Chó quý tộc bạc tỉ, dùng đồ hiệu, nằm điều hòa

08/04/2012 10:39 GMT+7

Thời xưa dân gian có câu “khổ như chó” để nói về cái cảnh những loài bị nô lệ mà hưởng thụ thì chẳng có gì. Nhưng giờ đây, có lẽ loài khốn khổ ấy chỉ còn là “một bộ phận” của giống cẩu mà thôi.

Thời xưa dân gian có câu “khổ như chó” để nói về cái cảnh những loài bị nô lệ mà hưởng thụ thì chẳng có gì. Nhưng giờ đây, có lẽ loài khốn khổ ấy chỉ còn là “một bộ phận” của giống cẩu mà thôi.

Sướng nhờ lý lịch

Vân, một bác sĩ thú y trẻ chăm sóc chó cảnh đã mấy năm kết luận với tôi về số sướng số khổ của con thú cưng: “Đời muốn sướng phải có lý lịch. Xuất thân vỉa hè cả đời không ngóc đầu lên được!”.

Vân bảo con cún đắt tiền thì bố mẹ nó tên gì, quê quán ở đâu, đều ghi chép rõ ràng. Cẩn thận hơn, người ta tôn vinh dòng giống đến đời cụ kỵ. Thú có tên, thậm chí giờ sinh tháng đẻ. Nếu về từ nước ngoài, mỗi đứa đều có giấy tờ nhập cảnh. Muốn đổi tên, thay họ, phải cần cơ quan cơ quan pháp luật.

“Trước khi giao phối, bố mẹ đều đã đi khám chữa bệnh tổng quát, đảm bảo con cái sau này khỏe khoắn thông minh” - Anh Hùng, một người nuôi ở quận hai nói - “Cún cũng như người, có nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch có thể di truyền, việc sàng lọc bệnh tật để hậu duệ khỏe khoắn là điều cần thiết”. Anh cũng lưu ý những loại chó bán ở chợ, dăm triệu bạc một con, nhưng không lý lịch thì vẫn chỉ là con hoang: “Dòng dõi phải có bố mẹ đàng hoàng”.

Hỏi làm sao tìm được chó quý tộc, bác sĩ thú y Hưng, được coi là chuyên gia, bảo: “Người ta nhập về và sở hữu những con chó bạc tỷ làm tổ. Ai muốn hậu duệ của chúng, phải đến phối. Mỗi lần phối, chủ chó cái phải trả tới vài ngàn USD”.

Mấy lần tôi đã đi viết bài về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của người, thậm chí cả chuyện chữa hiếm muộn, nhưng chưa bao giờ thấy bố mẹ trước khi sinh lại đi chữa hết bệnh, để con cháu sau này khỏe mạnh. Đã bao giờ bố mẹ trước khi tác hợp lại buộc phải xổ giun? Nhưng đấy lại là nguyên tắc tối thiểu của loài cẩu cảnh cao cấp ngày nay.

Hộp sữa hơn 600 ngàn

Đến một cửa hàng bán phụ kiện và thức ăn cho cẩu cảnh ở quận 1, TPHCM, tôi giật mình bởi sữa dành cho cún cảnh ở mức trung bình cũng hơn 200.000 đồng/hộp. Chủ cửa hiệu cười, bảo: “Sữa đắt phải là loại trên 600.000 đồng/hộp”. Tôi hỏi dùng tốn nhiều không? Cô nói còn tùy trọng lượng, nhưng với thứ cẩu cao to, giống nòi lực lưỡng, mỗi hộp chỉ dùng một tuần.

Chị Loan, người nuôi cún ở quận Tân Bình nói: “Đắt nhất vẫn là thức ăn. Thức ăn của chó đủ loại, thực phẩm chức năng cũng cả chục loại. Không cho bé ăn thì thương mà mua thì đắt đỏ. Bé quen miệng, không ăn lại thèm”.

Theo chị, người thành phố càng ngày càng lắm kẻ độc thân, cô đơn, nuôi thú cưng giải buồn. Chị không mua, thú cưng do bạn tặng, nuôi được bốn năm rồi. Chị gọi điện thoại, con cẩu nhỏ ngồi cạnh ngó nghiêng.

