Kiểm soát bàng quang

03/04/2012 03:27 GMT+7

Tuy không nguy hiểm nhưng triệu chứng tiểu không tự chủ (dân gian gọi là són tiểu) gây trở ngại trong sinh hoạt và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, nhất là với phụ nữ lớn tuổi và sau khi sinh nở.

Hiện tượng này xảy ra khi nước tiểu đột nhiên rò rỉ ra ngoài một cách không chủ ý. Đó có thể chỉ là vài giọt nước tiểu trào ra khi ho, hắt hơi, hoặc cố sức, cũng có thể là tình trạng cơn buồn tiểu liên tục kéo đến mà không thể nhịn được. Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người không thể kiểm soát được việc đi tiểu của mình như: lão hóa, tàn tật, hút thuốc, tiểu đường, tổn thương tủy sống. Một số gợi ý sau có thể giúp hạn chế số lần vào nhà vệ sinh.

Chế độ ăn uống

Cắt giảm tối đa các loại trái cây chứa a xít như cam, bưởi, quýt, cà chua trong khẩu phần ăn. Thực phẩm có tính a xít thường kích thích bàng quang hoạt động liên tục.

Cơ thể chúng ta luôn cần nước, nhưng lưu ý không uống quá nhiều (hơn 2 lít/ngày), cũng không uống quá ít (dưới 1 lít/ngày). Nếu uống quá nhiều, bàng quang hoạt động quá độ sẽ khiến bạn đi vệ sinh liên hồi. Tuy nhiên uống quá ít với hy vọng giảm triệu chứng trên thì lại làm tăng khả năng viêm nhiễm. Nên tập thói quen uống nước vào ban ngày, hạn chế vào ban đêm.

Bia, rượu và các loại đồ uống chứa cồn khiến cơ thể bị mất nước, và lượng nước thoát ra ngoài qua đường tiểu. Điều này giải thích tại sao những người uống rượu, bia thường xuyên “ghé thăm” nhà vệ sinh.

Tập thói quen đi tiểu

Cứ 3 tiếng đồng hồ một lần mới đi vệ sinh (trong điều kiện uống nước bình thường, tức không nhiều cũng không ít). Khi có cảm giác muốn đi, tập co thắt bàng quang để kiềm chế lại. Thời gian đầu, việc thực hiện chắc chắn sẽ khó khăn nhưng hãy kiên trì nếu muốn cải thiện tình hình.

Thư giãn

Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ. Học cách thở sâu và thói quen tập thể dục chắc chắn giúp bạn tăng khả năng kiểm soát bàng quang. Có thể tìm đến bác sĩ để được tư vấn cách tập vận động cơ sàn chậu hay cách cảm nhận và buộc các cơ làm việc theo ý mình. Một số bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng khuyên rằng nếu cơ thể xảy ra hiện tượng này, trước tiên phải tìm ra nguyên nhân. Đừng bao giờ suy diễn theo kiểu cứ tiểu nhiều là thận hư, thận yếu và tự tìm thuốc bổ thận để uống. 

Hạ Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.