|
Ông Vũ Đình Chuẩn (ảnh nhỏ), Vụ trưởng Vụ GD Trung học - Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những vấn đề mà dư luận quan tâm trước thông tin Bộ chuẩn bị siết chặt hơn việc dạy thêm học thêm.
Phát triển tràn lan do buông lỏng quản lý
Thưa ông, dù Bộ GD-ĐT đã có quy định về dạy thêm học thêm (DTHT) nhưng việc DTHT vẫn diễn ra tràn lan ở tất cả các cấp học, ngay từ lớp 1. Bộ GD-ĐT có ý kiến gì về thực trạng này?
DTHT là một hiện tượng xã hội không phải của riêng VN mà của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bản chất của việc DTHT là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu thực sự của cha mẹ học sinh (HS) muốn nâng cao kết quả học tập của con em mình. Các trường phổ thông tổ chức DTHT nhằm: củng cố kiến thức, kỹ năng cho HS; phụ đạo HS học lực yếu kém; bồi dưỡng HS khá giỏi; ôn tập để thi vào ĐH-CĐ… Cũng có những cha mẹ HS muốn kết hợp với việc nhờ thầy cô giáo dạy thêm quản lý con cái họ trong lúc họ bận công việc. Ở rất nhiều tỉnh nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhà trường và giáo viên dạy thêm không thu tiền của HS; có nơi còn hỗ trợ HS về sách bút và các điều kiện khác để các em học tập tốt hơn. Nói một cách công bằng thì có rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước vẫn âm thầm kèm cặp dạy dỗ HS một cách tận tình không chỉ bó hẹp trong khoảng thời gian lên lớp, không vụ lợi.
Điều đáng phê phán trong hoạt động dạy thêm là có một bộ phận giáo viên xuất phát từ động cơ vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép HS học thêm gây bức xúc đối với xã hội. Hiện tượng này làm tăng gánh nặng kinh tế cho một số gia đình; gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của HS; làm quan hệ đạo đức thầy - trò bị méo mó và nghiêm trọng hơn là làm giảm lòng tin của người dân đối với ngành giáo dục.
|
Một số nơi DTHT phát triển tràn lan còn do buông lỏng quản lý, đặc biệt là việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định DTHT của một số cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương chưa được chú trọng, chưa được triển khai quyết liệt; sự phối hợp giữa các ban ngành, cơ quan có chức năng còn hạn chế, chưa kịp thời ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh các cơ sở, cá nhân vi phạm. Ở một số trường học, nhà trường chưa tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ năng lực của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế việc phải DTHT.
|
Xử lý người đứng đầu đơn vị
Thưa ông, từ khi có quy định về quản lý DTHT đã có địa phương nào xử lý, kỷ luật giáo viên hoặc nhà trường tổ chức dạy thêm tràn lan chưa? Bộ GD-ĐT có trực tiếp yêu cầu xử lý trường hợp nào không?
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định DTHT, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về DTHT để quản lý hoạt động dạy thêm trên địa bàn. Nhiều địa phương đã tích cực đi đầu trong việc triển khai, kiểm tra, đôn đốc các nhà trường, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc quy định, đồng thời xử lý kịp thời, thích đáng các trường hợp vi phạm.
Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra về thực hiện quy định; căn cứ kết quả thanh tra, Bộ đã trực tiếp yêu cầu các địa phương, đơn vị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trong thời gian tới, sau khi quy định mới về DTHT được ban hành, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các trường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm; đặc biệt sẽ xử lý vi phạm đối với cả người đứng đầu cơ quan theo quy định về chế độ trách nhiệm.
Có ý kiến cho rằng, việc thanh kiểm tra, đặc biệt là hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường trong Dự thảo quy định quản lý DTHT lần này gần như không khả thi. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Việc quản lý, thanh tra, kiểm tra DTHT trong quy định trước đây cũng như trong dự thảo lần này đều yêu cầu có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý giáo dục với các ban ngành của địa phương dưới sự quản lý, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, có phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT với các ngành khác thì nơi đó hoạt động DTHT phát huy được tác dụng tốt của nó và được xã hội ủng hộ. Nơi nào việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chỉ mới dừng lại trên văn bản thì dù quy định có chặt chẽ đến mấy, ở nơi đó DTHT vẫn dễ dàng bị biến tướng, thương mại hóa, gây bức xúc cho xã hội.
Bộ GD-ĐT có đề xuất gì với Chính phủ về việc cải thiện đồng lương để giáo viên có thể sống được bằng lương, không cố tình vi phạm quy định về DTHT?
Phấn đấu để người giáo viên sống được bằng lương là mong muốn của giáo viên và của ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế nước ta còn khó khăn, mong muốn đó chắc chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Trong lộ trình cải cách chế độ tiền lương của nhà nước, ngành GD-ĐT đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải tiến chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với giáo viên.
Nhiều biện pháp để giảm DTHT PV Thanh Niên cho rằng vấn đề mấu chốt để người học không có nhu cầu học thêm nhiều như hiện nay là HS được học 2 buổi/ngày; chương trình học không quá nặng; đổi mới thi cử, kiểm tra, không sính thành tích... Ông Vũ Đình Chuẩn khẳng định: “Bên cạnh các quy định về DTHT, ngành GD-ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, khắc phục DTHT tràn lan như: Rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, dành thời lượng phụ đạo tại lớp đối với HS có học lực yếu kém. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của HS; đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho HS. Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định DTHT, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc HS học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để HS được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn ở trường; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện… |
Tuệ Nguyễn
(thực hiện)
Bình luận (0)