30 năm cuộc chiến Falkland/Malvinas

01/04/2012 03:59 GMT+7

Càng gần đến ngày đánh dấu 30 năm cuộc chiến tại quần đảo Falkland/Malvinas (2.4.2012), căng thẳng giữa Anh và Argentina càng dâng cao.

Quần đảo tranh chấp mà Anh gọi là Falkland còn Argentina gọi là Malvinas nằm ở nam Đại Tây Dương, cách Argentina khoảng 500 km. Theo tờ L’Express, từ thế kỷ 16, quần đảo này đã được ghi nhận trong nhật ký hải hành của các nhà thám hiểm châu Âu, đến thế kỷ 19 thì trở thành tâm điểm tranh chấp thuộc địa giữa thực dân Anh với Tây Ban Nha. Năm 1833, Anh chính thức xem Falkland/Malvinas là lãnh thổ hải ngoại dù sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1816, Argentina luôn khẳng định chủ quyền với quần đảo này.


Lược đồ đường đổ quân của Anh đến Falkland/Malvinas - Ảnh: Usma.edu

Hơn 70 ngày khói lửa

Năm 1964, Đại hội đồng LHQ đã mời đại diện của London và Buenos Aires ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp nhưng kết quả chẳng đi tới đâu. Nhiều nỗ lực hòa giải sau đó cũng thất bại. Năm 1982, chính quyền độc tài quân sự Argentina gặp khủng hoảng trong việc giải quyết khó khăn kinh tế và làn sóng chống đối lan rộng. Vì thế, Đô đốc Jorge Ayana, một nhân vật cấp cao trong hội đồng quân sự cầm quyền, đề xuất đánh lạc hướng dư luận trong nước bằng chiến dịch chiếm lại Falkland/Malvinas. Khi đó, lực lượng phòng vệ của Anh trên quần đảo rất mỏng trong khi chính quyền Thủ tướng Margaret Thatcher cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Buenos Aires tin rằng có thể dễ dàng giành lại chủ quyền tại Falkland/Malvinas lẫn nhóm đảo Nam Georgia và Nam Sandwich gần đó, đồng thời cho rằng London sẽ không có phản ứng quân sự.

Ngày 2.4.1982, Argentina bất ngờ tấn công và nhanh chóng chiếm được Port Stanley, thủ phủ của Falkland/Malvinas, cũng như Nam Georgia và Nam Sandwich, theo BBC. Khi đó, lực lượng hai bên khá chênh lệch khi Argentina có 600 binh sĩ trong khi phía Anh chỉ có 57 lính thủy đánh bộ, 11 thủy thủ, 20-40 lính thuộc Đội phòng vệ Falkland và một số người dân tình nguyện. Toàn quyền của London là Sir Rex Hunt đầu hàng ngay trong ngày và bị trục xuất sang Uruguay.

Tuy nhiên, Argentina đã đánh giá quá thấp sự cứng rắn của “Bà đầm thép” Thatcher. Đối mặt với nhiều lời chỉ trích sau khi để mất Falkland/Malvinas và một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, bà Thatcher ra lệnh điều động một lực lượng lên tới 28.000 binh sĩ cùng tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục và máy bay chiến đấu thẳng tiến Falkland/Malvinas. Bị bất ngờ vì vẫn luôn cho rằng London sẽ không phản ứng mạnh, chính quyền Argentina chỉ kịp triển khai khoảng 10.000 lính không quân và hải quân để đối địch. Theo tờ La Nacion, khi đó, Anh được hỗ trợ khí tài từ Mỹ, Pháp và Chile còn Argentina nhận nhiều vũ khí từ Peru và Libya.

Đây được xem là một “cuộc chiến hạn chế” vì không bên nào chính thức tuyên chiến và giao tranh chỉ xảy ra trong phạm vi Falkland/Malvinas, Nam Georgia và Nam Sandwich cùng một số khu vực lân cận nhỏ hẹp. Tuy nhiên, đụng độ vẫn rất dữ dội trên bộ, trên biển lẫn trên không và đến ngày 14.6.1982, Argentina phải rút quân. Cuộc chiến đã làm 649 binh sĩ Argentina thiệt mạng, 1.068 người bị thương và thiệt hại nhiều tàu chiến và máy bay. Phía Anh có 258 người chết và 775 người bị thương, mất ít tàu chiến và máy bay hơn nhưng trong đó có 2 tàu khu trục.

Thất bại khiến chính quyền quân sự Argentina chìm sâu vào khủng hoảng và cuối cùng sụp đổ sau cuộc tổng tuyển cử 1983, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại nước này từ năm 1976. Ngược lại, sự ủng hộ đối với chính quyền Thatcher cùng đảng Bảo thủ ở Anh tăng vọt, giúp họ giành thắng lợi cách biệt trong cuộc tổng tuyển cử cũng vào năm 1983.

