Sơ cấp cứu (SCC) là nhiệm vụ đứng hàng thứ 2 trong 3 nhiệm vụ chính của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ). Hiện TP.HCM có hơn 1.000 chốt SCC, nhưng hoạt động rất èo uột.
Theo Phó chủ tịch Hội CTĐ TP.HCM Lê Quang Ninh (kiêm Giám đốc Trung tâm SCC và phòng chống thảm họa TP.HCM), thì Hội CTĐ có 3 nhiệm vụ chính, đó là: tham gia cứu trợ khẩn cấp; SCC (một trong những nhiệm vụ, hoạt động truyền thống và đặc thù của CTĐ trên thế giới); thứ 3 mới là làm công tác hiến máu tình nguyện.
|
|
Ông Ninh cho biết thêm, hiện mạng lưới SCC của TP (thuộc Hội CTĐ từ cấp phường, xã, đến quận, huyện, TP) gồm có 322 tổ SCC tại các phường, xã, thị trấn, 24 đội SCC của 24 quận huyện, và 1.048 chốt SCC đặt trong cộng đồng dân cư, với khoảng 10.000 cấp cứu viên. Đội ngũ này được tập huấn SCC hằng năm... “Trong năm 2011, các đội SCC của Hội CTĐ TP đã SCC cho 3.800 trường hợp bị tai nạn, thương tích, chấn thương ngoài đường. Việc SCC hoàn toàn miễn phí”, ông Ninh nói.
Nếu chỉ nghe qua con số có đến hàng ngàn chốt SCC rải khắp TP, với đội quân cả chục ngàn người như thế thì mọi người dễ nghĩ đến công tác SCC của Hội CTĐ rất hùng mạnh, làm được rất nhiều việc SCC ban đầu cho người dân. Thế nhưng thực tế...
...hoạt động èo uột!
Mục đích của việc phân bố các chốt SCC đến tận phường, xã là để kịp thời SCC cho những trường hợp người dân không may gặp nạn, chấn thương, TNGT... Thế nhưng, phần lớn các chốt SCC lập ra cho có, dụng cụ, phương tiện SCC rất nghèo nàn, người làm công tác SCC thì kiêm nhiệm đủ thứ nghề, đủ thành phần, nên chốt SCC chưa phát huy hết vai trò.
Điển hình như, chốt SCC trên đường Nguyễn Cảnh Chân, Q.1, do bà N. phụ trách, bình quân mỗi tháng chỉ SCC cho 1-2 trường hợp; một số trường hợp như chóng mặt, đau đầu thì cho viên thuốc. Mỗi tháng bà N. nhận được hỗ trợ 100.000 đồng để mua bông băng, gạc, dầu gió... Theo bà N., cần có thêm dụng cụ nẹp tay, nẹp chân tại chốt để SCC cho những trường hợp bị thương. Còn chốt SCC ở ngã tư Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu (Q.1) thì “nằm ké” trong chốt dân phòng. Ông Trọng phụ trách chốt SCC này kiêm nhiều việc từ bảo vệ dân phố, chạy xe ôm... cho biết, mỗi tháng ở đây cũng chỉ SCC được 2-3 trường hợp. Quan sát chiếc hộp đựng dụng cụ SCC ở đây, chúng tôi thấy cũng chỉ có được vài gói bông gòn, chai alcol, băng cuộn... cũ kỹ.
|
Các chốt SCC khác thì được đặt tại các hộ dân, chốt dân phòng, phòng mạch của bác sĩ... Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận, gọi là chốt SCC nhưng chẳng có dấu hiệu gì để người dân biết đây là chốt SCC. Ông Hùng (người nhận giữ chốt tại đường Trần Văn Đang, Q.3) cho hay, ở đây khi người dân gặp tai nạn, hay bị thương do xô xát thì ông sẽ SCC, nhưng thường người dân tự tìm đến BV là chủ yếu.
Tại Q.11, dù có đến 29 chốt SCC, mỗi chốt có 3 người thay phiên trực, nhưng theo ông Nguyễn Lương Tâm, thuộc Hội CTĐ Q.11, thì việc lập chốt SCC chỉ làm theo phong trào. Ông Tâm nói: “Những người “cắm” chốt hầu hết là y, bác sĩ, ngoài giờ làm ở bệnh viện họ lại bận phòng khám. Còn những tình nguyện viên khác thì bận việc riêng, làm trên tinh thần tình nguyện, không lương, nên hoạt động không có hiệu quả (?!)”. Ông Tâm cũng cho hay, đơn vị không có số đường dây nóng, do vậy nếu có người gặp nạn, ai biết được chốt SCC thì tự tìm đến, hoặc do người dân gần chốt đưa đến.
Tương tự, trong quý 1 vừa qua, Hội CTĐ Q.Tân Bình SCC cho 130 trường hợp (chủ yếu là TNGT), trong đó có 20 vụ SCC cho những trường hợp xô xát, té ngã trong khu dân cư. Trong hầu hết các vụ SCC đó thì tính chủ động của đội quân SCC vẫn mờ nhạt, vì đa phần khi công an điện thoại thì người của Hội mới biết và cử người xuống hiện trường, không có trường hợp nào người dân trực tiếp gọi cho Hội CTĐ. |
Thanh Tùng - Hà Minh
Bình luận (0)