Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống - Kỳ 4: Phải theo kiểu mưa dầm thấm lâu

23/03/2012 03:58 GMT+7

Bà Trần Thị Hiền Lương, Trưởng phòng Tiểu học, Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông - Viện Khoa học giáo dục VN, trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh vấn đề này.

>> Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống - Kỳ 3: Không tốn tiền vẫn có kỹ năng

Bà Trần Thị Hiền Lương, Trưởng phòng Tiểu học, Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông - Viện Khoa học giáo dục VN, trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh vấn đề này.

Bà Lương nói rõ: “Chủ trương của chúng tôi khi biên soạn bộ tài liệu để đưa kỹ năng sống (KNS) vào dạy trong trường phổ thông là môn học nào, tiết học nào cũng có thể kết hợp để lồng ghép dạy KNS cho học sinh (HS). Vậy nên môn KNS không hề làm cho chương trình nặng hơn. Chỉ có điều, nhà trường và mỗi giáo viên (GV) phải thật hiểu về đổi mới phương pháp. Nếu GV làm không khéo thì dễ có cảm giác gây quá tải về nội dung, thời lượng lên lớp. Ví dụ, dạy tăng cường kỹ năng hợp tác qua việc cho HS trao đổi theo cặp, theo nhóm, GV phải tìm ra được những tình huống có vấn đề, gắn liền với thực tiễn cuộc sống của HS. Nếu vấn đề đang là mối băn khoăn, dễ gây tranh cãi trong HS, các em sẽ có nhiều cơ hội bộc lộ mình”.

Chồng chéo về nội dung

Sau một năm học chính thức đưa tài liệu hướng dẫn lồng ghép giảng dạy KNS vào trong trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, đã có đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc làm trên, thưa bà?

Chúng tôi đã đi dự giờ, chia sẻ ý kiến với GV để hoàn thiện bộ tài liệu, hầu hết GV đều cho rằng nếu thực hiện được thì HS hứng thú với bài học hơn. Kiến thức hàn lâm bị lược bỏ, thay vào đó HS được bày tỏ chính kiến của mình, HS năng động, hứng thú hơn... Tuy nhiên, một số GV cũng lo ngại rằng khi tích hợp họ thấy thời gian không đủ, vì phải có rất nhiều hoạt động. Tất nhiên, phải hướng tới một bộ sách giáo khoa thanh thoát hơn, để GV không phải lo chọn lọc nội dung, dạy cái gì, bỏ cái gì, có thời gian để HS được trải nghiệm, rèn luyện KNS qua các hoạt động học tập tích cực hơn.

Còn về chương trình hiện nay, rõ ràng là có sự chồng chéo nội dung kiến thức các môn học. GV của từng môn cứ dạy hết kiến thức có trong chương trình, sách giáo khoa nên không thể tránh khỏi HS phải học đi học lại cùng một nội dung kiến thức ở nhiều môn học khác nhau, gây ra sự nhàm chán, quá tải.

Tôi cho rằng nếu tích hợp được hoặc lược bỏ những lượng kiến thức đó thì sẽ có thời gian để cho HS thực hành, trải nghiệm.

Tuy nhiên, có GV đã tâm sự thật rằng họ chỉ chú trọng lồng ghép giáo dục KNS khi có đoàn kiểm tra, dự giờ...?

Có thể chúng tôi đi dự giờ mà báo trước thì bài giảng của GV đã được chuẩn bị rất kỹ, tập hợp các ý kiến của cả hội đồng sư phạm của trường cho giờ lên lớp đó. Tuy nhiên, sự chuẩn bị rất kỹ cũng bộc lộ một số nhược điểm, tức là GV vận dụng quá nhiều phương pháp, cho quá nhiều hoạt động khác nhau vào một bài giảng, tạo cảm giác mệt mỏi, nặng nề cho người học. Trong khi lẽ ra phải biết “chấm phá”, có chỗ nhấn, có chỗ lướt thì mới đủ thời gian.

 

Tôi đã chứng kiến giờ dạy môn văn có yêu cầu lồng ghép giáo dục KNS, không hiểu vì có đoàn kiểm tra hay không mà GV đã dạy như đó là một giờ học giáo dục công dân

Nhập tên tác giả

Tôi đã chứng kiến giờ dạy môn văn có yêu cầu lồng ghép giáo dục KNS, không hiểu vì có đoàn kiểm tra hay không mà GV đã dạy như đó là một giờ học giáo dục công dân chứ không phải là giờ học văn nữa, xa rời với mục đích của môn học chính.

Có ý kiến cho rằng việc đưa hơn 20 KNS vào định hướng giáo dục cho HS phổ thông là quá nhiều. Nên chăng chỉ chọn những kỹ năng thực sự cần thiết và phù hợp với từng độ tuổi?

Thực ra hơn 20 KNS mà chúng tôi định hướng giáo dục trong nhà trường cũng chỉ là những kỹ năng tâm lý xã hội chứ chưa phải là tất cả những kỹ năng cần có trong cuộc sống.

Nhưng chắc chắn không có kỹ năng nào có thể học một lần trong một bài học là xong. Các KNS phải được đưa vào theo kiểu mưa dầm thấm lâu, để dần dần nó từ lý thuyết trở thành kỹ năng của bản thân. Vậy nên, GV hoàn toàn không cần phải nói rằng hôm nay cô dạy các con KNS này rồi kết thúc một bài học thì cứ kỳ vọng rồi bắt buộc HS phải hiểu rõ về kỹ năng đấy. “Thuộc lòng” được lý thuyết của kỹ năng ấy là gì... đó không phải là mục tiêu của việc giáo dục KNS.

Có bộ công cụ đánh giá

Được biết, Bộ GD-ĐT đang giao nhiệm vụ cho Viện biên soạn bộ công cụ để đánh giá KNS của HS. Xin bà cho biết bộ công cụ này ra đời nhằm mục đích gì? Liệu có phải là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại HS không?

Bộ công cụ đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng từ năm học tới. Bộ công cụ này sẽ có những bài kiểm tra dưới dạng trắc nghiệm, phiếu quan sát, bảng kiểm hoặc qua những bài viết nho nhỏ... để HS bộc lộ vốn hiểu biết, khả năng ứng dụng KNS của mình. Bộ công cụ không kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS mà nhằm giúp GV tự điều chỉnh, tự đánh giá hiệu quả và có phương pháp giáo dục KNS phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Có thể trước đây GV dạy nhưng không để tâm về việc giáo dục KNS cho HS nhưng bây giờ khi có bộ công cụ này thì cả GV và HS sẽ có ý thức hơn trong việc trang bị các KNS.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.