Có những con người sinh ra, thế giới chỉ bóng đêm, nhưng họ lại không chấp nhận sự giễu cợt của số phận. Hơn thế, họ còn tự ý thức đứng trên số phận để được sống trọn vẹn với đam mê và hữu ích cho đời.
Thử hỏi, với một người khiếm thị thì họ có thể đến với âm nhạc được không? Nguyễn Thanh Bình trả lời “được” nếu ta biết học bằng đôi tai của mình. “Tôi nhận biết phím đàn bằng cách nghe âm thanh để xác định vị trí của nó”, Bình tâm sự.
|
Chính từ sự đam mê tận cùng trong máu thịt đã giúp Bình thi đậu vào lớp năng khiếu của trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Vào trường dù học guitar nhưng khi thi trung cấp Nhạc viện anh đỗ thủ khoa môn... đàn nhị. Trong ngày thi chỉ cần năm phút anh xướng âm nhanh và chuẩn đã khiến các thầy cô phải thốt lên: “Em không cần phải thi nữa”.
Với người bình thường đã là một thành công và có thể yên tâm học thành tài với môn đàn nhị. Không ngờ, ít lâu sau anh lại thi vào khoa guitar bass và đỗ á khoa.
Liệu có phải là một cuộc chuyển hướng mạo hiểm?
Không. Đó là sự lựa chọn nhằm định hướng cho tương lai sau khi ra trường. Rõ ràng, ý thức học và hành của anh đã hình thành từ những năm tháng này. Lại một lần nữa, mọi người thấy anh xuất hiện trên sân khấu của Jazz Club - một sân chơi của những người chuyên nghiệp.
Với Bình, anh không chỉ chơi nhằm thỏa mãn đam mê mà còn chính là học: “Thời gian này giúp tôi phát huy khả năng tưởng tượng, nhất là tưởng tượng xem giai điệu của nhạc cụ đó có phù hợp với chỉnh thể của ca khúc đó hay không”. Chính điều này sẽ giúp anh có khả năng đeo đuổi một chuyên môn khác về sau.
Không dừng lại, Bình còn sáng tác như bày tỏ niềm tin đối với cuộc đời. Trong các ca khúc đó, “Những giấc mơ” đã tạo dấu ấn trong Giải thưởng Bài hát Việt năm 2009. Mới đây anh lại khiến mọi người cảm phục khi tiếp tục thể hiện ước mơ trong Vietnam’s Got Talent. “Theo tôi, đây là cuộc thi đầu tiên ở Việt Nam tạo sân chơi cho những người có mơ ước thể hiện tài năng của mình. Tôi nghĩ đó là điều rất quý” - Bình tâm sự.
Có thể nói, đến với cuộc đời này, Bình là mẫu người luôn có khát vọng tìm kiếm khả năng còn tiềm ẩn của chính mình. Điều này không lạ, sự khiếm khuyết này sẽ được tạo hóa “đền bù” bằng một khả năng khác. Vấn đề đặt ra, trên hành trình đó, họ có nghị lực và đam mê bền lòng hay không. Vậy ngọn lửa nào thắp sáng nghị lực và lòng đam mê? Tùy theo sự lựa chọn của mỗi người. Với Bình: “Ước mơ chính là động lực để tôi phấn đấu và cố gắng sống tốt. Nếu không có ước mơ làm điều gì đó với âm nhạc, không có sự giúp đỡ hết mình của gia đình và bạn bè thì có lẽ bây giờ tôi vẫn sống như một người không may mắn ở một huyện đảo xa xôi”.
Từ những ước mơ vượt khó không đánh đu theo số phận, hiện nay Bình chuyên tâm nhiều nhất trong công việc phối khí và đã thực hiện nhiều album cho ca sĩ khác.
Khi trò chuyện với Bình, chúng tôi nhận thấy anh thường không thích nói nhiều về quá khứ. Trong tâm tư ấy, anh luôn hướng đến một khát vọng nhìn về tương lai đang còn ở phía trước. Thì ra, với những người khiếm thị dù chỉ thấy bóng tối; hoặc những người khuyết tật khác dù có rơi vào nghịch cảnh nhưng một khi biết nuôi dưỡng ước mơ và có nghị lực thực hiện ước mơ đó thì họ cũng sẽ trở nên bình thường như mọi người khác.
Không chỉ là chương trình giải trí, Vietnam’s Got Talent còn mang giá trị nhân văn khích lệ những người Việt Nam bình thường có nỗ lực, nhiệt huyết và tài năng có thể tự tin thể hiện bản thân. Cùng với mục đích chung là tiếp thêm sức mạnh và tinh thần lạc quan cho những ai có lòng đam mê để thực hiện ước mơ của mình, 3 nhãn hàng nổi tiếng của công ty P&G Việt Nam đã đồng hành cùng Vietnam’s Got Talent từ những ngày đầu tiên. Đó chính là sự tự tin hiện thực hóa ước mơ với Rejoice, là tinh thần dám vượt qua thử thách của Olay, hay là sự thể hiện hết mình cùng Gillette. Hơn hết, đó là khát khao mong muốn được giúp những tài năng tiềm ẩn của Việt Nam hoàn thiện vẻ tự tin bên ngoài cũng như tạo nguồn cảm hứng, mang lại sự tự tin và khơi gợi lòng can đảm chinh phục ước mơ từ chính nội lực của họ. Cùng với Thanh Bình đã có nhiều tài năng, ước mơ vượt lên hoàn cảnh được tìm thấy từ Vietnam’s Got Talent 2012, như Phương Anh - cô bé xương thủy tinh hay “Họa mi tóc trắng” Khánh Vân. |
Huyền Trang
Bình luận (0)