Sau kết luận ban đầu của đoàn công tác Bộ Xây dựng hôm 21.3, chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa hết lo lắng về nguy cơ từ đập thủy điện Sông Tranh 2.
|
Địa phương lo lắng
|
Chiều 22.3, ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My (Quảng Nam) - cho biết với những kết luận ban đầu từ đoàn công tác của Bộ Xây dựng chiều 21.3, chính quyền địa phương “tạm thời tin như thế” vì đó là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương.
Ngay khi xảy ra sự cố rò rỉ nước tại đập chính thủy điện, trao đổi với Thanh Niên, ông Phong đề nghị các nhà khoa học vào cuộc kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân và tình hình.
Ngay trước khi TS Bùi Trung Dung - Phó cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Hội đồng thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước - phân tích khẳng định đập thủy điện vẫn đang vận hành an toàn đúng như thiết kế, chính ông Phong đã có những phản biện mạnh mẽ. “Bây giờ thì phải tạm thời tin theo các nhà khoa học. Nhưng quan trọng là chờ xem khâu xử lý có đúng như những gì đã phác thảo chiều 21.3 hay không. Theo tôi, nếu tình trạng rò rỉ nước vẫn không cải thiện, thì chắc chắn có vấn đề khác xảy ra”.
Nói là “tạm tin”, nhưng theo lãnh đạo H.Bắc Trà My, địa phương hiện vẫn lo lắng và suy nghĩ về mối liên hệ giữa động đất kích thích (từng xảy ra cuối năm 2011) với hiện tượng rò rỉ nước hiện tại. Bởi đến nay vẫn chưa có bất cứ thiết bị quan trắc nào được lập tại Bắc Trà My theo đề nghị của huyện.
“Người dân địa phương vẫn lo ngại, vì không biết đến bao giờ khắc phục dứt điểm sự cố này. Dù các nhà chuyên môn đã lên tiếng, người dân nắm bắt được ít thông tin, nhưng chúng tôi còn chờ một kết luận chính thức từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí là rất cần gấp một kết luận chính thức như thế!”, ông Phong nói.
Đánh giá toàn diện
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định địa phương không thể đứng ra trả lời vấn đề cho nhân dân yên tâm được mà phải cơ quan cấp cao của trung ương, và phải giải thích một cách khách quan. “Công trình có sai sót trong thi công, trong thiết kế mới chảy nước ra, chứ không thể nói là nằm trong sự cho phép được”, ông Hải nói.
Trước đó, khi nêu ý kiến về các vết nứt tại khe nhiệt, thậm chí đòi ngừng vận hành để xả đập, ông Đặng Phong cho rằng việc chủ đầu tư cho trám lại chỉ là giải pháp tạm thời. “Mấy ngày qua, tôi đi lên kiểm tra, đút lọt ngón tay vào khe nhiệt bị chảy nước. Sống ở địa bàn xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi có rất nhiều lý do để lo lắng”, ông Phong nêu ý kiến.
Trong công điện khẩn của Tập đoàn điện lực VN (EVN), dẫn Thông báo số 77/TB-HĐNTNN ngày 28.11.2011, EVN cho biết Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra, đánh giá là đảm bảo an toàn chất lượng. Tuy nhiên, sự cố rò rỉ nước trong mấy ngày qua đã buộc các đơn vị liên quan xem xét lại. Theo EVN, tập đoàn này đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án thủy điện 3 phối hợp với tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc phân tích số liệu quan trắc đã có để đánh giá toàn diện về chất lượng và an toàn của đập.
Đòi hỏi sớm làm sáng tỏ nguyên nhân sự cố rò rỉ nước ở đập chính thủy điện Sông Tranh 2 của chính quyền địa phương và dư luận cho thấy tình hình trở nên nghiêm trọng, không bó hẹp ở lý do “vấn đề kỹ thuật sâu hơn chưa có điều kiện giải thích với nhân dân” như giải trình của Ban Quản lý dự án thủy điện 3. Đây là hồ chứa có dung tích lên đến 740 triệu m3 nước.
Đập chính dài 640m, có mực nước dâng bình thường 175m, cao trình đỉnh đập 180m, đỉnh đập rộng 8m, đáy đập rộng 75m và hiện đập dâng vẫn đang được thi công hoàn thiện. Đoàn kiểm tra do UBND tỉnh Quảng Nam lập ra cũng đã đề nghị chủ đầu tư nhìn nhận đúng bản chất vấn đề để có biện pháp xử lý.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)