Tháng 3-2012, thế giới điện ảnh kỷ niệm 40 năm ngày ra mắt bộ phim Bố già, một siêu phẩm điện ảnh từng làm say mê hàng trăm triệu khán giả trên khắp hành tinh. Đó cũng là kiệt tác điện ảnh mở đầu cho bộ ba phim Bố già, đã có dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Có một điều mà những khán giả hâm mộ kiệt tác điện ảnh này luôn thắc mắc, đó là có gì chung giữa các nhân vật trong loạt phim Bố già với những con người cụ thể-những nguyên mẫu ngoài đời thực?
Loạt phim Bố già, phần 1 (1972) và Bố già, phần 2 (1974) được coi như những tuyệt phẩm của điện ảnh Mỹ. Do Francis Ford Coppola và Mario Puzo-tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển Bố già-viết kịch bản, chính Coppola làm đạo diễn.
Đây là hai bộ phim được liệt vào trong số những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại.
Bộ mặt khác của tội ác
Vượt trên phạm vi của một bộ phim có nhiều phần, Bố già đã trở thành một hiện tượng văn hóa và rất nhiều trích dẫn, thậm chí là cả cách hành xử theo những khuôn mẫu mà bộ phim đặt ra đã đi vào đời sống xã hội.
|
Những câu thoại như "Tôi đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối" hay "Luca Brasi đã đi ngủ với cá" được coi như "nhãn hiệu" của các ngôi sao đóng những nhân vật chính trong bộ phim này. Marlon Brando trong vai Don Vito Corleone ngạo mạn, thô lỗ và Al Pacino trong vai cậu con trai út Michael của Bố già với ánh nhìn toát lên một ngọn lửa âm ỉ lúc nào cũng chờ chực bùng nổ, đã trở thành những nhân vật được đông đảo công chúng biết đến.
Bộ phim Bố già đã mang đến cho công chúng rộng rãi một cái nhìn mới về thế giới mafia Hoa Kỳ và nhiều nhân vật trong bộ phim này đều dựa trên chân dung những nguyên mẫu có thật trong số các trùm mafia cùng các hành động của họ.
Bộ phim đã làm cái công việc thuyết phục đa số người xem (trong đó có cả thành viên của thế giới ngầm) tin rằng những tay anh chị Mỹ gốc Ý thật ra là "những người đàn ông trọng danh dự", những Robin Hood coi thường luật pháp và hành xử theo một bộ luật riêng của chúng. Bộ phim Bố già phải hứng chịu khá nhiều sự chỉ trích bởi vì đã lãng mạn hóa các tên trùm gangster bằng cách khoác cho chúng cái vỏ ngoài kệch cỡm của những nhân vật mang bi kịch kiểu Shakespeare!
Ðể thể hiện những nhân vật hư cấu "chính phái" trong cái gia đình tội ác Corleone, đạo diễn Coppola và nhà văn Puzo đã dựng lên những nhân vật mafia đối địch, những kẻ tham nhũng và lá mặt lá trái. Bố già Vito Corleone bề ngoài có vẻ nghiệt ngã nhưng rất công tâm và luôn thể hiện lòng thương người, ít nhất là đối với những kẻ không lừa gạt và đáng để ông ta trừng phạt.
|
Với việc thể hiện gia đình nhà Corleone như là những gã tội phạm "tốt" chống lại kẻ thù là những gã tội phạm "xấu", Coppola và Puzo đã khiến người xem thông cảm với những nhân vật chính của họ, thực chất vẫn là những tên tội phạm cùng hung cực ác.
Một công việc bẩn thỉu
Toàn bộ Bố già phần 1 dựa trên cốt truyện liên quan đến việc bố già Vito Corleone bị bắn hạ (may mà không chết) và những thành viên trong gia đình bố già tiến hành các hành động phản kích để trả đũa hành vi ám sát người đứng đầu gia đình mình. Bố già Corleone đã chọc giận gia đình đối địch bởi vì từ chối cung cấp vốn cho một tên buôn lậu ma túy có tên Virgil Sollozzo, biệt danh "thằng Thổ", kẻ đưa ra một kế hoạch mở rộng công việc buôn bán ma túy của các băng đảng mafia.
