Mình có ông anh lập nghiệp ở thành phố. Vừa rồi anh điện về, tiếng trước nói nhớ nhà, tiếng sau đã hỏi quê mình vào mùa ruốc chưa em? Rồi anh đùa: Mùi gì như gỏi ruốc khô/Từ quê Quảng Ngãi bay vô Sài Gòn...
|
Với dân “Quảng biển”, hễ nghe hai tiếng “mùa ruốc” là nghĩ đến mấy tháng xuân kéo dài đến cuối hạ. Đó là khoảng thời gian trời trong, sóng êm, biển lặng. Những tháng ấy, với con thuyền nhỏ, tấm lưới mành, ngư dân thường ngược xuôi ven bờ để “săn” ruốc.
Ruốc có tập tính kết thành từng mảng lớn, nổi lên sát mặt nước, vừa bơi rào rào vừa búng tanh tách nên rất dễ bị ngư dân phát hiện. Trong làn nước xanh veo, màu hồng tươi của ruốc không lẫn vào đâu được. Ngư dân bủa mành xuống đón đầu luồng ruốc, hai chiếc thuyền quây lại và “hò dô ta nào” kéo ruốc lên.
Ban đêm, dùng đèn pha rọi xuống nước, đợi ruốc bắt sáng bu lại thì dùng vợt xúc. Có khi hai người lội ra vùng nước ngang ngực, dùng một đoạn mành kéo dọc triền sóng, ngược hướng đi của ruốc, cũng bắt được vài chục ký.
Con ruốc bé tẹo, mềm mại, giống con tôm thu nhỏ, là mồi ngon của cá. Thế nên trong mẻ ruốc kéo lên thường có “mặt” đông đủ cá trích, cá nục, cá liệt, cá cơm...
Đang mùa, ruốc phơi chật bãi. Hết chỗ, ruốc “trèo” lên sân thượng những ngôi nhà, phơi mình dưới chói chang mùa hạ. Phơi đúng nắng, con ruốc khô ráo mà không giòn. Cho ruốc khô vào túi ni lông, bỏ vào hũ sành có thể dùng giáp năm mà không sợ ruốc phai hương.
Bạn đến chơi nhà, chưa hết tuần trà đã nghe mùi ruốc rang thơm lựng dưới bếp tỏa lên, như nói với khách: “Sắp có mồi đấy”. Con gái lúi húi bên vạt rau. Mười phút sau, đĩa gỏi ruốc xuất hiện. Có gì đâu, vài trái cà chua xanh xắt mỏng, một lượm rau xà lách, mớ rau diếp cá trộn đều với ruốc và ít dầu đã phi tỏi, cùng chút mắm chanh đường là thành đĩa gỏi thật ngon.
Ăn miếng gỏi, nghe con ruốc ngọt ngào, phảng phất vị trưa hè hanh hao và mặn mòi gió biển. Miếng cà chua đi kèm với xà lách, diếp cá thoảng thơm sương nắng vườn nhà. Bánh tráng cũng là thứ không thể thiếu trong bữa gỏi ruốc. Nhớ xưa, mẹ bày đĩa gỏi lên, chị đi mua bánh tráng chưa về, cha thường đọc câu thơ khá hóm: Thiếu em, chủ khách đều nhắc nhở/Bởi em tròn trĩnh, tiếng em giòn. Vâng, bánh tráng giòn giòn, ly rượu cay cay khiến bữa gỏi ruốc càng thêm đậm đà, và chuyện vui mùa ruốc cứ râm ran.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)