Nhiều nước bế tắc trước lựa chọn tiếp tục trợ giá xăng dầu và chịu thâm hụt ngân sách hay bỏ trợ giá thì gây bất ổn chính trị, xã hội.
|
Bất tòng tâm
Hạ viện Indonesia ngày 30.3 như cái chợ vỡ. Từ sáng sớm, hàng ngàn người dân, công nhân và thành viên các hội đoàn kéo về bao vây tòa nhà hạ viện, nơi sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu thông qua kế hoạch tăng 33% giá xăng RON 88, từ 4.500 rupiah (10.100 đồng)/lít lên 6.000 rupiah/lít từ ngày 1.4. Cùng lúc, tại nhiều thành phố lớn, hàng chục ngàn người cũng xuống đường. Từ 10 ngày trước đó, biểu tình đã nổ ra ở khắp nơi để phản đối kế hoạch này. Đụng độ và thương vong đã xảy ra.
Indonesia từ nhiều thập niên qua luôn theo đuổi chính sách trợ giá mạnh những sản phẩm hóa dầu được cho là bình dân, phục vụ nhu cầu của người có thu nhập thấp, gồm RON 88, diesel và dầu hỏa (kerosene). RON 88 có giá thành 8.200 rupiah/lít, nhưng giá bán lẻ chỉ 4.500 rupiah/lít, khiến Indonesia trở thành nước có giá xăng rẻ nhất châu Á.
Theo website chuyên về năng lượng Platts.com, năm 2011, Indonesia tiêu thụ tổng cộng 41,8 tỉ lít xăng dầu trợ giá, trong khi mức dự toán chỉ 40,5 tỉ lít. Với giá dầu thô dự kiến 90 USD/thùng nhưng thực tế trung bình đến 111 USD/thùng, tiền trợ giá xăng dầu năm 2011 dự kiến 129.700 tỉ rupiah (14 tỉ USD) đã phình lên đến 165.200 tỉ rupiah (18 tỉ USD). Con số đó bằng 11% tổng ngân sách, vượt hơn mức chi cho y tế và giáo dục cộng lại.
Bội chi trợ giá xăng dầu năm 2011 đã khiến các tổ chức tài chính quốc tế hạ thấp bậc tín nhiệm tín dụng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Nhưng điều trớ trêu, như Thứ trưởng Năng lượng Widjajono Partowidagdo từng nhận định, là đến 90% tiền trợ giá lại đi vào túi những người có thu nhập trung bình và cao.
Những nhà kinh tế và nhà làm luật Indonesia cũng như cả thế giới nhìn nhận cần phải giảm dần cho đến triệt tiêu trợ giá xăng dầu, để mặt hàng này vận hành lành mạnh theo giá thị trường. Chính phủ liên minh của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tính toán nếu nâng giá bán lẻ các mặt hàng trợ giá lên 33% từ ngày 1.4, ngân sách năm 2012 sẽ giảm được 41.300 tỉ rupiah. Số tiền này đủ để tặng 30,6 triệu hộ nghèo 150.000 rupiah/hộ/tháng cho đến cuối năm. Hoặc nếu đem đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì số tiền tiết kiệm có thể xây được hơn 2.000 trường học mới hoặc 4.130 km đường. Vì thế, khi kế hoạch tăng giá được đưa ra hồi giữa tháng 3.2012, tất cả các đảng phái ở Indonesia đều ủng hộ và dự kiến bỏ phiếu thông qua vào ngày 27.3.
Tuy nhiên, người dân Indonesia phản đối dữ dội bằng các cuộc biểu tình lớn. Cuộc bỏ phiếu ngày 27.3 bị hoãn đến 30.3 trong khi biểu tình ngày càng gia tăng. Điều đó khiến các đảng phái bắt đầu lung lay. Đêm 29.3, đảng Golkar trong liên minh cầm quyền bất ngờ tuyên bố phản đối đề án tăng giá. Nhiều đảng khác cũng làm theo khiến đảng Dân chủ của Tổng thống Yudhoyono lâm vào thế bị cô lập. Ông Yudhoyono phải vắng mặt tại cuộc họp cấp cao ASEAN ở Phnom Penh (Campuchia) để “lo việc nhà”.
Nhưng rồi cuộc bỏ phiếu bị trì hoãn cho đến rạng sáng ngày 31.3. Không tìm được sự đồng thuận, hạ viện cuối cùng chỉ quyết định không được tăng giá xăng trong vòng 6 tháng tới.
Malaysia tiến thoái lưỡng nan
Malaysia cũng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan tương tự. Xăng RON 97 hiện được bán lẻ với giá 2,8 ringgit (19.000 đồng)/lít. Trong khi đó, những sản phẩm được trợ giá rẻ hơn rất nhiều: RON 95 chỉ 1,9 ringgit/lít, thấp hơn 31% so với giá thành, bình gas 14 kg giá 26,6 ringgit, thấp hơn giá thành 45%. Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin cho hay chính phủ Malaysia năm 2010 đã chi 9,2 tỉ ringgit (3 tỉ USD) trợ giá xăng dầu. Năm 2011, do giá dầu thô thế giới tăng cao, mức chi lên đến 18 tỉ ringgit.
