Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn nghệ thuật hát chầu văn thuộc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN, do Liên hiệp Các hội UNESCO bảo trợ, vừa ra mắt chiều 21.3 tại đền Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, H.Thanh Trì, Hà Nội.
Chủ tịch CLB Bảo tồn nghệ thuật hát chầu văn, Giáo sư Ngô Đức Thịnh mong muốn hoạt động của “hiệp hội” này sẽ giúp truyền nghề, cũng như làm nghề bớt đi tiêu cực. Ông nói: “Là linh hồn của một buổi hầu đồng, nhưng hát chầu văn giờ cũng có tiêu cực, biến tướng sau một thời gian dài bị đứt gãy văn hóa”. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: “Trong quá khứ, chầu văn được xem như một hình thức âm nhạc chuyên nghiệp gắn với tín ngưỡng Tứ phủ. Vì thế, hệ thống lối giọng, bài bản, kỹ thuật khí nhạc, thanh nhạc trong nghệ thuật này đã đạt tới tầm kinh điển. Những khuôn mẫu luật lệ nghiêm khắc của nó không phải ai trong giới nghề cũng dễ dàng đạt được”.
|
Giờ đây, tín ngưỡng Tứ phủ hồi sinh mạnh mẽ nên phong trào học hát chầu văn cấp tốc có ở khắp nơi. Để nhanh chóng kiếm tiền, người ta chỉ cần học lỏm vài ba làn điệu cơ bản qua băng đĩa rồi hành nghề. Kiểu học “ăn xổi” đó làm hát văn bị biến dạng. Hiện, không hiếm những cung văn đàn chả cung bậc nào ra cung bậc nào mà vẫn hành nghề như thường. Trong điện thờ, họ thường đẩy cao bộ phận tiếng vang ở hệ thống tăng âm nhằm lấp liếm tiếng đàn “lừng phừng” của mình. Hiện không mấy chân đồng thời nay có khả năng hiểu giá trị hát chầu văn kinh điển như các chân đồng xưa, vì thế nghệ thuật này trượt dài theo thị hiếu “thời đại” của nhiều ông đồng bà cốt. Các làn điệu bị lệch lạc rất nhiều. Thậm chí để “phong phú”, người ta sẵn sàng thêm vào đủ loại bài hát mới vào nghệ thuật hát văn. Có cả những điệu nhạc đậm chất Quảng Đông - Trung Quốc.
Chầu văn tồn tại chủ yếu qua dạng “cha truyền con nối”, nhưng giờ đây, Giáo sư Thịnh đã thuyết phục được các nghệ nhân lão thành truyền dạy trực tiếp cho những người muốn học. “Tuy CLB mới lấy học viên ở các tỉnh miền Bắc, nhưng người đăng ký học hiện rất đông. Chỉ tính từ trình độ trung niên trở lên đã có tới vài trăm người rồi”, ông Thịnh nói. “Trong số người dạy hát văn, chúng tôi có 5 nghệ nhân dân gian lão thành. Nhưng khi truyền dạy, chúng tôi cố gắng không biến học viên thành các cụ. Bởi hát văn cũng có những phong cách riêng. Hơn nữa, nếu hát văn là di sản thì cũng phải tính cách để đưa nó vào đời sống, để cộng đồng hiểu về di sản hơn. Phục vụ du lịch cũng là một hướng. Rõ ràng, không phải dễ gì có được thứ âm nhạc có thể khiến người ta mê mẩn trong suốt buổi diễn kéo dài từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng mới về”.
GS-TS Ngô Đức Thịnh cho biết CLB Bảo tồn nghệ thuật hát chầu văn là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận. Thành viên của CLB, ngoài nghệ nhân hát văn, nhạc công dân gian, người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… còn có các nhà nghiên cứu. CLB được chia thành các ban: thực hành biểu diễn, truyền dạy, nghiên cứu, cố vấn… |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)