Lớp học là một gian phòng rộng khoảng 30m2 thuộc Nhà văn hóa tổ dân phố 19 Trường Phúc, P.Vĩnh Phước, TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Thầy giáo là một anh bộ đội đã 8 năm nay tự nguyện dạy chữ với tất cả tình thương dành cho các học sinh.
Tối thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, trung úy Nguyễn Văn Tưởng (Đồn biên phòng 372, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa) chạy xe hơn 7 km từ nhà đến lớp học tình thương ở P.Vĩnh Phước để dạy chữ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Tưởng quê Kim Bảng (Hà Nam), năm nay 37 tuổi, anh đã có “thâm niên” 14 năm làm cán bộ Đoàn các chi đoàn trực thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh. Khoảng thời gian làm việc tại P.Vĩnh Phước, nhận thấy cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều em nhỏ không được đến trường, anh nảy ra ý tưởng sẽ dạy học cho các em nơi đây. Sau khi xin phép cấp trên và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, năm 2004 lần đầu tiên Tưởng đứng lớp trong vai trò một thầy giáo. Lớp học ban đầu chỉ có 15 em, nhưng để có “sĩ số” này, Tưởng đã phải cật lực đến tận nhà từng em để khuyên bảo, vận động các em đến lớp. Tưởng nói: “Các em ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ lo làm kiếm tiền mưu sinh, các em lêu lổng nên khi nói đến việc học, nhiều em xem đó là điều quá xa lạ. Khi đến nhà vận động, có em nói “học làm gì, học có được gì đâu?”, mình phải thuyết phục mãi các em mới đến lớp”.
|
Sau nhiều nỗ lực của Tưởng, học sinh đến lớp ngày càng đông. Hiện nay, lớp học có 25 em. Có những năm lớp học lên đến 40 em. Thầy Tưởng dạy từ lớp 1 đến lớp 5, nhằm phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ cho các em. Lớp học “5 trong 1” nên việc truyền đạt kiến thức cho các em vô cùng khó khăn. Trên tấm bảng nhựa nhỏ của nhà văn hóa, thầy chỉ chia bảng được làm 2. Sau khi dạy các em lớp 4-5, thầy lại xóa bảng để dạy các em lớp 2-3. Riêng các em lớp 1 thì thầy ngồi kèm ngay tận bàn. Do tinh thần ham học của các em chưa cao nên mới đầu lớp học thường xuyên vắng mặt nhiều em vì lý do phải đi biển, hoặc mải ham chơi... Thầy ghi nhớ những em vắng học để hôm sau đến nhà khuyên bảo, vận động các em đến lớp. Không chỉ đơn thuần dạy chữ, thầy Tưởng còn dạy cho các em về đạo đức thông qua những câu chuyện trong cuộc sống để các em hướng tới một lối sống tốt đẹp. Dần dần, các em đã đi học đều đặn hơn. Nhiều em trước đây trộm cắp, ăn nói thiếu lễ phép với cả thầy giáo, nay đã trở nên ngoan ngoãn và “thèm” học. Em Nguyễn Văn Phúc, học sinh lớp 3, nói: “Mới đầu em không thích đi học, nhưng khi đã đi học em thấy vui lắm, vì đi học được thầy dạy cho biết nhiều thứ”.
Để duy trì lớp học, Tưởng cùng cán bộ phổ cập tiểu học tại địa phương đến các trường tiểu học trên địa bàn “xin” sách giáo khoa, cùng Đoàn thanh niên vận động các mạnh thường quân mua vở, dụng cụ học tập cho các em. Tưởng tâm sự: “Niềm vui lớn nhất với mình là dõi theo các em, thấy các em trưởng thành hơn về đạo đức, lối sống. Qua thời gian, thầy trò ngày càng gắn bó, vì thế mà các em đã hiểu hơn lòng thầy, ham học hơn, ngoan hơn. Bản thân mình thì thấy công việc này ngấm vào máu thịt rồi, không thể dứt ra được, ngày nào không dạy, thấy bứt rứt bồn chồn”.
Nguyễn Chung
Bình luận (0)