Sollozzo cần có sự cộng tác của bố già Corleone bởi vì với các mối quan hệ và ảnh hưởng của mình, bố già Corleone đã "bỏ túi" một số chính khách, kể cả các quan tòa. Những mối quan hệ này sẽ có giá trị bảo kê cho kế hoạch của Sollozzo.
Thế nhưng bố già từ chối, nói rằng "những người bạn" của mình trong giới công quyền sẽ lập tức cắt đứt quan hệ nếu như biết bố già điều hành những hoạt động liên quan đến ma túy, được coi là những "phi vụ bẩn thỉu".
Bố già nói rằng ông ta chỉ điều hành các hoạt động cờ bạc, một loại hình giải trí vô hại, một quan điểm chắc sẽ được hàng trăm ngàn người tới đánh bạc ở các sòng bạc hằng năm chia sẻ. Người xem phim sẽ có cảm giác là bố già Corleone điều hành những hoạt động vô hại đối với xã hội, khác xa với các ông trùm buôn ma túy, vốn được đại bộ phận công chúng coi là những tên ác quỷ.
Việc các ông trùm mafia được cho là đã ra lệnh cấm buôn bán ma túy thường được đề cập nhiều đến nỗi người ta cho đó là một thực tế, thế nhưng sự thật chưa hẳn đã là như vậy.
Những lời buộc tội các ông trùm liên quan đến buôn bán ma túy thuộc đủ mọi thứ bậc thuộc thế giới ngầm trong vài thập kỷ qua đã bóc trần sự thật liên quan đến huyền thoại về lệnh cấm buôn ma túy của các ông trùm.
Thực tế cho thấy các ông trùm mafia liên tục ra lệnh không được buôn bán ma túy không phải vì đạo đức mà đơn giản vì chính sự sống còn của các ông trùm.
Kể từ năm 1956, khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật kiểm soát ma túy, mức án liên quan đến tội trạng buôn ma túy không ngừng tăng lên. Phạm tội lần đầu lĩnh án 5 năm tù, lần thứ hai sẽ bóc lịch 10 năm, còn nếu phạm tội lần thứ ba án sẽ tăng lên 40 năm.
Nếu liên quan đến ma túy cũng sẽ không có chuyện cam kết để tại ngoại hay hưởng án treo. Các ông trùm tội ác buộc phải cân nhắc giữa những mối lợi do việc buôn lậu ma túy mang lại với việc hầu như mất hết nếu phải chịu những án tù dài dằng dặc.
Nhưng điều khiến các ông trùm lo sợ hơn cả chính là việc những tay buôn bán lẻ ma túy có thể đạt được những thỏa thuận với chính phủ để ra làm chứng, qua đó sẽ giảm nhẹ án tù dành cho chúng.
Bị kết án ngồi tù trong những năm tháng đẹp nhất của đời người, một tay buôn ma túy rất có khả năng vi phạm omerta (luật im lặng của mafia), trở thành nội gián trong hàng ngũ các gia đình tội phạm hay ra làm chứng chống lại các ông trùm nếu nhận được lời hứa từ phía các cơ quan luật pháp sẽ giảm án cho chúng.
Một số ông trùm láu cá đã nghĩ ra cách để có thể kiếm lợi từ hoạt động buôn bán ma túy mà vẫn không phải thường xuyên dính đến việc bán ma túy. Nhà báo Jerry Capeci, trong cuốn Chỉ dẫn toàn cảnh về Mafia, đã chỉ ra rằng ông trùm vùng Philadelphia là Nicodemo Scarfo, biệt danh "Nicky nhỏ", đã chỉ dẫn cho các thuộc hạ của hắn ta về thái độ phổ biến của ông trùm đối với công việc buôn bán ma túy: "Scarfo nói rằng bạn không được buôn bán ma túy, thế nhưng bạn có thể cho người khác vay tiền để buôn ma túy, tống tiền và kiếm lợi từ bọn chúng".
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)