Sau thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động tại các vùng biển của Việt Nam, ngày 22.3, gia đình các ngư dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có chồng, con đang bị Trung Quốc bắt, giam giữ ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) đã bớt phần u buồn. Dù vậy, trong lòng mỗi người vẫn trăm nỗi lo âu không biết bao giờ chồng, con mình mới được thả trở về cùng cuộc sống mưu sinh đang đè nặng.
|
Ngồi bên chiếc nôi cùng đứa con thơ mới 40 ngày tuổi, chị Nguyễn Thị Mai Trang (35 tuổi, ở xã An Vĩnh) thổ lộ: “Nghe nhà nước mình tuyên bố như thế tui cũng mừng song trong lòng vẫn lo lắng. Bây giờ chỉ mong sao ảnh sớm trở về”.
Quê tận đất lúa An Giang, năm 2002, sau khi kết hôn cùng anh Phan Văn Tân, chị Trang theo chồng về Lý Sơn lập nghiệp. Cuộc sống gia đình cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày từ nguồn thu nhập chính của những chuyến ra khơi của chồng cộng gánh chè của vợ. Biển động nhiều tháng liền, anh Tân bó gối ngồi nhà khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh túng quẫn.
Sau khi sinh đứa con thứ hai được 20 ngày, sáng 1.3, anh Tân lên tàu cá QNg-66074 TS của thuyền trưởng Trần Hiền (32 tuổi, cũng ở xã An Vĩnh) tiến ra Hoàng Sa hành nghề lặn kiếm tiền lo cái ăn, mua sữa cho con. “Khi nghe ảnh bị Trung Quốc bắt lại còn đòi tiền nộp phạt, tim tui như muốn rớt ra ngoài. Mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”, chị Trang kể.
Mọi người đều không cầm được nước mắt khi nghe chị Võ Thị Nhớ kể về gia cảnh của mình. Sau bao năm cực nhọc bám biển, làm thuê đủ nghề, vợ chồng chỉ dành dụm đủ số tiền mua được miếng đất hơn
30m2. Thương tình, bà con dòng họ góp tiền dựng lên căn nhà nhỏ. Cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau bởi chồng chị là Lê Văn Phượng thường xuyên đau ốm nên lúc nào thấy khỏe mới theo bạn chài ra khơi. Còn chị Nhớ đi làm thuê kiếm thêm tiền chạy chợ. “Làm được đồng nào xào hết đồng đó chứ chẳng có dư dả gì nên trông chờ vào chuyến biển đầu tiên này. Vậy mà giờ ảnh bị bắt, chưa biết ngày nào về, tui chẳng biết xoay đâu ra tiền để nuôi 3 con nhỏ”, chị Nhớ rầu rĩ.
Ngồi thẫn thờ dưới hiên nhà nhìn về phía biển xa, nơi chồng là Lê Lớn (46 tuổi) và con là Lê Văn Vương (19 tuổi) đang bị Trung Quốc bắt giữ, bà Nguyễn Thị Thanh Tươi (46 tuổi, ở xã An Bình, còn gọi là đảo Bé) mếu máo: “Chồng cùng con tui bị Trung Quốc bắt giam rồi. Nhà thì nghèo, lo cái ăn từng bữa đã đứt hơi, giờ lấy tiền đâu mà nộp đây”.
Theo chị Lê Thị Phúc, vợ thuyền trưởng Trần Hiền, tối 20.3, sau khi phía Trung Quốc điện thoại đòi 70.000 nhân dân tệ và ra “thời hạn” chậm nhất trong vòng 2 ngày phải chuyển đủ số tiền mới thả tàu, thả ngư dân, thì 2 ngày qua chẳng nhận được tin tức gì nữa cả. “Gia đình tui lo quá, bây giờ chỉ có bán nhà mới có đủ số tiền mà phía Trung Quốc yêu cầu”.
Ngư dân vẫn ra khơi
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 22.3, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, khẳng định: “Chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng tiếp tục vận động, nhắc nhở gia đình các ngư dân tuyệt đối không được nộp tiền cho phía Trung Quốc, bởi lẽ vùng biển quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam và cũng là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Lý Sơn”. Cũng theo bà Hương, chính quyền địa phương đã thành lập đoàn công tác đến gia đình các ngư dân bị “nhân tai” trên biển để chia sẻ, động viên và có chính sách hỗ trợ trước mắt.
Dù 2 tàu cá và 21 ngư dân ở địa phương đang bị Trung Quốc bắt, giam giữ trái phép nhưng trong những ngày qua, những chiếc tàu cá của ngư dân Lý Sơn vẫn tiếp tục rời đảo tiến ra ngư trường Hoàng Sa với lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển khơi.
21 ngư dân Lý Sơn bị bắt giữ Tàu cá QNg-66074 TS của ông Trần Hiền: 1. Trần Hiền, thuyền trưởng 2. Phan Văn Tân, thuyền viên 3. Võ Xuân Thạch, thuyền viên 4. Nguyễn Tỏa, thuyền viên 5. Đặng Trúng, thuyền viên 6. Lê Hoàng, thuyền viên 7. Nguyễn Thành, thuyền viên 8. Nguyễn Sáng, thuyền viên 9. Nguyễn Văn Hùng, thuyền viên 10. Võ Văn Của, thuyền viên 11. Trần Văn Của, thuyền viên. Tàu QNg-66101 TS của ông Lê Vinh: 1. Bùi Thu, thuyền trưởng 2. Lê Văn Phương, thuyền viên 3. Nguyễn Lợi, thuyền viên 4. Đặng Văn Tươi, thuyền viên 5. Bùi Văn Lan, thuyền viên 6. Nguyễn Dư, thuyền viên 7. Lê Lớn, thuyền viên 8. Lê Văn Vương, thuyền viên 9. Trần Tư , thuyền viên 10. Bùi Trường Thọ, thuyền viên. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)