Mặt trời trong chai

25/03/2012 03:18 GMT+7

Dự án Chai mặt trời trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trong thời gian vừa qua.

Dự án Chai mặt trời trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trong thời gian vừa qua.

Đó là khi đoạn phim Chai mặt trời 2012 (https://www.youtube.com/watch?v=VjlV3Oe2GsA) được đăng tải trên YouTube, hướng dẫn chi tiết cách thực hiện Chai mặt trời, tức làm đèn ánh sáng mặt trời trong… chai nước, cũng như cách lắp đặt nó lên mái nhà. Kể từ đó, đoạn phim này được tải về và giới thiệu rộng rãi trên khắp các diễn đàn về môi trường và mạng xã hội như Yume, Facebook…

Chai mặt trời (The Solar Bottle Bulb) là một dự án cộng đồng có mục tiêu đưa giải pháp về ánh sáng cho cộng đồng thu nhập thấp, được xây dựng từ mô hình Ánh sáng từ chai nước phát kiến lần đầu tiên năm 2008 tại Brazil và ngay trong những năm tiếp theo đã được nhân rộng tại Phillipines. Việt Nam là quốc gia thứ ba tiếp nhận sáng kiến này.

Đồng thời, đây còn là một dự án nằm trong chiến dịch Một giờ trái đất khác biệt diễn ra từ ngày 15.2 đến 31.3, với hàng loạt các hoạt động trên toàn quốc nhấn mạnh vào mục tiêu mang lại giải pháp thực tế cho vấn đề về năng lượng và nguyên liệu bền vững, góp phần giảm phát thải CO2 và nâng cao nhận thức người dân để đóng góp vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

 
Chai mặt trời phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn 55-60W -  Ảnh: Youtube

 
Thực hiện Chai mặt trời - Ảnh: Youtube

Chai mặt trời dựa trên nguyên lý rất đơn giản, dùng vỏ chai nước đã qua sử dụng, làm sạch và đổ đầy nước. Thêm vào một lượng Chlorine theo tỷ lệ nhất định (thường khoảng 10 ml Chlorine), sau đó đem lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, phần còn lại tiếp xúc với không gian sống. Sử dụng thêm hỗn hợp keo và xi măng làm chất kết dính để dán kín vào mái nhà. Khi đó, Chai mặt trời sẽ phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn 55-60W. Chỉ cần thay nước cho Chai mặt trời mỗi năm một lần là đã có thể có một thiết bị chiếu sáng thân thiện với môi trường và không cần dùng điện.

Dân mạng tỏ ra hào hứng và thích thú với dự án này. Rất nhiều ý kiến bình luận, phân tích hiệu quả của dự án được đưa ra. Hầu hết đều cho rằng dự án có tính khả thi rất cao và tin chắc sẽ đem lại hiệu quả thiết thực đối với một nước còn nghèo như Việt Nam. Có ý kiến nhận định, những Chai mặt trời này không chỉ cung cấp ánh sáng từ nguồn sáng hoàn toàn miễn phí, giúp mỗi gia đình giảm được khoảng 40% tiền điện hằng tháng, mà còn giúp giảm nguy cơ cháy nổ, giảm rác thải, giảm lượng phát thải CO2 hằng năm lên tới 7%, giảm áp lực lên hệ thống điện lưới của địa phương, đồng thời giảm nhu cầu năng lượng nội địa, góp phần làm chậm lại sự biến đổi của khí hậu.

Tại TP.HCM, sáng 18.3 hệ thống đèn ánh sáng mặt trời trong chai nước thuộc dự án Chai mặt trời được lắp đặt thử nghiệm tại các hộ dân thuộc tổ 22, KP.3, P.5, Q.4, TP.HCM. Bà Tuyết Anh, chủ hộ được lắp đặt Chai mặt trời đầu tiên ở TP.HCM, vui mừng cho biết: “Với cách làm này, từ nay không còn phải lo lắng về giá điện nữa. Thật bất ngờ vì không tưởng tượng được những chai nước lại có thể mang ánh sáng cho cả căn nhà mà không cần dùng điện”.

Được biết, trong thời gian sắp tới, dự án Chai mặt trời sẽ nhân rộng mô hình trên khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM. 

Bình luận 

“Chai mặt trời chắc chắn sẽ là hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, giảm phát thải CO2 vào khí quyển, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, vật liệu tái chế nhằm chung tay bảo vệ môi trường” (khoa246, YouTube).

“Cách làm Chai mặt trời đơn giản nhỉ! Thế mà tại sao bấy lâu nay chúng ta không nghĩ ra? Với chi phí đầu tư rất thấp, cách thực hiện, lắp đặt đơn giản, mỗi hộ gia đình đều có thể làm được. Đem lại hiệu quả sử dụng khá cao khi cung cấp nguồn sáng miễn phí. Hãy cùng nhau nhân rộng mô hình này nhé các bạn!” (hoaithanh, yeumoitruong.com).

“Mình ở một vùng nghèo thuộc tỉnh Lai Châu. Nơi đây chẳng có điện. Mong sao trong thời gian sớm nhất, dự án Chai mặt trời sẽ đem ánh sáng về được quê hương mình nói riêng và các bản làng xa xôi hẻo lánh nói chung” (ngtrhieu, vfej.vn).

“Ý tưởng rất hay và độc đáo, phù hợp với Việt Nam. Cần nhân rộng mô hình này!” (truongtrung, YuMe).

Xuân Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.