Gia tăng loạn thần do rượu

07/04/2012 09:51 GMT+7

Không chỉ góp phần gây ra 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tình trạng lạm dụng rượu bia khiến không ít người bị nghiện và rối loạn tâm thần.

Không chỉ góp phần gây ra 50% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tình trạng lạm dụng rượu bia khiến không ít người bị nghiện và rối loạn tâm thần.

 
Một bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: L.N

Nghiện hơn ma túy

“Cứ mỗi buổi sáng thức dậy là mình thèm rượu”- bệnh nhân Nguyễn D.T, 38 tuổi ở Long An kể khi đang điều trị chứng nghiện rượu tại BV Tâm thần TPHCM. Cách đây 5 năm, anh T. nhậu từ sáng tới tối mà không say. Thiếu rượu là T. trong người bứt rứt, khó chịu.

Mới đây anh T. có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác hay cáu gắt, gây sự đánh nhau thường xuyên nên được người nhà đưa lên BV Tâm thần TPHCM thăm khám. Các bác sĩ cho biết, T. bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu.

Bệnh nhân H. 37 tuổi, nhân viên ngân hàng ở TPHCM, phải nghỉ việc và được người nhà đưa đến BV Tâm thần TPHCM trong tình cảnh tương tự.

Theo bác sĩ Huỳnh Xuân Thiện - BV Tâm thần, cách đây 3 năm H. được chẩn đoán trầm cảm nặng do rối loạn tâm thần vì rượu và được điều trị bằng thuốc. Mặc dù tinh thần đã khá hơn nhưng sau khi dứt điều trị, bệnh nhân H. vẫn không kiểm soát được việc uống rượu khiến gia đình tan vỡ.

Bác sĩ Vũ Đình Vương - Trưởng Khoa Nam - BV Tâm thần TPHCM, cho biết 99% bệnh nhân là nam giới vào viện với lý do nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu. “Tình trạng loạn thần do rượu ngày càng tăng. Tỷ lệ nghiện rượu từ 1,16 – 3,96% dân số và có xu hướng tăng. Năm 1990 loạn thần do rượu chỉ chiếm 0,31% giường bệnh đến nay tăng lên gần 10%” - bác sĩ Vương cho biết.

Loạn thần do lạm dụng rượu cao gần gấp đôi loại bệnh đứng hàng thứ 2 là trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Theo bác sĩ Huỳnh Xuân Thiện, tất cả bệnh nhân vào thăm khám đều có cảm giác thèm muốn, thôi thúc uống rượu bất kể giờ giấc và không thể ngừng uống giữa chừng.

Hậu quả khó lường

Theo bác sĩ Thiện, rất nhiều bệnh nhân nghiện rượu đến nỗi thay đổi dần tính tình, giảm ham thích các hoạt động, các công việc trước đây.

“Họ mất dần các thói quen tốt, trở nên ích kỷ, tàn ác, nhỏ nhen, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái và xã hội”- bác sĩ Thiện nói.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang- Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM cho biết, ông đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân loạn thần do rượu gây ra những vụ việc đau lòng. Các bệnh nhân này đều bị loạn thần do rượu, giống tâm thần phân liệt cấp dẫn đến hoang tưởng.

Theo bác sĩ Quang, khi uống rượu, chất Andehit có trong rượu sẽ tích trong máu, sau đó ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương nếu không đào thải kịp, gây ngộ độc chuyển hóa.

Quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể; làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não và khả năng điều khiển hành vi.

Cảm xúc của người rối loạn tâm thần do rượu từ hưng phấn chuyển sang lờ đờ, rồi trở nên dễ giận dữ, muốn gây hấn và bắt đầu xuất hiện các hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh ra lệnh, ảo thị.

Cần được điều trị kịp thời

Bác sĩ Huỳnh Xuân Thiện cho biết, để điều trị chứng nghiện rượu, loạn thần do rượu cần có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc cùng với sự hỗ trợ của gia đình, xã hội.

Việc điều trị ngoại trú có thể ở phòng khám tâm thần địa phương. Nhưng ở giai đoạn nặng khi người bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm cần được cấp cứu tại bệnh viện có đầy đủ phương tiện với sự hỗ trợ chuyên khoa tâm thần nếu có rối loạn tâm thần kèm theo.

Trong giai đoạn này việc ngưng rượu hoàn toàn là điều bắt buộc. Nhưng khi điều trị ngoại trú việc bỏ rượu rất khó, đòi hỏi nhiều nỗ lực của người nghiện rượu và sự động viên, an ủi của gia đình và xã hội mới giúp người nghiện rượu vượt qua chính mình.

Việc lập các tổ chức, các hội, các nhóm giúp đỡ người nghiện rượu là quan trọng.

Biện pháp phòng ngừa nghiện rượu hiện nay quan trọng là truyền thông rộng rãi những tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần cũng như thể chất.

Các bác sĩ đề xuất cần có quy chế quản lý, kiểm soát chặt việc sản xuất, bán mua và tiêu thụ các loại rượu và nên cấm trẻ em dưới 18 tuổi uống các thức uống có rượu.

Rượu có liên quan ít nhất 50% tử vong do tai nạn giao thông và 67% các vụ tự tử có liên quan đến rượu, 33% vụ tự tử và nghiện rượu có chẩn đoán bệnh tâm thần. 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm và 55% người nghiện ma tuý có liên quan sử dụng rượu - BS Huỳnh Xuân Thiện cho biết.

Theo Tiền phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.