110 con rùa nước (rùa Trung bộ), loại rùa được Chương trình bảo tồn rùa châu Á cảnh báo trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, đang sinh sôi nảy nở tại ngôi nhà của một nông dân ở tỉnh Phú Yên.
Đây là loại rùa chỉ phân bố tại các vùng đất ngập nước, hồ, đầm và ruộng lúa ở một khu vực nhỏ vài tỉnh miền Trung VN mà không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Người nông dân đó là ông Phạm Ngọc Hoàng ở thị trấn Hai Riêng (huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Giữa ngôi nhà ông, trong một cái “chuồng” sinh thái kiên cố rộng chừng 40m2, những con rùa nước lớn nhỏ được nuôi nấng, phát triển, sinh nở an toàn.
|
Đổi kẹo lấy rùa
Khó ai có thể tin được rằng ông Hoàng có được đàn rùa này chỉ nhờ vào vài viên kẹo, mấy cái bánh bích quy đổi cho lũ trẻ trong làng.
“Hồi tôi còn đi đào vàng sa khoáng trước năm 2000, cứ hút nước dưới hầm vàng lên là thấy vài chú rùa nước nhỏ xíu nhớn nhác, thấy chúng dễ thương nên tôi đem về nuôi chơi. Những năm đó rùa nước xuất hiện tùm lum ở dưới suối, ruộng sình; con lớn thì đem ra chợ bán với giá khoảng 15.000 đồng/kg, những con nhỏ thì lũ trẻ cột dây chuối làm... xe kéo đi chơi. Thấy lũ rùa tội nghiệp, tôi thường cho đám trẻ vài cái kẹo, dăm cái bánh để chúng đổi những con rùa nhỏ” - ông Hoàng kể.
|
Người nông dân này thổ lộ lúc đó ông không nhớ mình có bao nhiêu con rùa nước, bởi cứ kiếm được chúng về là thả vô vườn, nơi có nhiều cây cối và các hố nước nhỏ để chúng tự nhiên sinh sống.
Trong hai năm 2010 và 2011, bỗng dưng rùa nước lên cơn sốt giá. Ở Phú Yên, người ta lùng sục khắp nơi, có chỗ cả làng ra ruộng đốt đuốc cả đêm săn tìm rùa nước bán cho thương lái chở đi Trung Quốc, với giá cực cao. Rùa nước hầu như biến mất ngoài tự nhiên.
“Khoảng tháng 8-2011, nhiều người biết tôi nuôi nhiều rùa nước bèn đến gạ mua 30 triệu đồng/kg. Tôi nhẩm tính 30 con rùa lớn, mỗi con 1-1,1kg, nếu bán thì cầm bạc tỉ, nhưng tôi cương quyết nói không. Rùa nước người ta tìm không ra, mình có thì đó là tài sản quý hiếm, phải giữ!” - ông Hoàng nói.
Đỡ đẻ cho rùa nước
Kể từ khi rùa nước lên cơn sốt, ông Hoàng mất ăn mất ngủ vì lo cho sự an nguy của chúng. Ông đào một khoảng đất giữa nhà và di dời lũ rùa từ vườn vào. Ông mua sắt phi 10, phi 12, thuê thợ hàn thành một chiếc lồng khổng lồ để bảo vệ đàn rùa hiếm khỏi sự nhòm ngó của kẻ trộm. Hằng ngày, ngoài việc đồng áng, ông chạy chợ mua ít cá đồng tươi, hái ít chuối chín, gỡ múi trái mít trong vườn để chăm cho lũ rùa ăn.
Ông nghiên cứu trên sách báo cách làm chuồng nuôi có nước, có vệ cỏ, đồi cát, bèo tây che bóng mát, có các đường đi liên thông trên cạn dưới nước... để rùa rong chơi. Nhờ vậy, đàn rùa nhà ông Hoàng khỏe mạnh, không hao hụt con nào.
