Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc nhà nước tăng các khoản phí lên phương tiện giao thông, dẫn tới chi phí vận chuyển tăng cao đang khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) giảm sút.
|
Lỗ nặng
Trước tình hình hàng loạt khoản phí mới đối với phương tiện giao thông đang chuẩn bị được áp dụng, ông Nguyễn Hồng Hà, PGĐ một xí nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh ở miền Tây, cho biết điều này sẽ tăng áp lực đối với DN vốn đang rất khó khăn. Chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã tăng từ 15 - 20%. “Việc tăng chi phí ở ta có đặc điểm là tăng rất đột ngột, DN không kịp trở tay, đành chấp nhận huề vốn thậm chí lỗ nặng bởi hợp đồng đã ký trước đó. DN cũng không thể thương lượng với đối tác nước ngoài về chuyện phí tăng không lường trước được”, ông Hà nói. Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.HCM, các DN ngành gỗ đã gánh thêm chi phí vận chuyển tăng khoảng 10%, chưa kể giá nguyên liệu đầu vào tăng 10 - 15%..., trong khi các đơn hàng chỉ có thể tăng giá 5 - 7%. “Chi phí tăng đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, khiến sản phẩm VN mất hấp dẫn, giảm tính cạnh tranh. Hậu quả là đối tác chạy qua nước khác đặt hàng. DN chỉ có thể tiết kiệm chi phí quản lý, chứ không thể nào tiết kiệm chi phí vận chuyển nên đành phải chịu”, ông Hùng khẳng định.
Với các DN lữ hành, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 30% trong cấu thành tour. Theo ông Trần Vĩnh Lộc, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM, DN bị đủ thứ phí đè nặng. Ra khỏi công ty, vào sân bay đón khách đã tốn mấy loại phí; chạy tới điểm tham quan thì có phí cầu đường, gần đây có phí cao tốc tham quan Mỹ Tho cả đi và về mất tương đương 20 USD, rồi phí bến bãi… “Hơn 90% hợp đồng cũ DN phải chấp nhận thua lỗ do những đợt tăng phí tăng giá bất ngờ gần đây”, ông Lộc nói.
DN vận tải lao đao
Trong văn bản 3092, Bộ Tài chính đề nghị loại trừ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân với xe của DN, tổ chức. Nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn kiên trì áp mức phí này với các loại xe vận tải dưới 9 chỗ, vì cho rằng về bản chất các phương tiện này vẫn tham gia giao thông như phương tiện cá nhân. Theo ông Trần Quốc Khải, Chủ nhiệm HTX Nội Bài (Hà Nội), các DN kinh doanh đã nộp thuế theo đúng quy định, nên phải có cơ chế riêng cho DN kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa vừa để tạo điều kiện cho nhân dân sử dụng dịch vụ và DN hoạt động.
“Khi mua xe, chúng tôi phải nộp thuế trước bạ, hiện đã tăng lên 20%. DN không muốn giá cước cao, nhưng ngay từ khi đầu tư ban đầu đã phải trả mức giá cao. Đã có cơ chế được áp dụng riêng cho DN như phí cấp biển số đối với xe cá nhân cao, nhưng phí cấp biển cho xe kinh doanh vận tải taxi chỉ có 500.000 đồng. Vậy tại sao các mức thuế, phí khác lại thu như nhau? Chính sách không đồng nhất ở chỗ đó”, ông Khải nói.
Nhiều DN bày tỏ băn khoăn với tính hợp lý của phí bảo trì đường bộ cũng như mức thu theo đề xuất của phí này. Theo ông Trịnh Xuân Nhật - Giám đốc Công ty vận tải Nhật Thiên Hương - thu phí đường bộ, bỏ các trạm thu phí nhà nước nhưng các trạm thu phí BOT còn rất nhiều. Đây chính là phí chồng phí, chưa kể các khoản đánh thuế. Khi áp phí, nhiều khoản chi phí tăng nên sẽ phải tính toán lại thời gian khấu hao. Trong khi đó kinh tế khó khăn, lượng hàng vận chuyển không tăng, cũng không đàm phán lại được giá cước với khách hàng.
Ông Trịnh Xuân Đức, Công ty thương mại - du lịch Anh Đức, nêu vấn đề hiện nay thu một lúc như mức phí đề xuất, DN phải đóng hàng trăm xe sẽ như thế nào? Mức phí phải phù hợp với thu nhập của người dân và có lộ trình thu. Thêm nữa, như phí môi trường thu qua xăng dầu, xe hoạt động nhiều phải nộp nhiều vì thế nên thu qua xăng dầu hoặc thu qua thuế hằng tháng, hằng quý với DN. Còn ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà - cho rằng thiếu công bằng trong việc thu phí theo đầu phương tiện: “Đâu phải xe nào chúng tôi cũng chạy 30/30 ngày trong khi vẫn phải chịu mức phí 1,44 triệu đồng/tháng. Đây là gánh nặng vô cùng lớn đối với DN vận tải”.
N.Trần Tâm - Mai Hà
Bình luận (0)