Cũng như tại Indonesia, chính quyền Malaysia ước tính khoảng 71% tiền trợ giá xăng dầu đi vào túi những người có thu nhập trung bình và cao. Thậm chí, người dân Singapore và Thái Lan cũng lái xe qua biên giới Malaysia để mua xăng rẻ.
Thủ tướng Najib Razak trong một cuộc nói chuyện với Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Singapore từng nêu hẳn lộ trình cắt giảm trợ giá xăng dầu. Tuy nhiên, ông Najib đã không thực hiện điều này do quan ngại bất ổn xã hội cũng như lo rằng kết quả cuộc tổng tuyển cử vào năm 2013 sẽ bị ảnh hưởng. Tuyên bố mới nhất ngày 29.3 của chính phủ khẳng định bất kể giá dầu thô thế giới đang tăng cao, Malaysia vẫn tiếp tục không tăng giá xăng.
Nhìn sang châu Phi, quốc gia có sản lượng dầu thô lớn nhất châu lục là Nigeria cũng bế tắc với việc tháo bỏ trợ giá. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến năm 2010, giá bán lẻ xăng dầu ở Nigeria rẻ thứ 12 trên thế giới (0,44 USD/lít). Quyết định bỏ trợ giá và nâng giá bán lẻ lên gấp đôi từ ngày 1.1.2012 khiến hàng chục ngàn người biểu tình và Tổng thống Goodluck Jonathan không còn chọn lựa nào khác là hạ giá về mức cũ.
Singapore ngoài “tâm bão”
Trong khi giá bán lẻ xăng dầu ở nhiều nước đang tăng theo giá dầu thô gây xáo trộn đời sống người dân thì tại Singapore, cả chính phủ và dân chúng đều không quan tâm mấy dù giá xăng trong nước rất cao. Theo số liệu từ WB, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của Singapore là 41.000 USD, thấp hơn Úc (57.000 USD) và Mỹ (47.000 USD). Nhưng giá xăng ở Singapore (1,42 USD/lít) cao hơn Úc (1,27 USD/lít) và gần gấp đôi Mỹ (0,76 USD/lít).
Chính phủ Singapore không trợ giá xăng dầu. Ngược lại, mặt hàng này còn bị coi là sản phẩm “xa xỉ”, bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 0,44 SGD/lít. Riêng dầu diesel được coi là sản phẩm phục vụ sản xuất, không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng 7%.
Chính phủ Singapore cũng không điều khiển giá bán lẻ xăng dầu mà hoàn toàn phó thác cho 4 công ty Singapore Petroleum Company, Shell, Caltex và ExxonMobil định đoạt trên nguyên tắc cạnh tranh theo giá thị trường. Giá bán lẻ sản phẩm cùng chỉ số octane ở các công ty thường bằng nhau hoặc chỉ chênh lệch nhau vài xu. Không cần sự điều chỉnh của chính phủ, cơ chế cạnh tranh lành mạnh buộc các công ty kiểm soát giá lẫn nhau. Ngày 19.11.2009, Caltex tăng giá sản phẩm thêm 0,04 SGD/lít. Nhưng đến cuối ngày hôm sau, không thấy các công ty khác tăng theo, Caltex đã phải tự hạ về giá cũ.
Vì thay đổi theo giá dầu thô thế giới và tỷ giá so với đồng USD nên giá bán lẻ xăng ở Singapore lên xuống liên tục. Tuy nhiên, mỗi lần lên xuống tối đa chỉ 0,05 SGD/lít nên không gây xáo trộn gì đáng kể. Người dân Singapore vốn quen với việc giá xăng cao nên khi có sự điều chỉnh vài xu/lít cũng không có phản ứng gì. Những người có thu nhập thấp và trung bình thì hoàn toàn có thể dựa vào phương tiện công cộng để đi lại.
Giá xăng dầu là một vấn đề hết sức nhạy cảm ở Indonesia. Chính đợt tăng giá năm 1998 dẫn đến biểu tình rầm rộ khiến Tổng thống Suharto phải ra đi. Và lần này, “các đảng phái đã nắm lấy thời điểm ngặt nghèo để tấn công đảng Dân chủ cầm quyền và lấy điểm cho cuộc bầu cử năm 2014”, nhà phân tích chính trị Boni Hargens từ Đại học Indonesia nhận xét. |
Tự tin với chính sách giá của nước mình, tờ báo chính thống của Singapore là Straits Times ngày 5.4 có bài xã luận khuyên nên “tránh xa bẫy trợ giá xăng dầu”. Bài báo viết: “Về mặt kinh tế, trợ giá xăng dầu thường dẫn đến kết cục là làm lợi cho nhóm người không đáng được hưởng. Về mặt chính trị, một khi đã áp dụng, việc trợ giá gần như không thể đảo ngược, như đang thấy ở Indonesia, Malaysia, Jordan và Nigeria. Tốt nhất nên để cơ chế thị trường định đoạt và cần có một số giải pháp khác giúp đỡ người nghèo”. |
Thục Minh (VP Singapore)
Bình luận (0)