Bí ẩn “thần dược” Minh Mạng thang - Kỳ 5: Khó sản xuất đại trà

30/03/2012 03:22 GMT+7

Ngày nay, du khách đến Huế không khó mua sản phẩm rượu bổ Minh Mạng. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng đây là toa thuốc muốn dùng phải bắt mạch kê đơn, chứ không thể sản xuất đại trà.

Ngày nay, du khách đến Huế không khó mua sản phẩm rượu bổ Minh Mạng. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng đây là toa thuốc muốn dùng phải bắt mạch kê đơn, chứ không thể sản xuất đại trà. 

>> Kỳ 4: Nguồn gốc Minh Mạng thang có từ đâu ?

Đề xuất 3 bài thuốc đưa vào sản xuất

Theo lương y Phan Tấn Tô, toa thuốc dùng để sản xuất rượu Minh Mạng có trên thị trường trước đây do Xí nghiệp liên hiệp dược Thừa Thiên-Huế (nay là Công ty dược Thừa Thiên-Huế) sản xuất là do ông Bửu Hiền, hậu duệ của hoàng tộc triều Nguyễn cung cấp, được phép sản xuất từ năm 1991.

Giới thiệu sản phẩm Minh Mạng thang do Công ty CP dược trung ương Medipharco - Tenamyd sản xuất tại di tích Bình An Đường, Huế - Ảnh: B.N.L 

Đến năm 1997, Công ty dược Thừa Thiên-Huế chủ trì chuyên đề nghiên cứu Nguồn gốc bài thuốc Minh Mạng thang và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng. Chuyên đề này do nhóm nghiên cứu gồm các lương y Phan Tấn Tô, Lê Quý Ngưu và Nguyễn Thanh Thọ thực hiện. Đề tài được Sở KH-CN và MT Thừa Thiên-Huế nghiệm thu.

Theo đó, sau khi nghiên cứu, phân tích nguồn gốc, đặc tính dược và công dụng từ 19 dị bản toa thuốc Minh Mạng lưu truyền trong dân gian đã được công bố, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 bài thuốc có tính vị bình hòa, phối hợp phù hợp, bổ tả theo từng chứng trạng và vị thuốc dễ kiếm để đưa vào sản xuất rượu Minh Mạng.

Bài thuốc thứ nhất có tên Minh Mạng thang, gồm 18 vị, theo 6 nhóm: bổ khí (đại táo, hoàng kỳ, nhân sâm); bổ huyết (đương quy, câu kỷ tử, long nhãn nhục); bổ âm (hoàng tinh, thục địa); bổ dương (đỗ trọng, ba kích thiên, cam thảo, dâm dương hoắc, nhục thung dung, xà sàng tử, xa tiền tử); an thần (táo nhân, viễn chí); giải biểu (bạch cúc hoa). Bài thuốc này có công dụng bổ tâm tỳ hư yếu, bổ thận trợ dương khí, chủ trị các triệu chứng ăn không ngon, ngủ kém, hay hồi hộp, tay chân nhức mỏi, có lợi cho hoạt động tình dục.

Bài thứ hai là Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử, gồm 36 vị, theo 15 nhóm bổ gồm: bổ khí (đại táo nhân, bạch truật, nhân sâm); bổ huyết (đương quy, câu kỷ tử, chế hà thủ ô, nam khung, thục địa hoàng, viên nhãn nhục); bổ âm (bạch thược dược, mạch môn đông, quy bản, thanh hộc, thanh diêm, thiên môn đông); bổ dương (đỗ trọng, ba kích thiên, hồ đào nhục, nhục thung dung, phá cốt chỉ); an thần (bách tử nhân, toan táo nhân, viễn chí nhục); giải biểu (cam cúc hoa, sinh khương); lợi niệu thấm thấp (đăng tâm, bạch phục linh); khử phong thấp, mạnh gân cốt (hổ cốt); lý khí (mộc hương); hoạt huyết (ngưu tất); phương hương (sa nhân, thạch xương bồ); cố sáp (sơn thù du); thanh nhiệt (sinh địa hoàng); ôn lý (tiểu hồi hương) và lý khí (trần bì). Bài thuốc có công dụng bổ âm dương, ích khí huyết, dưỡng tâm thần, lý tỳ vị, chủ trị các triệu chứng thận khí suy hư, khí huyết bất túc, các hội chứng lão suy như đau yếu thắt lưng, đầu gối, râu tóc bạc sớm, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, sắc mặt không tươi dễ mệt, tâm thần bất định, các trường hợp suy nhược sinh lý. Bài thuốc cũng khuyên người có thực hỏa không nên dùng.