Căng thẳng chưa nguôi

Ngay sau khi chấm dứt chiến tranh, Anh cho xây dựng căn cứ quân sự Mount Pleasant, cách Port Stanley chỉ hơn 50 km và thường xuyên có khoảng 1.500 binh sĩ đóng tại đây. Trang thiết bị quân sự cũng được tăng cường đáng kể với tên lửa đất đối không, tàu khu trục và các máy bay chiến đấu dòng Eurofighter, theo tờ Le Figaro.

Suốt 30 năm qua, 2 nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề tranh chấp và các nỗ lực hòa giải của quốc tế đều không thành công. Tại Hội nghị hạt nhân vừa kết thúc ở Hàn Quốc, Ngoại trưởng

Argentina Hector Timerman yêu cầu London giải thích về việc gửi tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân tuần tra đến vùng biển Falkland/Malvinas. AFP dẫn lời ông Timerman phát biểu: “Không thể chấp nhận việc dùng thứ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt này để đối phó với một nước phi hạt nhân. Chúng tôi sẽ được bảo vệ thế nào khi một cường quốc hạt nhân đe dọa?”.

Đầu tháng 2, Hoàng tử William bắt đầu tham gia đợt huấn luyện lái trực thăng trinh sát và cứu hộ kéo dài 6 tuần của Không quân Hoàng gia Anh tại Falkland/Malvinas. Cùng lúc đó, London cho biết sẽ gửi tàu khu trục siêu hiện đại HMS Dauntless đến khu vực này. Đáp lại, ngày 10.2, Argentina đệ đơn lên LHQ cáo buộc Anh có ý định “quân sự hóa” vùng biển phía nam Đại Tây Dương. Trong khi đó, London khẳng định tất cả những động thái kể trên đều là hoạt động quốc phòng “bình thường”.

Ngoài ra, Argentina còn có nhiều kế hoạch trong suốt năm 2012 để đánh dấu 30 năm cuộc chiến: tổ chức họp mặt các cựu binh từng tham chiến tại Falkland/Malvinas; tổ chức tuần hành vào ngày 2.4; áo của các vận động viên nước này tham dự Olympic London 2012 sẽ mang dòng chữ “Malvinas là của Argentina”...

Trong bài xã luận trên tờ Clarín, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Argentina Andrés Cisneros cho rằng thay vì chỉ tập trung chỉ trích Anh, Argentina cần tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực để tìm thêm sự ủng hộ. Từ đó, hướng khu vực Nam Mỹ thành một khối thống nhất cho các chủ đề “nhạy cảm” khác như khai thác nguồn lợi ở Nam Cực. Cho đến nay, các nước này vẫn tỏ ra ủng hộ Argentina trong tranh chấp chủ quyền với Anh. Cuối tháng 12.2011, 4 quốc gia thuộc Liên minh các nước Nam Mỹ gồm Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay đã ra lệnh cấm tàu thuyền mang cờ Falkland cập cảng.

Đổ dầu vào lửa

Falkland/Malvinas là lãnh thổ hải ngoại bán tự trị, chỉ phụ thuộc London về mặt quốc phòng. Trước đây, nguồn lợi kinh tế của quần đảo chủ yếu là từ chăn nuôi cừu, du lịch sinh thái và đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, các kết quả thăm dò dầu khí ở khu vực này càng khiến tranh chấp thêm căng thẳng.

Từ năm 1998, Tập đoàn Shell đã xác nhận xung quanh Falkland/Malvinas có dầu hỏa. Nhưng thời điểm ấy, giá mỗi thùng dầu thô chỉ trên dưới 10 USD. Hơn một thập niên sau, giá dầu tăng vọt và hiện đã ở mức trên dưới 120 USD/thùng đồng thời các thiết bị kỹ thuật trong khai thác đã tiến bộ vượt bậc. Vùng biển phía nam Đại Tây Dương do vậy đã trở thành một mỏ vàng thật sự. Có 6 công ty năng lượng của Anh đang tiến hành thăm dò tại đây và các chuyên gia ước tính tiềm năng dầu hỏa của Falkland/Malvinas từ 10-60 tỉ thùng, theo Le Figaro.

Phía Anh dự tính có thể bắt đầu khai thác vào năm 2016 với sản lượng 150.000 thùng/ngày và với mỗi thùng bán ra, ngân sách địa phương sẽ được hưởng 9%. Như vậy, với giá 105 USD/thùng, mỗi ngày Falkland/Malvinas sẽ “đút túi” gần 1,5 triệu USD và chẳng mấy chốc sẽ có đủ nguồn tài chính để tự trang bị về mặt quân sự.

Dĩ nhiên, Argentina đang tìm mọi cách ngăn cản việc khai thác dầu ở Falkland/Malvinas vì một khi dầu thô bắt đầu được bơm lên, sẽ rất khó để đòi hỏi quyền lợi. Giữa tháng 3, Buenos Aires cảnh báo một số công ty “hỗ trợ về thiết bị hoặc tài chính cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trái phép” tại quần đảo này có thể bị phạt hành chính, dân sự và hình sự.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.