Tại Việt Nam, mặc dù công tác chống lao được triển khai tốt song vẫn còn khá nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện.
Có tới 1/3 số bệnh nhân lao không đi khám bệnh hoặc chậm trễ điều trị, nguy cơ tử vong rất cao.
Trả lời về những thách thức chương trình chống lao quốc gia đang đối diện, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, chủ nhiệm chương trình - cho biết:
|
- Có thể kể ra ba thách thức lớn nhất. Một là chưa đủ nhân lực phục vụ một cách ổn định trong chuyên ngành này, nhất là nhân viên y tế tuyến huyện. Tại tuyến này nhân lực làm công tác chống lao vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện không có bác sĩ chuyên khoa phục vụ tại những nơi gần dân, nhất là huyện xã, khiến người dân khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế chuyên khoa lao, phổi dẫn đến quá tải các bệnh viện tuyến trên. Hai là sự hiểu biết đầy đủ về bệnh lao và dân trí nói chung của một số vùng miền còn hạn chế. Thách thức này là “rào cản nội tại” khiến người dân còn kỳ thị với bệnh và với người bệnh lao, người bệnh không nhận thức rõ quyền lợi được chữa bệnh cũng như trách nhiệm của mình với cộng đồng. Cuối cùng, nguồn tài chính quốc gia cho công tác chống lao còn quá ít. Mỗi năm khoảng 100 tỉ đồng từ ngân sách chi cho công tác này, chủ yếu mua thuốc chống lao, đáp ứng cho 1/3 nhu cầu thực tế. Trong khi đó, các nguồn viện trợ quốc tế ngày càng giảm dần.
|
* Vì sao ông thường nói “cán bộ chống lao đang già đi, bệnh lao thì trẻ lại”?
- Hiện ít có bác sĩ, cán bộ y tế trẻ về “đầu quân” cho ngành lao. Những cán bộ cũ đang già đi đúng nghĩa theo năm tháng. Trong khi đó, bệnh lao ở Việt Nam lại đang có xu hướng “trẻ hóa”. Tức là xảy ra nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi. Ở đây có mối liên quan giữa lao với HIV, giữa lao với mức độ di dân, tìm việc làm, hoặc với lối sống buông thả của một số thanh thiếu niên... làm bệnh lao “trẻ lại”. Vậy là có “cuộc chiến không cân sức” giữa một bên là người chống lao và một bên là bệnh lao!
* Xin ông cho biết cụ thể hơn về tình hình đồng nhiễm lao/HIV, lao đa kháng thuốc và bệnh lao trong các khu vực đặc biệt như trại giam, trung tâm cai nghiện tại nước ta?
- Theo số liệu điều tra đã công bố, tỉ lệ đồng nhiễm lao/HIV ở Việt Nam là 8% (thế giới 13%) trong tổng số bệnh nhân lao. Tỉ lệ lao đa kháng thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân chưa được điều trị bao giờ và khoảng 19% số bệnh nhân đã được điều trị trước đó. Trong trại giam và các trung tâm cai nghiện tỉ lệ này còn cao hơn nhiều lần. Nếu chúng ta không quản lý được số này đó sẽ là nguồn lây rất nguy hiểm cho cộng đồng.
* Đã có những tiến bộ gì trong kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, thưa ông?
- Nói khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng không có nghĩa chúng ta bó tay. Hiện chúng ta đã có các phương tiện chẩn đoán nhanh, chính xác cao như các kỹ thuật sinh học phân tử (Realtime PCR, GeneXpert...) có thể chẩn đoán lao trong 90 phút, đang triển khai tại một số cơ sở chống lao mà mục tiêu là đưa xuống tuyến huyện.
Chúng ta cũng đang chuẩn bị áp dụng phác đồ mới, mạnh hơn, ngắn hơn và hợp tác nghiên cứu văcxin phòng bệnh mới. Những tiến bộ đó được nghiên cứu áp dụng thí điểm trước khi áp dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)