Nhiều người vẫn vô tư phơi bày hàng loạt thông tin về mình trên các trang mạng xã hội mà không biết những mối nguy hiểm đang rình rập
Với sự vô tư và dễ dãi mà đa số người dùng đang thể hiện trên các mạng xã hội (MXH), thật không khó để tìm kiếm thông tin về một cá nhân nào đó. Khảo sát “Công nghệ thế giới kết nối” của Cisco đối với những nhân viên đang sử dụng Twitter cho thấy 68% người được hỏi theo dõi các hoạt động trên MXH này của sếp và đồng nghiệp, trong khi chỉ có khoảng 32% thích giữ thông tin cá nhân được bảo mật. Đó mới chỉ là bề nổi của những người dùng MXH bình thường.
“Ngụy trang” trên Facebook
Trong một báo cáo về tình hình an ninh mạng, các chuyên gia Kaspersky đã từng báo động về việc tội phạm bảo mật cố gắng chiêu dụ người dùng tham gia những cuộc khảo sát trực tuyến có mục đích xấu hay cài đặt các ứng dụng kém an toàn hoặc chỉ đơn giản là nhấn vào liên kết dẫn đến những trang web chứa đầy mã độc.
Theo đó, nhiều liên kết xuất hiện trên Facebook với khả năng “ngụy trang” dễ dàng đưa người dùng đến một trang web có nội dung không lành mạnh hay có dụng ý xấu như cài phần mềm gián điệp hay phần mềm quảng cáo. Những trang Facebook giả mạo về cái chết của Bin Laden, Steve Jobs... là minh chứng rõ ràng nhất.
|
Khi người dùng “lọt bẫy”, vô tình họ lại tiếp tay cho hacker tiếp tục giăng bẫy chính những “người bạn” trong Facebook của mình. Với hơn 500 triệu người sử dụng, Facebook đang được coi là MXH phổ biến nhất. Chính điều này lại biến Facebook thành nơi phát tán nhiều phần mềm độc hại hay kích động các cuộc tấn công mạnh nhất trong những MXH.
Các mạng xã hội như Facebook trên di động đang chứa đựng những mối nguy hiểm với người dùng
Việc lợi dụng MXH để tấn công người dùng là tình trạng đáng báo động tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam có thể vẫn chưa xảy ra hoặc người dùng chưa nhìn thấy được mối nguy hại nên vẫn còn rất chủ quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Tommy Bai, Giám đốc bộ phận dịch vụ - hỗ trợ khách hàng Kaspersky Lab, cho biết: “Lừa đảo trên MXH Facebook đang xếp thứ 4 trong số các mối đe dọa trên toàn cầu”.
Theo ông Tommy Bai, người dùng Việt Nam phải nắm rõ những nguyên tắc bảo mật căn bản như sử dụng mật khẩu phức tạp, không nên công khai các thông tin cá nhân trên MXH, không kết bạn với người lạ, không cung cấp nhiều thông tin về hoạt động cá nhân hằng ngày, các địa điểm đi đến... vì có thể bị theo dõi. Đặc biệt, phải cảnh giác ngay cả khi nhận được các đường dẫn web từ bạn thân vì có thể họ cũng đã bị đánh cắp tài khoản và kẻ xấu đang ẩn danh phía sau.
Nguy hiểm tiềm ẩn từ mạng xã hội trên di động
Hiện nay, số người sử dụng MXH trên di động đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, gần đây, các chuyên gia cảnh báo việc sử dụng những MXH như Facebook với các thiết bị di động thông minh đang mang lại nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn. Cụ thể nhất là việc người dùng hoàn toàn có thể bị lộ, mất thông tin cá nhân một cách dễ dàng khi sử dụng MXH trên di động.
Vài ngày gần đây, một thông tin đã gây sốc cho những người sử dụng di động là hiện tượng Facebook trên iOS, Android gặp lỗi bảo mật do người dùng Jailbreak, Root máy di động. Hiện có hàng chục triệu smartphone trên thế giới như iPhone hay Android đều đã được Jailbreak, Root máy để unlock, can thiệp sâu bên trong máy để cài đặt phần mềm, sử dụng các tính năng dễ dàng hơn.
Thông tin lỗi bảo mật trên Facebook với các máy đã Jailbreak, Root khiến nhiều người dùng hết sức lo ngại. Lập trình viên Gareth Wright (Anh Quốc) cho biết ông có thể dễ dàng truy cập và lấy được file plist của Facebook trên iOS và Android. Đây là file lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng, tài khoản và mật khẩu, kẻ xấu sẽ dễ dàng lấy cắp thông tin, lợi dụng, mạo danh người dùng với việc khai thác nội dung file này.
Kẻ xấu chỉ cần chép file plist (lấy được khi người dùng mất máy chẳng hạn) vào một máy iOS hay Android khác và chạy Facebook, đồng nghĩa với việc chúng điềm nhiên sử dụng tài khoản của người dùng. Ngoài ra, từ file plist này, kẻ xấu có thể tiếp cận với danh bạ, số điện thoại, email… của người dùng, dẫn đến nguy cơ lộ, mất thông tin cá nhân.
Facebook đã nhanh chóng phản hồi và cho biết rằng kẻ xấu không thể có được file plist, trừ khi người dùng Jailbreak hay Root máy. Như vậy, những máy đã Jailbreak hay Root hiện nay đang đứng trước mối nguy hiểm hết sức gần. Đây cũng là những hồi chuông cảnh báo đầu tiên cho người dùng về các mối nguy bảo mật cần hết sức cảnh giác khi sử dụng smartphone.
78% kẻ trộm dùng mạng xã hội Theo một nghiên cứu của hãng Credit Sesame (Anh), khoảng 78% trong số những tên trộm bị tóm đã từng sử dụng Twitter, Foursquare hay Facebook để xác định các thông tin chi tiết của chủ nhà. Các thông tin này gồm: những địa điểm được cập nhật trên trạng thái, những bức ảnh cho biết chủ nhà đang đi làm hay đang có một kỳ nghỉ dài... trước khi chúng tiến hành xâm nhập. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)