“Tiểu gia” chạy vạy… làm thuê

08/04/2012 11:05 GMT+7

Lời lẽ nhã nhặn, ăn mặc lịch sự, thậm chí còn xài đầy đồ hiệu nhưng nhiều “tiểu gia” sở hữu xế hộp sang trọng vẫn phải mướt mồ hôi chở khách thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống

Lời lẽ nhã nhặn, ăn mặc lịch sự, thậm chí còn xài đầy đồ hiệu nhưng nhiều “tiểu gia” sở hữu xế hộp sang trọng vẫn phải mướt mồ hôi chở khách thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống

Chưa đạt đẳng cấp đại gia nhưng những người sở hữu xe hơi hay trang trại cũng được xem là “tiểu gia”. Thời gian gần đây, vì kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm nên không ít “tiểu gia” buộc phải tranh thủ lấy xế hộp đi chở khách hay cho thuê trang trại làm nhà nghỉ để kiếm thêm tiền.

“Vợ hai” nuôi vợ cả

Những ngày qua, diễn đàn Otofun luôn sôi động với forum quảng cáo cho thuê xe kèm tài xế của một thành viên có nickname Lữ Khách. “Tiểu gia” này có lời mời nghe rất “hoàn cảnh”: “Em dạo này rảnh rỗi, tính vận chuyển các cụ nhà mình có nhu cầu, nhằm chống lại các loại phí. Thiết bị phục vụ là xe Ford Mondeo 2005, 3 màn hình phục vụ các cháu có nhu cầu xem Tom và Jerry, nội thất luôn bảo đảm sạch, đẹp. Tài xế là em, trung thực, thật thà, cực kỳ cẩn thận, hơi biết tin tức thời sự. Nước uống đóng chai tinh khiết và giấy thơm miễn phí cho các cụ có nhu cầu”.

Lập tức, hàng loạt thành viên khác của diễn đàn đã vào đặt hàng thuê “tiểu gia” có xế hộp Mỹ phục vụ.  Đáp lại, Lữ Khách bộc bạch: “Cảm ơn các cụ nhiều, hoàn cảnh khó khăn đã đẩy em vào bước đường này. Vì quá yêu “vợ hai” (ô tô - cách gọi trên diễn đàn - PV) nên em đành dùng cách này để níu kéo thời gian ở bên em nó và nuôi vợ cả”.

Cũng trên diễn đàn, nickname Damthi giới thiệu là phó giám đốc một công ty rồi thăm dò: “Xe em là Civic 2.0. Chi phí trên đường: xăng dầu, ăn, ngủ, nghỉ, vé đường... các cụ chịu, một ngày trả em được bao nhiêu?”. Một giám đốc doanh nghiệp có Toyota Camry 2.5 cũng lên diễn đàn này rao cho thuê xe khi tài xế riêng và xế hộp rảnh rỗi để cải thiện thu nhập…

“Tăng gia sản xuất là rất đúng”

Mức giá đưa ra 9.000 đồng/km cho xế hộp Ford Mondeo 2005, chưa tính phí cầu đường và tiền chờ 50.000-100.000 đồng/giờ của Lữ Khách tỏ ra cạnh tranh hơn hẳn so với taxi hiện nay. Hàng loạt thành viên diễn đàn đã lên tiếng ủng hộ các “tiểu gia” phải chạy vạy làm thuê: “Về cơ bản, giá của Lữ Khách là ngon rồi, vì Mondeo 2.5 thấy còn mới lắm”; “Em thấy mấy cụ có xe tăng gia sản xuất là rất đúng. Vừa thêm tiền, lại được đi vi vu thì cũng có cái thú của nó”, “Xế hộp của các cụ cơ bản đều là xe ngon, dù bán chuyên thì cũng ngon hơn, tài xế cũng điềm đạm hơn”…

Chuyến mở hàng đầu tiên của bác tài nghiệp dư Lữ Khách là Hà Nội - Sao Đỏ (Hải Dương). Thừa thắng xông lên, Lữ Khách tiếp tục mời mọc: “Để phục vụ tốt nhất và tránh lỡ việc của quý khách, mong quý khách báo trước một ngày để người phục vụ này thu xếp công việc ở cơ quan trước khi lên đường”.