Bài thứ ba là Minh Mạng dược tửu với 15 vị, theo 8 nhóm bổ khí (sơn dược); bổ huyết (long nhãn nhục); bổ âm (mạch môn đông); bổ dương (hạnh đào nhục, lộc nhung, nhục thung dung, sa uyển tử); an thần (bách tử nhân, phục thần); cố sáp (khiếm thực, phúc bồn tử, sơn thù nhục); hoạt huyết (ngưu tất); thanh nhiệt (sinh địa, ích trí nhân). Bài thuốc chủ trị các chứng thận dương hư nhược, thận tinh bất cố, di tinh, liệt dương, sau khi kết hôn chậm có con, phụ nữ hay bị sẩy thai... Bài thuốc này chống chỉ định người bệnh về nhiệt, âm hư hỏa vượng và phụ nữ đang mang thai không nên dùng. Bài này ngâm đặc biệt để dùng cho khách hàng thượng hạng. 

Nếu sản xuất đúng chuẩn sẽ rất đắt tiền

Theo giới thiệu của Công ty CP dược trung ương Medipharco - Tenamyd (trước đây là Công ty dược Thừa Thiên-Huế, đơn vị được phép sản xuất rượu Minh Mạng), trên website của công ty, hiện đơn vị này đang sản xuất hai sản phẩm rượu Hoàng Đế Minh Mạng: chai thủy tinh (625 ml) và chai gốm (250 ml). Thành phần của cả hai loại rượu trên đều ghi chung là: nhân sâm, thục địa, đương quy, đỗ trọng…, chỉ định: bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực, trị đau lưng.


Hai sản phẩm rượu Hoàng Đế Minh Mạng do Công ty CP dược trung ương Medipharco - Tenamyd sản xuất - Ảnh: website công ty 

Ngoài doanh nghiệp này, nhiều nhà thuốc đông y tư nhân khác cũng sẵn sàng kê toa, bán Minh Mạng thang một cách dễ dàng, với nhiều đơn giá khác nhau.

Đối chiếu với 3 bài thuốc Minh Mạng thang được đề xuất ở trên, nhóm bổ dương, mạnh gân cốt (nhóm chủ lực của toa thuốc) phải có các loại như nhục thung dung, dâm dương hoắc, lộc nhung… Thế nhưng, trong số các vị trên, có nhiều vị rất hiếm và đắt tiền. Nếu sản xuất đại trà với đầy đủ các loại này thì giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với các loại rượu được sản xuất và bán trên thị trường hiện nay.

Lương y Phan Tấn Tô cho biết: “Khi nghiên cứu chúng tôi đề xuất là như vậy, nhưng trong quá trình sản xuất có thể người ta sẽ bỏ bớt một vài thứ cho phù hợp, vì có thứ rất hiếm, rất đắt tiền. Thêm nữa, nếu ngâm thang thuốc Minh Mạng cho đúng và đầy đủ thì màu sắc của rượu rất đen, trông rất xấu”.

Như ý kiến của các chuyên gia đã nói, Minh Mạng thang chỉ có thể hiệu nghiệm khi người dùng được bắt mạch kê đơn theo phương châm “đối chứng lập phương”. Nếu dùng không phù hợp, chẳng những vô tác dụng mà còn bị tác dụng ngược.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.