Người xứ Quảng trong Lê Minh Quốc

07/04/2012 03:33 GMT+7

Tập sách Người Quảng Nam của Lê Minh Quốc là một chuyên luận về đất và người được viết theo dòng lịch sử, chứa nhiều trang gợi cảm và mềm mại như vải lụa Xita với rượu Hồng đào dưới nắng chiều ngày cưới...

Tập sách Người Quảng Nam của Lê Minh Quốc là một chuyên luận về đất và người được viết theo dòng lịch sử, chứa nhiều trang gợi cảm và mềm mại như vải lụa Xita với rượu Hồng đào dưới nắng chiều ngày cưới...

Các sự kiện lớn cùng các danh nhân xuất hiện trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Nam bắt đầu từ năm 1471 - thời điểm vua Lê Thánh Tông đặt tên Quảng Nam thừa tuyên đến đầu thế kỷ 21 được Lê Minh Quốc trình bày qua 29 mục với 410 trang (khổ 16 x 24 cm), do NXB Trẻ ấn hành năm 2012. Điều đáng ghi nhận là tác giả luôn đặt Quảng Nam trong tổng thể dòng chảy của lịch sử nước nhà để xem xét, từ đó đúc kết những “dấu nhấn” về vai trò của một "Quảng Nam quốc" (trang 109), về nơi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ (tr.117), nơi trước nhất nổ súng đánh Pháp mở đầu giai đoạn lịch sử cận đại VN (tr.136), nơi quân Mỹ đổ bộ đầu tiên trong chiến lược chiến tranh cục bộ (tr.149), nơi có nhiều bà mẹ VN anh hùng nhất (tr.165), nơi trước nhất vận dụng tư tưởng canh tân nước nhà đầu thế kỷ 20 (tr.179), nơi ra đời của Duy Tân hội (tr.190), nơi sản sinh nhiều danh nhân VN như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, các nhà văn nhà báo danh tiếng như Phan Khôi, Bùi Giáng, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Văn Xuân...

 
Bìa sách Người Quảng Nam - Ảnh: G.H

 

Một số tài liệu nước ngoài được Lê Minh Quốc sử dụng để soi sáng thêm, chẳng hạn bút ký Xứ Đàng Trong năm 1621 của Christophoro Borri ghi nhận Hội An là hải cảng đẹp nhất. Cũng vậy, bút ký Chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793 của J.Barrow đề cập đến kỹ thuật đóng thuyền đủ kích cỡ với những chiếc dài từ 15 - 25m, chạm trổ cầu kỳ tinh xảo, được ngư dân dùng để vượt biển ra Hoàng Sa thu lượm hải sâm, chim yến. Cuối sách là Niên biểu Quảng Nam đến năm 2010 được kê cứu công phu ghi từ năm Lê Hoàn đem quân đánh Chiêm Thành tiến vào kinh đô Indrapura (nay là Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam)...

Song có lẽ chân thực và cảm động hơn hết khi tác giả bộc bạch rằng tác phẩm viết bởi: “Đứa con xa quê lâu ngày. Tha thiết thương trong lòng. Da diết nhớ trong óc. Thương nhớ từng ngày đi qua với từng món ăn của thuở ấu thời, từng mùa nắng mưa trên con đường đi học, từng trò chơi ngày tuổi nhỏ, từng bến sông lau sậy quạnh hiu nắng úa, từng tiếng chim kêu khắc khoải trên nhánh sầu đông ngày cuối đông mưa dầm dề lạnh lẽo”. Phần “duyên” nhất của Người Quảng Nam có lẽ là mục phân tích về thổ âm thổ ngữ của người Quảng và mục về rượu Hồng đào. Lê Minh Quốc cho rằng rượu Hồng đào ở Quảng Nam là loại rượu không có thực theo nghĩa của các danh tửu quen thuộc như rượu Bàu Đá, rượu làng Vân, làng Chuồn, song hai tiếng thân thương ấy lại đã có mặt và thăng hoa vào tâm hồn người xứ Quảng từ lâu, nghĩa là rượu Hồng đào vừa có (trong tâm thức), vừa không (trong thực tế), vừa mang triết lý bất nhị “có có không không”.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.