 
Một “tiểu gia” bên “vợ hai”. Ảnh: Diễn đàn otofun

Một thành viên có nickname T.A., hiện là cán bộ của một bộ, cũng chen chân vào diễn đàn tiếp thị: “Em cũng làm thêm phục vụ các cụ nhé! Toàn xe của anh em tranh thủ làm thêm kiếm thêm lúc kinh tế khó khăn”. Ngay lập tức, T.A. đã nhận được hợp đồng chở “thượng đế” đi tảo mộ ở Hòa Bình với giá 1,1 triệu đồng, trừ chi phí cũng bỏ túi được 500.000 đồng. Tiếp sau đó, một hợp đồng chở khách đi Hà Nam cũng đem về cho T.A. được 400.000 đồng.

Cùng cảnh khó khăn, nickname Lam có xe Morning 2011 màu trắng cũng lên diễn đàn tìm khách và “bắt” được ngay một người thuê chạy khứ hồi Hà Nội – Bắc Ninh. “Trừ chi phí, mình cũng kiếm được trên 400.000 đồng  góp vào tiền trang trải phí giữ xe, xăng dầu, nợ vay ngân hàng hằng tháng. Do xe nhỏ, giá “mềm” nên em Morning của mình đã nhận được gần 10 đơn đặt hàng từ nay đến qua lễ 30-4” – Lam khoe.

Nỗi niềm khó tả

Ngay sau chuyến đầu tiên, Lữ Khách đã khoe om sòm về việc đưa khách đi đến nơi, về đến chốn: “Chuyến đi nhiều thú vị và được “thượng đế” chăm sóc rất chu đáo, em được tôn trọng và được đãi một bữa thịt mèo ngon nhất từ trước đến nay”.

Chia sẻ về công việc làm thêm của “tiểu gia”, anh T.A. tâm sự: “Việc chọn khách là hết sức quan trọng để bảo đảm an toàn và tôn trọng lẫn nhau, cũng như giữ được “vợ hai” không bị làm bẩn, trầy xước. Căn cứ để lựa chọn khách là thành viên trên diễn đàn, người quen hoặc có giới thiệu, đặc biệt ưu tiên chở chị em phụ nữ, gia đình đi lễ chùa, về thăm quê… Cả khách và tài xế đều trí thức cả nên tôn trọng nhau. Có khi chở khách lại có thêm bạn, được quan hệ và công việc. Giá cả rẻ hơn taxi nhưng xe đẹp, không có mùi hôi và tài xế nhẹ nhàng, lịch sự, biết nhiều chuyện nên đủ làm “thượng đế” vui lòng”.

Tuy nhiên, với nhiều “tiểu gia”, việc phải chạy vạy làm thuê đã để lại nhiều nỗi niềm khó tả. T.A. cho biết anh luôn có cảm xúc bồi hồi vì lâu nay chỉ quen được người khác phục vụ, giờ phải xuống xe mở cửa cho “thượng đế”, phải hỏi khách có say xe không, có cần bật điều hòa không… “Phải mướt mồ hôi bưng bê, thu xếp hành lý, đồ đạc, rồi chầu chực chờ hàng giờ, miệng liên tục “cảm ơn” và cái lưng thì đau ê ẩm bởi cả ngày ôm vô lăng trên quãng đường dài mấy trăm cây số” - T.A. thổ lộ.

 
Trang trại được Tromtrau rao cho thuê. Ảnh: Diễn đàn otofun

Dù vất vả, nặng nhọc nhưng các “tiểu gia” cũng có nhiều niềm vui và được đổi gió. “Nhiều khi về đến quê của “thượng đế”, chúng tôi được đánh chén một bữa cỗ no nê. Chỉ tiếc là không được “nâng lên, hạ xuống” vì chúng tôi luôn dặn mình đang làm anh tài xế chở khách thuê” – Lữ Khách kể.

