TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (ảnh), Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn) đã cảnh báo như vậy khi trả lời Báo Thanh Niên về thực trạng phụ thuộc cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón vào nước ngoài.
|
Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào từ nước ngoài?
Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp mặc dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. So với các nước trong khu vực thì mức đầu tư của chúng ta vẫn còn thấp. Trong khi đó, cơ chế quản lý đối với các viện nghiên cứu như hiện nay chưa cho phép cán bộ khoa học “bung” hết sức. Dễ hiểu khi các nhà nghiên cứu nông nghiệp thường bị các doanh nghiệp nước ngoài “săn đầu người”. Thành ra, các thành tựu đạt được trong nghiên cứu chọn tạo giống, làm chủ công nghệ sản xuất các loại vắc xin phòng chống dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng... còn hạn chế. Thậm chí, nếu chúng ta sản xuất được, thì giá thành lại cao, không địch nổi với sản phẩm cùng loại do các nước khác sản xuất và cung ứng.
|
Cơ sở hạ tầng cũng đang “tạo” ra những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp (DN) khi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các yếu tố đầu vào. Chẳng hạn, chúng ta chưa có các vùng chuyên canh đủ lớn, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện để DN trong nước tự tin đầu tư lớn. Lập DN nhỏ thì sao mà địch nổi khi gặp DN nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia. Và sức trạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng sẽ rất yếu ớt. Chính sách về tín dụng cho DN nông nghiệp chưa quan tâm đúng tầm. Dù được ưu đãi nhưng các DN vẫn rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, đã thế lãi suất lại đứng ở mức cao.
Có một nguyên nhân nữa là việc chúng ta thấy khó vì công ty nước ngoài đã chiếm sẵn thị trường trong nước, hoặc nếu cố làm thì giá thành của chúng ta vẫn cao hơn, không thể cạnh tranh nổi nên thà cứ nhập khẩu còn hơn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Về mặt kinh tế, trước mắt thì có vẻ ổn đấy nhưng về lâu dài, rõ ràng, điều này là hết sức nguy hại. Lúc ấy, nó rất dễ sinh ra tình trạng một số DN lớn của nước ngoài nắm vị trí độc quyền. Các DN này hoàn toàn có thể dùng đầu vào để khống chế đầu ra. Khi đó, những người nông dân bình thường gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các DN nước ngoài hoàn toàn có thể chiếm thế thượng phong.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để không còn quá phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào từ các nước?
Có một loạt các việc chúng ta cần phải làm. Đầu tiên cần quy hoạch lại ngành công nghiệp trên cơ sở nghiên cứu xác định hiệu quả cân đối giữa vật tư, thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp sản xuất trong nước với vật tư, thiết bị cần nhập khẩu. Áp dụng chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển ngành cơ khí sản xuất, sửa chữa máy móc nông nghiệp, tàu thuyền phục vụ thủy sản. Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ những ngành áp dụng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hóa cao, thu hút đầu tư trong nước, phù hợp với điều kiện VN. Hỗ trợ cho các làng nghề, các hộ ở nông thôn, tham gia tổ chức sản xuất và làm dịch vụ bảo dưỡng, nâng cấp các công cụ sản xuất tại địa phương.
Áp dụng chính sách đặc biệt khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất sửa chữa máy móc nông nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vắc xin phòng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Cải tiến hệ thống quản lý thị trường, phân phối lưu thông những vật tư nông nghiệp chiến lược như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giống vật nuôi cây trồng... theo hướng chuyển từ vai trò quản lý thị trường và can thiệp chính sách từ hiệp hội các DN lớn sang các tổ chức đại diện cho nông dân và người sản xuất như Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã...
Nên có những chính sách trợ giúp đủ mạnh Ông Hoàng Văn Tiệu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, phân tích: “Thật ra không có gì quá khó khăn trong việc chọn tạo giống, những giống vật nuôi nước ta đang phải nhập, các nhà khoa học trong nước có thể nghiên cứu và tổ chức sản xuất được. Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí nhà nước dành cho lĩnh vực này những năm qua có tăng nhưng vẫn còn hạn chế. Chúng tôi rất cần hợp tác với các DN trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các DN trong nước chưa mặn mà lắm do thời gian đầu tư dài, rủi ro lại cao. Trong hoàn cảnh này, tốt nhất nhà nước nên có những chính sách trợ giúp đủ mạnh để thu hút DN “bắt tay” với các nhà khoa học để tổ chức chọn, tạo giống”. |
Quang Duẩn (thực hiện)
Bình luận (0)