Chiến dịch “Một giờ Trái đất khác biệt 2012” ghi dấu năm thứ tư VN nói chung và TP.HCM nói riêng thực hiện hoạt động chính “một giờ không điện”. Tôi nghĩ nhân cơ hội này, mỗi người trong chúng ta hãy dành một vài phút lắng đọng để suy nghĩ sâu hơn về những gì mình đã làm và những gì mình có thể chia sẻ cùng cộng đồng liên quan đến các vấn đề về sử dụng năng lượng.
Theo nguyên tắc mưa dầm thấm lâu, cần ủng hộ việc tiếp tục thực hiện những hoạt động tuyên truyền và những hoạt động mang tính phong trào, vẫn phải tiếp tục kêu gọi mọi người trong xã hội thực hiện những giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản hằng ngày như không cài đặt máy lạnh thấp hơn 25 - 26 độ C, không mở máy lạnh khi phòng không có người, không thắp sáng quá mức cần thiết, không mở cửa tủ lạnh quá lâu, không đặt đồ nóng vào bên trong tủ lạnh...
Tôi tin tưởng những hoạt động như vậy chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích nhất định nào đó theo kiểu tích tiểu thành đại. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế vẫn chưa đủ, chưa đem lại những dấu ấn đáng kể.
Theo tôi, bắt đầu từ năm nay, song song với các hoạt động tuyên truyền và các hoạt động mang tính phong trào, chúng ta nên đi vào những hoạt động mang tính bề sâu nhiều hơn.
Theo nghĩa thông thường, sử dụng năng lượng hiệu quả là sử dụng một lượng năng lượng ít hơn nhưng vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu công việc như nhau.
Chúng ta biết mỗi dạng năng lượng đều có thứ bậc cao thấp khác nhau, hoàn toàn không đồng đẳng với nhau. Ví dụ điện là năng lượng cấp cao, gas là năng lượng cấp thấp hơn và thấp hơn nữa lần lượt là dầu, than, củi. Trong trường hợp này khái niệm hiệu quả năng lượng cũng khá tương đồng với khái niệm hiệu quả trong những lĩnh vực khác. Theo đó, sử dụng năng lượng hiệu quả và hợp lý là không nên sử dụng những dạng năng lượng có thứ bậc quá cao để thực hiện những công việc chỉ yêu cầu những dạng năng lượng cấp thấp.
Đương nhiên trong thực tế vì nhiều lý do, ví dụ như vì sự tiện lợi và sự tiết giảm chi phí trong một giai đoạn nhất thời nào đó, cách suy nghĩ như vậy không dễ thu hút được sự chia sẻ của toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên, dần dần từng bước, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, hi vọng cách suy nghĩ này có thể thấm vào từng thành viên trong xã hội ở các mức độ khác nhau.
Tôi cũng chia sẻ thêm thông qua việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mỗi người đều có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nói như vậy để khẳng định rõ không có bất kỳ một dạng năng lượng nào có thể được gọi là hoàn toàn sạch và hoàn toàn không gây ra bất cứ vấn đề gì về môi trường. Khi ý thức được vấn đề này, hi vọng mỗi người trong chúng ta sẽ hạn chế phung phí năng lượng và có những điều chỉnh thích hợp trong hành vi sử dụng năng lượng.
Những ngày gần đây, giá nhiên liệu các loại không ngừng gia tăng. Chính trong bối cảnh như vậy, mỗi người chúng ta càng có dịp suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Nhiều hoạt động hướng đến Giờ Trái đất 2012 Nhiều hoạt động hướng đến sự kiện chính của Giờ Trái đất 2012 (20g30-21g30 ngày 31-3) đang thu hút hàng ngàn người tham gia. * Dự án “Chai mặt trời” khởi động vào sáng 18-3 tại hộ gia đình chị Lê Thị Tuyết Anh ở P.5, Q.4, TP.HCM. Trong căn nhà nhỏ lụp xụp - vốn là nơi sinh hoạt của tám người ở cả ba thế hệ, các tình nguyện viên dùng hai chai nhựa đã qua sử dụng đổ đầy nước, thêm vào một lượng javel theo tỉ lệ nhất định rồi lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần chai tiếp xúc với mặt trời, phần còn lại tiếp xúc với không gian sống, từ đó phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn neon. Chị Lê Thị Tuyết Anh vui mừng cho biết: “Hai chai nhựa lắp trên mái tôn đã giúp chiếu sáng khu vực thường thiếu sáng trong nhà tôi. Tôi mong hóa đơn tiền điện tháng này sẽ giảm vì mỗi tháng phải trả khoảng 400.000 đồng tiền điện là gánh nặng lớn với gia đình tôi”. Từ nay đến hết chiến dịch “Một giờ Trái đất khác biệt 2012”, dự án này sẽ đến với khoảng 20 hộ gia đình khó khăn tại TP.HCM ở bốn quận (4, 6, 8, Tân Bình). Sau đó, dự án này sẽ được triển khai ở 22 tỉnh, thành toàn quốc. * Những ngày này, dự án “20 giây cho Trái đất” đã “chạy” với hình ảnh các tình nguyện viên đứng tại một số ngã tư ở TP.HCM từ 7g-8g và từ 16g-18g cùng biểu ngữ khuyến khích người dân tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả của việc kêu gọi, các tình nguyện viên còn đứng bên đường cổ vũ trực tiếp từng người dân tắt máy xe. Hoạt động tương tự đang diễn ra tại Đà Nẵng. * Sự kiện chính của chiến dịch dự kiến diễn ra từ 17g-22g ngày 31-3 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1) với sự góp mặt của các gương mặt nổi tiếng trong Câu lạc bộ Đại sứ 350, màn đếm ngược tắt đèn lúc 20g30, biểu diễn nghệ thuật... Dự kiến có khoảng 4.000 người tham dự. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)