Trong khi đó, Lam cho biết anh là viên chức một cơ quan Nhà nước nên có thời gian chạy xế hộp chở thuê vào cuối tuần với mục tiêu “xe tự nuôi xe” để không phải sớm chia tay “vợ hai” do khó khăn kinh tế. “Lúc tôi mới hành nghề, bạn bè và người thân cũng nói này nọ, người ủng hộ, kẻ bàn ra. Cuối cùng, tôi vẫn quyết chí làm vì vừa có thêm thu nhập chính đáng, lại có thêm trải nghiệm, biết thêm một nghề” - Lam tâm sự.

Khách hàng đầu tiên của Lam là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội về quê ăn giỗ. Được “đồng nghiệp” T.A. tư vấn, Lam tỏ rõ phong cách một người phục vụ chuyên nghiệp: Bê đồ lên xe, giới thiệu giá cả, bấm nút đồng hồ đo cây số… “Chỉ quen ngồi bàn giấy, nay trở thành người lao động chân tay đã khiến tôi phải trải qua một ngày toát mồ hôi.

Khách về quê mang không ít đồ nên phải mang lên, bê xuống, nhồi nhét vào cốp... Mệt hơn nữa là khi khách ở quê trở ra, tôi một phen bở hơi tai với bao gạo mấy chục ký, cùng với hàng mớ rau, củ, quả…, phải mang vác ra vào ngõ dài gần trăm mét. Lo nhất vẫn là sự an toàn trên đường bởi ngoài mình ra còn cả gia đình khách, lơ mơ là bán cả nhà đền cũng không xong” - anh nhớ lại.

Với lời lẽ nhã nhặn, ăn mặc lịch sự, thậm chí còn xài đầy đồ hiệu như giày Adidas, điện thoại Blackberry Bold 9000…, các “tiểu gia” dễ dàng thuyết phục được khách hàng. Quãng đường dù dài cũng như ngắn lại với câu chuyện giữa người phục vụ và “thượng đế” xoay quanh nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống  mà hầu như “tiểu gia” nào cũng khá am hiểu.

Chuyến đi nào rồi cũng kết thúc, khách và người phục vụ chia tay với lời hẹn gặp lại vào chuyến đi lần sau bởi uy tín và chất lượng phục vụ của “tiểu gia” đã được kiểm chứng.

Bấm bụng cho thuê trang trại

Trên diễn đàn những ngày qua cũng rôm rả với một forum cho thuê trang trại. Để đối phó với hàng loạt khó khăn, nickname Tromtrau đành bấm bụng rao cho thuê trang trại mà anh và gia đình phải mất nhiều năm và tiền của, tâm huyết mới gầy dựng được.

“Năm nay kinh tế suy thoái, kiếm tiền khó khăn, em đăng ký cho thuê cái nhà nghỉ cuối tuần với mục đích bù được phần nào chi phí vận hành, bảo dưỡng. Trang trại của em có diện tích 4.000 m2, gồm sân vườn - ao cá, 5 phòng ngủ, bể bơi…” - Tromtrau giới thiệu.

Không bao lâu sau, lời rao của Tromtrau đã nhận được hàng trăm phản hồi chia sẻ khó khăn, ủng hộ và đặt lịch thuê phòng hoặc cả trang trại. Với mức giá thuê 2 ngày cuối tuần là 3 triệu đồng, được toàn quyền sử dụng cả trang trại và ngày thường là 2 triệu đồng, cơ ngơi của Tromtrau tỏ ra cạnh tranh hơn hẳn so với các resort gần đó nên đã kín khách đăng ký vào tất cả ngày nghỉ cuối tuần từ nay cho đến tháng 7-2012.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.