Dân cần, không biết gọi ai: Cần lập số điện thoại khẩn cấp quốc gia

30/03/2012 03:42 GMT+7

Đã đến lúc cần thống nhất số điện thoại khẩn cấp quốc gia, đồng thời thiết lập trung tâm tiếp nhận và xử lý, nhằm đáp ứng toàn bộ những tình huống khẩn cấp của người dân.

 
Cảnh sát 113 có mặt tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông - Ảnh: Đàm Huy

Nhìn sang các nước

Tại Singapore, có 2 số điện thoại: 999 của Lực lượng Cảnh sát quốc gia (SPF) và 995 của Lực lượng Phòng vệ dân sự (SCDF), mỗi người dân đều thuộc nằm lòng khi gặp tình huống khẩn cấp. SCDF có thể xuất hiện trong vòng 5 phút sau khi nhận được tin báo sự cố cháy nổ, sập công trình, tai nạn giao thông...

Còn 999 của SPF giải quyết những việc liên quan đến an ninh trật tự: giết người, đâm chém, hiếp dâm, khủng bố… Trường hợp bị cướp giật, mất trộm, bạo lực gia đình… mà hiện trường không còn nữa thì người bị hại có thể đến bất kỳ đồn cảnh sát nào gần nhất để trình báo.

Cạnh chúng ta, dân Thái Lan có thể gọi 191 cầu cứu với bất kỳ tình huống nào liên quan đến an ninh, trật tự xã hội và dân sinh. Trung bình trung tâm 191 tiếp nhận 17.000 cuộc gọi đến mỗi ngày.

Ngoài giúp đỡ điều phối giao thông nội đô, giúp người dân trong các tình huống khẩn cấp: hỏng xe, tai nạn giao thông..., Trung tâm 191 có khoảng 100 cảnh sát được huấn luyện kỹ năng đỡ đẻ tại các bệnh viện và đã đỡ đẻ cho không ít bà bầu trên taxi hay ngoài đường.

Mỹ là quốc gia có hệ thống ứng cứu, hỗ trợ người dân tốt nhất. Trong bất kỳ tình huống nào, người dân chỉ cần gọi 911 (Trung tâm cứu hộ Cục Cảnh sát Mỹ) là có cảnh sát giúp đỡ. Ngay khi tiếp nhận thông tin, 911 đã phân loại để điều động thêm cứu hỏa, cứu thương nếu thấy cần.  

Thống nhất một lực lượng

Ở nước ta cũng có những số điện thoại khẩn cấp: 113 (an ninh trật tự), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu) nhưng xem ra còn rất nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống người dân không biết cầu cứu ai. Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã phỏng vấn hàng chục người dân trên đường phố và hầu hết đều lúng túng trong việc gọi vào 3 số điện thoại khẩn cấp trên trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ.

Ông Võ Văn Sen (đại biểu HĐND TP.HCM) khẳng định đã đến lúc phải cải tiến một lực lượng phản ứng nhanh theo hướng hiện đại. “Chúng ta cần cải tiến 113 như lực lượng 911 ở Mỹ, để người dân dễ nhớ, dễ gọi khi cần”, ông Sen nói.

Luật sư Lý Ngọc Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, nhiều tình huống phức tạp thì cần xây dựng một trung tâm quản lý, điều hành tình huống khẩn cấp và thu gọn lại một đầu số. Có thể gom hết vào 113 hoặc lấy số 111 vừa tiện lợi vừa dễ nhớ. 

Thanh Niên

Sẽ chấn chỉnh lực lượng phản ứng nhanh

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Lê Văn Bích - Trưởng phòng Cảnh sát phản ứng nhanh (CS 113), Công an TP.HCM - cho biết loạt bài Dân cần, không biết gọi ai cho thấy nhu cầu cấp thiết, thiết thực của người dân TP khi gặp nạn. “Những cái được và chưa được mà người dân phản ánh về lực lượng CS 113 qua loạt bài này, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh”, ông Bích nói.

Theo ông Bích, lực lượng CS 113 có chức năng, nhiệm vụ chính là: tiếp nhận, xử lý tin, giải quyết ban đầu các vụ việc khẩn cấp về ANTT. Đối với tin báo khẩn cấp thuộc chức năng giải quyết của các ngành khác như: tai nạn lao động, sập nhà, đứt dây tải điện, cấp cứu y tế, dịch bệnh... thì CS 113 sẽ báo ngay cho cơ quan, đơn vị có chức năng; hướng dẫn cho người báo tin liên hệ với cơ quan chức năng để giải quyết; đồng thời thông báo cho cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc để cử lực lượng đến hiện trường làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết. Do đó, nếu người dân phát hiện cháy hãy gọi 114 hoặc cấp cứu thì gọi 115 sẽ kịp thời hơn.

Ông Bích đề nghị: “Chúng tôi rất mong mọi người dân nếu phát hiện đối tượng sắp gây án, đối tượng truy nã, các băng nhóm sắp thanh toán, đâm chém nhau, các đối tượng hình sự nguy hiểm khác... và các vụ việc khẩn cấp khác liên quan đến ANTT xã hội thì bằng mọi cách gọi vào số máy 113 (hoặc báo tin trực tiếp) để lực lượng chức năng kịp thời ngăn ngừa và trấn áp tội phạm hiệu quả, hạn chế hậu quả nghiêm trọng xảy ra”.

Ông Bích cho biết thêm, sắp tới lực lượng CS 113 thành phố sẽ nghiêm túc kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại trong tiếp nhận, xử lý thông tin từ người dân cung cấp. “Chúng tôi cũng kiến nghị các ngành chức năng khác khi nhận thông tin vụ việc có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành mình thì kịp thời phân công lực lượng phối hợp giải quyết, không để chậm trễ ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội chung”, ông Bích nói.

Đàm Huy

Thống nhất đầu số là cần thiết

Liên quan đến loạt bài Dân cần, không biết gọi ai, trao đổi với Thanh Niên chiều qua,  trung tướng Tô Thường - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an - cho biết ông vừa làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông để triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm thống nhất về một đầu số khẩn cấp của ngành công an. Theo đó, khi có việc cần, người dân gọi số 113, không cần phải thêm mã vùng mà chỉ cần bấm thẳng. Tổng đài sẽ nhận dạng cuộc gọi xác định số vị trí thuê bao cần gọi nằm ở khu vực nào để tự động kết nối với đơn vị tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp ở khu vực ứng cứu. Tuy nhiên, ông Thường cũng cho rằng đối với những khu vực chưa có lực lượng CS 113 thì sẽ phải nghiên cứu thêm. “Tôi cho rằng những thắc mắc của người dân mà Báo Thanh Niên phản ánh là rất chính đáng, cần phải sớm xem xét giải quyết”, ông Thường nói.

Ông Thường cũng cho rằng việc áp dụng các đầu số khẩn cấp thống nhất quốc gia như ở một số nước là rất cần thiết, tuy nhiên, tại VN, các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, phối hợp lực lượng vẫn là thách thức và cần phải có thời gian mới thực hiện được.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.