Nhưng điều ông Hoàng tự hào nhất là đã “đỡ đẻ” thành công cho đàn rùa nước của mình. Ông Hoàng cho hay năm 2009 ông phát hiện trong đàn rùa xuất hiện những chú rùa “trẻ em”, biết là lũ rùa đã đến thời kỳ sinh sản. Sau đó, ông nhờ cô con gái lên mạng Internet lấy các tài liệu về nuôi rùa, cách làm tổ cho rùa đẻ, cách bảo quản, ấp trứng và nuôi rùa “sơ sinh”... để áp dụng. “Năm 2011, tôi thành công khi 13 con rùa cái đẻ được khoảng 90 trứng, nở được 60 con và đến nay tất cả đều phát triển tốt” - ông Hoàng khoe. Theo ông, mỗi rùa cái sinh hai lượt vào đầu tháng 4 và cuối tháng 4 hằng năm, mỗi lần khoảng 2-6 quả trứng.
Ông Hoàng thổ lộ: “Tôi làm mấy đụn cát để lũ rùa leo lên đó đẻ. Khi chúng đi rồi, tôi mang trứng rùa bỏ vào lồng ấp do tôi tự làm, chăm sóc trứng trong 85 ngày thì nở ra rùa con. Rùa con tiếp tục được chăm sóc vài tuần trong thùng xốp, sau đó mới đưa ra tự nhiên”. Ông Hoàng hi vọng tháng 4 năm nay, toàn bộ 24 con rùa cái trưởng thành của ông sẽ sinh sản, lượng rùa nước nhà ông sẽ nhiều hơn.
Thành công trong việc “đỡ đẻ” cho rùa nước đã khiến ông Hoàng được mời tham gia đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ “Xây dựng quy trình thử nghiệm nhân nuôi rùa Trung bộ ở Phú Yên để bảo tồn loài”, do Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên làm chủ đề tài, được triển khai trong năm 2012 với kinh phí gần 370 triệu đồng.
Ông Hoàng tự hào: “Tôi rất vui khi góp sức mình vào việc bảo tồn loài rùa nước đặc hữu ở vài tỉnh miền Trung Việt Nam đang đứng trước nguy cơ biến mất này”. Ông chỉ có một lo lắng là rùa nước được liệt vào loại cấm săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt và tiêu thụ trong khi ông đang nuôi chúng.
“Năm 2007 tôi có đến Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh báo cáo và được cho phép nuôi rùa nước. Tôi chỉ mong muốn được nuôi nấng lũ rùa thân yêu của mình để chúng không bao giờ có ngày tận thế. Nếu ngày nào đó không được nuôi lũ rùa nước này, chắc tôi buồn đến đổ bệnh mà thôi” - ông Hoàng bộc bạch.
Có công lớn trong bảo tồn rùa Trung bộ Bà Lê Thị Nở - giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về bảo tồn rùa Trung bộ - nhận xét: “Ông Phạm Ngọc Hoàng có công lớn trong việc bảo tồn được đàn rùa Trung bộ với mô hình nuôi khá khoa học tại gia đình. Nếu không có ông Hoàng, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai đề tài nhân nuôi thử nghiệm loài rùa hiếm này”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn - phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Hinh - cho biết: “Việc nuôi đàn rùa nước của ông Hoàng nếu chiếu theo quy định pháp luật là không đúng, song chúng tôi nghĩ nếu có thu hồi đàn rùa của ông rồi không biết cách chăm sóc, hoặc thả ra tự nhiên thì khả năng rùa nước biến mất càng nhanh hơn. Hơn thế, thu hồi đàn rùa mà ông cất công gầy dựng, nuôi nấng chúng một cách đam mê, vô vụ lợi là rất thiếu tình. Hiện chúng tôi yêu cầu ông Hoàng không được mua bán đàn rùa nước này và giám sát chặt chẽ số lượng rùa tại nhà ông”. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)