Anh Hoàng tìm mua thức ăn, bảo: “Vợ đi công tác hoài. Hai đứa con du học nước ngoài. Tôi ở nhà lo ba con chó. Mỗi lần chúng ốm, mình muốn ốm theo”. Nhìn thấy thú chảy nước mắt, anh cũng khó cầm lòng. Mỗi lần mở cửa, đón anh chung quy cũng chỉ còn lại ba con chó.

Thức ăn loại tốt, mỗi ngày một con dùng mất 20.000 đồng. Hồi phục sau đợt ốm này, những chú cún của anh Hoàng phải dùng thực phẩm chức năng, mỗi bịch 400.000 đồng, chỉ dùng được chừng nửa tháng là hết.

Anh nói với tôi: “Bé đi phân lỏng phân xanh, tôi lo sốt vó. Thức ăn cho người còn nhiễm nhiều chất cấm, huống hồ cho thú nuôi”. Anh nói thêm: “Mỗi lần chó ốm đau, chi phí lớn lắm”.

Làm gì để chó của bạn luôn hạnh phúc?

Hàng loạt dịch vụ ăn theo con cún. Người ta thiết kế những mẫu quần áo đủ màu sặc sỡ với những chất vải tốt nhất để không làm chúng khó chịu và bị hỏng bộ lông. Đầm yếm, áo ba lô, quần con ong, áo cầu thủ, quần xịp, áo sát nách, áo khủng long, quần dưa hấu, áo cảnh sát, áo nỉ. Giá mỗi chiếc có loại lên tới 150.000 đồng.

Ai bảo làm chó là khổ? Chị Linh, người sống bằng nghề chăm sóc cẩu cảnh nói thật khó tính hết chi phí nuôi chó của người thu nhập khá giả: “Một sợi dây xích dắt khảm hột giá hơn 2 triệu bạc. Nếu sắm cả nệm, chuồng, đồ chơi, mỗi lần như vậy phải tốn hàng chục triệu”.

Trên thị trường bán những cái chuồng cẩu có cả máy điều hòa. Khi người ta đi chơi, không thể đem theo. Chuồng du lịch nhập từ Ý, giá từ 3-5 triệu đồng. Chi phí sữa tắm mỗi chai chừng 500.000 đồng và dầu thơm mỗi lọ chừng vài triệu bạc. Cún đi du lịch tốn một đống tiền. Chưa kể thủ tục xuất cảnh khắt khe hơn cả con người. Chị Linh nói lắm nơi con người không được đi du lịch nhiều nơi như con chó đâu.

Có thể hình dung phần nào lịch làm đẹp của thú cưng. Một tuần tắm một lần, ba tuần cắt móng vệ sinh, tháng rưỡi cắt lông. Những công việc phải nhờ tới các tiệm chăm sóc và các cửa hàng thẩm mỹ viện chuyên nghiệp. Dung, một nhân viên mát xa nói với tôi rằng cô phải dũa từng móng chân cho các con cẩu. Chúng đã quá quen với việc chăm sóc như vậy nên nom sành điệu. Cô còn phải nhỏ rửa mắt, rửa mặt, chải lông, đánh răng cho khách hàng. Dung nói: “Chủ của chúng luôn theo dõi công việc của chúng em bằng con mắt khá soi mói”.

Một số người giúp việc được thuê để làm vui cho cún. Họ dẫn chúng đi dạo, nựng chúng, giúp chúng sử dụng các loại đồ chơi. Cún thích chơi đồ chơi như bóng, xương giả, gà nhựa, dây thừng. Nhu cầu giải trí của thú cưng cũng thay đổi. Những bà ô-sin già nua không thể đáp ứng được nữa. Thành phố đã có dịch vụ chăm sóc giải trí chó tại nhà. Dịch vụ được tính trọn gói, hoặc theo giờ.

