Nuôi gà đồi xây nhà lầu

07/04/2012 03:34 GMT+7

Từ những vùng đồi trọc khô cằn sỏi đá, nhiều thanh niên ở xã miền núi Bắc An (TX.Chí Linh, Hải Dương) xây được nhà lầu khang trang từ mô hình gia trại nuôi gà đồi thương phẩm.

Từ những vùng đồi trọc khô cằn sỏi đá, nhiều thanh niên ở xã miền núi Bắc An (TX.Chí Linh, Hải Dương) xây được nhà lầu khang trang từ mô hình gia trại nuôi gà đồi thương phẩm.

Dẫn chúng tôi tham quan các gia trại nuôi gà đồi, Bí thư Chi đoàn thôn Cổ Mệnh - Bùi Đức Thành chỉ tay, điểm tên từng ngôi nhà cao tầng nằm bên những triền đồi. Theo lời anh Thành, chỉ có vài căn được xây bằng tiền do người đi xuất khẩu lao động gửi về; còn lại đa phần là nguồn thu nhập từ nghề nuôi gà đồi. Đối với gia đình Thành, sau gần 5 năm theo nghề nuôi gà, căn nhà hai tầng kiên cố đang chờ hoàn thiện đã hiên ngang đứng giữa vườn đồi. Với 3 dãy chuồng chăn nuôi, đàn nọ gối đàn kia, mỗi tháng gia trại của Thành cung cấp cho thị trường hàng tấn gà thịt. “Bình quân mỗi lứa thu về 20 triệu đồng tiền lãi”, Thành nói chắc nịch.

 
Nuôi gà đồi đang là lựa chọn khởi nghiệp của thanh niên xã Bắc An - Ảnh: H.Phan 

Sinh năm 1989, Thành là người trẻ nhất và thành công nhất từ mô hình gia trại nuôi gà đồi. Thành từng nổi tiếng với nghề nuôi dê núi. Từ hai cặp giống ban đầu, Thành gây dựng đàn dê lên tới 50 con. Thiếu kiến thức phòng bệnh, đàn dê chết dần chết mòn, vốn đầu tư mất trắng. “Thanh niên nông thôn đã khởi nghiệp khó khăn vì thiếu vốn, nếu gặp dịch bệnh chắc chắn “trở về số 0” như thuở ban đầu”, Thành trăn trở. Giã từ nghề nuôi dê, Thành chuyển sang gây dựng đàn gà đồi với hy vọng sớm hồi vốn. Nhưng không thể chăn nuôi “theo kiểu tù mù” rồi chuốc lấy rủi ro từ bệnh dịch. Vừa học vừa làm, Thành trúng tuyển vào trường trung cấp y của tỉnh. Có kinh nghiệm thực tế lại thêm kiến thức về ngành thú y, ra trường Thành được phân công làm đội trưởng thú y, phụ trách phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong toàn xã.

Còn ở thôn Chín Thượng - nơi có đến 80% hộ dân là người dân tộc Sán Dìu đang sinh sống, phong trào chăn nuôi gà đồi phát triển khá rầm rộ. Chẳng cần tìm việc ở đâu xa, thanh niên ra sức khai khẩn đất đồi, trồng cây gây rừng, dựng lều trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thế nên Chín Thượng từ lâu đã không còn đồi hoang. Ngoài trồng keo, bạch đàn vừa lấy gỗ vừa để giữ đất, mỗi vạt đồi giờ đây đều có lán trại chăn nuôi nhiều giống gà khác nhau. Bí thư Chi đoàn thôn Chín Thượng - anh Bạo Văn Hùng cho rằng, nhờ nghề chăn nuôi gà mà số hộ nghèo trong thôn giờ đã giảm theo từng năm. Sau khi xây dựng gia đình, các đôi vợ chồng son đều tách ra ăn riêng, đa số đều chọn “con gà làm đầu cơ nghiệp”, vừa không đòi hỏi quá nhiều vốn vừa rất hợp với vùng đất đồi rừng. Nhờ nó mà nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định. Cũng như nhiều thanh niên khác, anh Hùng hiện sở hữu gia trại nuôi gà lai chọi, trừ mọi chi phí chăn nuôi, nghề nuôi gà mang về vài chục triệu tiền lãi mỗi năm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Đoàn xã Bắc An tự tin cho biết, từ chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún để cải thiện bữa ăn, giờ đây gà đồi đã trở thành sản phẩm hàng hóa và là đặc sản của xã miền núi này. Nhờ đó, hàng chục héc ta đất đồi hoang, đồi trọc xưa kia giờ như được hồi sinh bởi màu xanh của các loại cây rừng, đây cũng là môi trường lý tưởng để phát triển đàn gia súc, gia cầm. Riêng gà đồi ở đây chất lượng hơn hẳn các khu vực khác, thương lái tìm vào xã thu mua mỗi ngày một nhiều. Sản phẩm gà đồi Bắc An đã có mặt trong nhiều nhà hàng ở Hải Dương và các tỉnh lân cận.

Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.