủ kiểu biến chứng
Chị T.M.Ng (42 tuổi) không giấu nổi bực bội khi đến bệnh viện sản khoa đã làm thủ thuật đặt vòng tránh thai cho chị. Chị cho biết trễ kinh hơn một tháng, dùng que thử thì thấy có thai nên bức xúc với bác sĩ rằng đã đặt vòng sao vẫn “dính”? Sau khi nghe tư vấn, chị mới sực nhớ bác sĩ từng dặn là chiếc vòng chỉ có hạn sử dụng 5 năm, vậy mà nó đã “ngủ quên” đến 11 năm. “Nhiều năm qua chỉ lo chăm con nên không chú ý mấy chuyện này, với lại nghĩ mình cũng lớn tuổi rồi, ai dè…” – chị Ng. thở dài.
Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Từ Dũ, cho biết tùy vào chủng loại, thông thường vòng tránh thai có thời hạn từ 5-10 năm. Các thông số này ghi trên sản phẩm và nơi làm thủ thuật đặt vòng phải tư vấn rõ cho bệnh nhân về thời hạn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bỏ quên vòng tránh thai trong cơ thể trên 20, 30 năm. Có những người đã mãn kinh từ lâu, bỗng dưng bị đau bụng mới nhớ đến chiếc vòng, vội vàng tìm bác sĩ nhờ lấy ra.
Việc để vòng tránh thai quá hạn trong bụng dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Thường gặp nhất, đó là việc mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, vòng quá hạn có thể bị lệch, nứt gãy, thậm chí xuyên cơ vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận. Điều này sẽ gây ra các tổn thương, nhiễm trùng; thậm chí thủng tử cung, gây viêm phúc mạc hoặc xuất huyết nội… khiến bệnh nhân tử vong. “Rắc rối hơn là khi chiếc vòng không còn nằm ở vị trí cũ. Không hiếm bệnh nhân vào viện vì đau hoặc bất chợt nhớ ra là trong cơ thể mình có cái vòng quá hạn. Họ một mực khẳng định còn vòng trong cơ thể nhưng chúng tôi kiểm tra vị trí đặt vòng thì chẳng thấy. Lúc đó, thay vì thao tác lấy vòng ra một cách đơn giản thì chúng tôi phải dùng đủ biện pháp như chụp X-quang, siêu âm, nội soi ổ bụng... để truy tìm chiếc vòng đi lạc. Tìm thấy rồi thì việc lấy ra cũng khó khăn vì vòng bị khuất hoặc gãy, bám vào cơ hay các cơ quan gần đó” - bác sĩ Mai cho biết.
Nên khám định kỳ
Theo các chuyên gia sản khoa, dù tỉ lệ biến chứng vì bỏ quên vòng không cao nhưng dễ gây ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn do vòng giảm hoặc mất tác dụng. Ngoài ra, phụ nữ đến lúc mãn kinh mới lấy vòng ra thì lúc này tử cung đã teo nhỏ, nội mạc mỏng dần khiến cho việc lấy vòng trở nên phức tạp hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TPHCM, lưu ý khi đặt vòng tránh thai, chị em nên ghi nhớ thật kỹ những điều bác sĩ tư vấn, nhất là thời hạn sử dụng của vòng và lịch hẹn khám định kỳ sau khi làm thủ thuật. Thông thường, thời gian đầu sau khi đặt vòng, bệnh nhân thường được hẹn quay lại khám sau 1 tháng, rồi 3 tháng, 6 tháng…; sau khi đã ổn định thì chỉ cần khám thường niên. Dù vòng tránh thai có hiệu quả ngừa thai cao và an toàn nhưng vẫn nên tuân thủ việc thăm khám sau đặt vòng, bởi biện pháp nào cũng có một tỉ lệ thất bại nhất định.
Lưu ý các biểu hiện bất thường Khi sử dụng vòng tránh thai, nếu thấy các biểu hiện bất thường như trễ kinh, đột nhiên ra huyết, đau bụng…, chị em nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra xem tình trạng đó có liên quan đến vòng tránh thai hoặc có mang thai ngoài ý muốn hay không. Khi vòng tránh thai đã hết hạn sử dụng, nên đến các cơ sở y tế để thay vòng mới hoặc tháo bỏ vòng nếu đã mãn kinh. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)