Khi còn là sinh viên, Phan Thanh Sang (SN 1984) đã làm chủ vườn lan và xương rồng Sang Còi. Nay anh là chủ trang trại mang tên YSA orchid, chuyên sản xuất phong lan, địa lan và nhiều loại hoa khác.
|
Sau khi thi đỗ vào Trường ĐH Đà Lạt (ngành nông nghiệp - năm 2003), Sang xác định phải vừa học vừa làm để trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Khởi nghiệp với khoảng 50 chậu phong lan và xương rồng, thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất, Sang đành “níu áo” mẹ. Sản phẩm hoa thương hiệu Sang Còi không chỉ tiêu thụ ở Đà Lạt mà còn được đưa về TP.HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Ma Thuột, Hà Nội… Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, Sang ký kết thu mua lan của hơn 10 hộ nông dân khác và phối hợp tiêu thụ sản phẩm với một số công ty sản xuất hoa tại Đà Lạt. Thời gian này, Sang đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên với mức lương khá.
Năm 2007, tốt nghiệp ĐH với bằng kỹ sư nông nghiệp loại xuất sắc, Sang trở thành thành viên của Hiệp hội hoa Đà Lạt. Nhằm chủ động nguồn giống, lai tạo các loại lan, chàng kỹ sư trẻ đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật. Chuyến tham quan học tập về sản xuất tiêu thụ hoa ở Côn Minh (Trung Quốc) cùng với các thành viên Hiệp hội hoa đã giúp Sang tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Để có thêm kiến thức trong kinh doanh, năm 2008 Sang tiếp tục học ĐH chuyên ngành quản trị kinh doanh; lúc này bên cạnh anh còn có cô sinh viên Nguyễn Thị Hải Yến (quê Vĩnh Phúc) vừa lấy bằng kỹ sư nông nghiệp (Trường ĐH Đà Lạt), người được Sang hướng dẫn thực tập tại vườn hoa một năm trước.
Tình yêu của Sang và Yến đơm hoa kết nụ từ vườn phong lan và năm 2009 họ cưới nhau. Thắc mắc vì sao lại đổi thương hiệu Sang Còi thành YSA
orchid, Hải Yến tủm tỉm cười và nói: “Anh Sang muốn tạo “bình đẳng giới" tên thương hiệu, YSA là viết tắt tên của Yến và Sang, còn orchid là hoa lan”. Sau những giờ cùng nhau đến giảng đường, Sang và Yến lao vào nghiên cứu lai tạo nhiều giống hoa mới, lập kế hoạch mở rộng sản xuất. Do 4.000m2 đất tại P.9, TP.Đà Lạt không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đôi vợ chồng trẻ đã về thôn 2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng mua thêm 7.000m2 đất để lập trang trại trồng hồ điệp. “Hiện tại, tôi có trong tay trên 5.000 chậu địa lan lớn nhỏ, khoảng 500.000 chậu phong lan các loại, trong đó nhiều nhất là hồ điệp, cùng hàng trăm ngàn cây xương rồng, hoa trang trí khác”, Sang nói. Bên cạnh phòng thí nghiệm, Sang dành một khu vực 60m2 để bảo tồn và lai tạo các giống lan quý hiếm của Việt Nam và nước ngoài. Trung bình mỗi tháng Sang cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 chậu hoa thương phẩm, 2.000 cây giống các loại. Mỗi năm doanh thu của YSA orchid lên tới 3 tỉ đồng.
Hiện đôi vợ chồng trẻ tạo công ăn việc làm ổn định cho 18 lao động trẻ, lương trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng. Khi Sở NN-PTNT, Hiệp hội hoa, Hội LHTN tỉnh Lâm Đồng… tổ chức các lớp tập huấn về trồng hoa, Sang đều sẵn sàng đến hướng dẫn và chia sẻ cho thanh niên nông thôn nhiều kinh nghiệm. Tại địa phương, Sang thường xuyên hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp cho nhiều thanh niên khác. Trang trại hoa của Sang - Yến thường xuyên tiếp đón sinh viên đến tham quan, học tập. Với những nỗ lực lập thân, lập nghiệp và những cống hiến cho xã hội, tháng 12.2009 Sang vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của (lần 4), dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” do T.Ư Đoàn trao tặng.
Lâm Viên
Bình luận (0)