Sự kết hợp của một loạt sự kiện định mệnh đã nhấn chìm con tàu Titanic huyền thoại cách đây gần 1 thế kỷ.
Trên đường đi từ Southampton (Anh) đến New York (Mỹ), tàu Titanic đã đụng phải một núi băng trôi ở phía bắc Đại Tây Dương vào lúc 11 giờ 40 tối chủ nhật 14.4.1912. Trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tàu đã chìm xuống độ sâu gần 4.000m, hơn 2/3 trong số 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn bỏ mạng dưới đáy biển.
Nếu con tàu “không thể chìm” này có thể nổi lâu hơn sau vụ va đập, thiệt hại nhân mạng chắc sẽ được giảm bớt nhờ các thuyền cứu hộ đang tiến đến khu vực thảm họa.
Cây bút chuyên về khoa học Richard Corfield viết trên tạp chí Physics World: “Một câu hỏi về thảm họa Titanic, là làm sao con tàu 46.000 tấn có thể chìm nhanh đến vậy?”. Xem xét kỹ sự thiếu hụt cấu trúc và các sự kiện ngày 14.4.1912, ông Corfield kết luận: “Không phải chỉ có một nguyên nhân duy nhất đã đẩy tàu Titanic xuống đáy Đại Tây Dương. Đó là một “thác sự kiện” cổ điển”.
Theo 2 cuộc điều tra được tiến hành vào năm 1912 ở cả Anh và Mỹ, nhiều tình huống khiến tai họa xảy ra: tàu Titanic đi quá nhanh, thuyền trưởng Edward J.Smith không để ý nhiều đến những cảnh báo về núi băng và không có đủ thuyền cứu đắm trên tàu. Các cuộc điều tra đã làm sáng tỏ nhiều chi tiết khác như thiếu ống nhòm trên cột buồm và việc nhân viên điều khiển máy phát sóng vô tuyến không truyền đi một cảnh báo quan trọng nhận từ tàu buôn Anh SS Mesaba. “Mesaba đã cung cấp vị trí chính xác của khu vực núi băng, lúc đó là khoảng 9 giờ 40 tối, chỉ cách 80m phía trước tàu Titanic”, ông Corfield viết.
Titanic là con tàu hiện đại nhất thời đó. Nó được trang bị những công nghệ mới nhất, tuy nhiên có vật liệu tỏ ra không phù hợp trong quá trình đóng tàu. Những đinh tán rèn đúc kém đã khiến các tấm thép trên thân tàu bị bung ra từng mảng. Một phần đinh tán dùng trên thân trước và sau con tàu có hàm lượng cao tạp chất xỉ sắt. Các thử nghiệm phòng thí nghiệm cho thấy loại đinh này dễ bị tổn hại do sức ép và bị bong ra, khiến thân tàu vỡ toang.
“Rồi còn có khía cạnh toán học và vật lý học của vụ va chạm: 6 khoang ngập nước, nếu chỉ có 4 khoang ngập thì tàu không chìm”, ông Corfield viết. Như thể các yếu tố trên vẫn chưa đủ, thời tiết cũng có thể góp phần làm chìm tàu. Vào thời điểm đó, thời tiết ấm hơn bình thường ở Ca-ri-bê, một sự tác động lẫn nhau của các dòng nước bề mặt - dòng nước ấm vùng vịnh Mexico giao cắt với dòng Labrador mang theo sông băng ở bắc Đại Tây Dương - cùng thủy triều cao bất thường 3 tháng trước đã tích tụ núi băng, như thể chúng là những chiếc bẫy khổng lồ.
Chuyên gia Corfield kết luận rằng một chuỗi tình huống không may như thế, được các nhà nghiên cứu về thảm họa gọi là “thác sự kiện”, đã dẫn đến sự ra đi vĩnh viễn của tàu Titanic. “Kế hoạch tốt nhất trên thế giới cũng không thể loại bỏ hết mọi yếu tố có thể tác động tiêu cực đến thiết kế, vận hành một chiếc tàu chở khách khổng lồ. Đôi khi từng yếu tố riêng rẽ lại kết hợp đủ mạnh và thác sự kiện trở nên đủ dài, đủ phức tạp đến mức không thể ngăn chặn được thảm họa”, ông nói.
Khang Huy
Bình luận (0)