Nỗi ám ảnh bệnh viện

Chó cũng bị tai nạn. Chúng ngã, bị xe đâm, bị đè, gãy chân chẳng hạn. Trường hợp như vậy, các cơ sở thú y công thường bó tay. “Nhiều trạm thú y không có máy siêu âm - một bác sĩ thú y ở TPHCM cho biết - cơ sở điều trị của nhà nước về lĩnh vực chó cảnh rất tệ, người ta đè ra tiêm một mũi rồi trả về”.

Ngược lại, cũng theo bác sĩ này, trong lúc nhiều bệnh viện cho người chưa được trang bị thì ở một vài bệnh viện cho chó mèo đã có máy chụp X quang kỹ thuật số tối tân! Mỗi chiếc đinh vít, chiếc nẹp để nẹp xương gãy có thể từ vài trăm đến cả triệu đồng. Mỗi ca phẫu thuật tốn không dưới năm triệu, chưa kể chi phí hậu phẫu. Sau khi mổ, cẩu được nuôi luôn tại bệnh viện để thuốc men và chăm sóc đặc biệt. Mỗi ngày chi phí không dưới 300.000 đồng.

 
Bệnh viện điều trị cho cẩu cao cấp

Bác sĩ thú y trẻ tên Hương cho biết, cô phải ở lại tại bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân cả ngày lẫn đêm. Hương chăm sóc đủ loại “bệnh nhân”, kẻ mổ thận, kẻ mổ áp xe gan, cô thì viêm tử cung cấp, cậu lại bị sạn bàng quang…

Theo khảo sát sơ bộ của bác sĩ Hương, Sài Gòn có 160- 180 cơ sở khám chữa bệnh cho chó. Giá cả phần nhiều vô tội vạ, trang thiết bị sơ sài, một vốn mười lời. Mũi thuốc giá 20 nghìn đồng, lắm khi tiêm xong họ lấy mấy trăm ngàn, một lần khám chữa bệnh thu cả triệu bạc. Nhìn mặt bắt hình dong, không niêm yết giá điều trị. Một chủ nhân của cún than thở rằng “nhiều bác sĩ chỉ biết lấy tiền”, “phác đồ điều trị của họ luôn là bí ẩn”.

Anh Hùng, người nuôi cẩu, nói: Không ai có thể kiện khi cún bị chết sau một phác đồ điều trị dài và tốn kém. Đây là kẽ hở mà con cún thua con người. “Chó chết, hết chuyện” - đúng như câu dân gian đã nói.

Cẩu cưng được thiêu ở Bình Hưng Hòa, lò thiêu dành cho người. Tro cốt được cho vào lọ có in hình “chủ nhân”, đề tên họ, ngày sinh, ngày mất. Cuộc đời một vị chó quý tộc kết thúc như thế.

Bác sĩ Hưng, từng tu nghiệp ở nước ngoài nói rằng thật bất cập khi chúng ta so sánh cuộc đời lầm lụi và những cái chết trong khốn khó của con người, để đem so sánh với cuộc đời phồn hoa của một con chó. Bởi với nhiều người, thú cưng của họ cũng được xem trọng như một con người, một thành viên gia đình. Việc đánh chó, ăn thịt chó khiến người ta sợ hãi.

Nói cho cùng, con người không thể hạ thấp mức sống của những con chó nơi đô thị giàu có mà nên nghĩ tới việc làm sao nâng cao cuộc sống và tuổi thọ của những con chó nhà nghèo, những chú chó ở làng quê vì đói dài ngày nên thường bị bọn “cẩu tặc” câu trộm bán cho nhà hàng.

Ai bảo làm chó là khổ? Chị Linh, người sống bằng nghề chăm sóc cẩu cảnh nói thật khó tính hết chi phí nuôi chó của người thu nhập khá giả: “Một sợi dây xích dát khảm hột giá hơn 2 triệu bạc. Nếu sắm cả nệm, chuồng, đồ chơi, mỗi lần như vậy phải tốn hàng chục triệu”.

Trên thị trường bán những cái chuồng có cả máy điều hòa. Khi người ta chơi, không thể đem theo. Chuồng du lịch nhập từ Ý, giá từ 3-5 triệu đồng. Chi phí sữa tắm mỗi chai chừng 500.000 đồng và dầu thơm mỗi lọ chừng vài triệu bạc.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.