Festival Huế 2012: Khát vọng thái bình

13/04/2012 03:38 GMT+7

Tối qua, tại sân khấu nổi phía bờ nam sông Hương, ngay chân cầu Tràng Tiền, diễn ra chương trình lễ hội sân khấu hóa Thiên Hạ Thái Bình.

Tối qua, tại sân khấu nổi phía bờ nam sông Hương, ngay chân cầu Tràng Tiền, diễn ra chương trình lễ hội sân khấu hóa Thiên Hạ Thái Bình

Dưới triều Nguyễn, trong các vũ khúc cung đình như Lục cúng hoa đăng, Trình tường tập khánh... trình diễn trong các dịp mừng thọ, mừng năm mới... thường được kết thúc bằng 4 chữ Thiên Hạ Thái Bình, nhằm mục đích chúc tụng cho nhà vua, cầu mong thiên hạ được thái bình, nhân dân no ấm, đất nước phồn vinh, thịnh trị. Điệu múa Lục cúng hoa đăng lưu truyền trong thiền môn xứ Huế thường được múa trên nền sơ đồ 4 chữ Thiên Hạ Thái Bình. Trên cơ sở giá trị nhân văn ấy, kết hợp chủ đề nổi bật thể hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc VN, tôn vinh nền văn hiến nước nhà của những bài thơ được khắc trên điện Thái Hòa, các tác giả kịch bản đã xây dựng nên một chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đa sắc màu trên nền sông Hương lung linh thơ mộng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Phước Hải Trung, đồng tác giả kịch bản chương trình: “Lễ hội Thiên Hạ Thái Bình không phải là một chương trình biểu diễn nghệ thuật thuần túy từng tiết mục, càng không phải là một chương trình giới thiệu thơ. Lễ hội là câu chuyện kể về khát vọng thái bình của muôn họ thông qua nghệ thuật diễn xướng sân khấu được dẫn dắt bằng những lời bình thi vị”. 

 
Sông Hương lung linh trong chương trình sân khấu Thiên Hạ Thái Bình - Ảnh: B.N.L

Kể chuyện thái bình bằng thơ, nhạc

Câu chuyện được mở ra từ bài thơ trung tâm khắc trên điện Thái Hòa: Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu. Tạm dịch: Đất nước ngàn năm văn hiến/Vạn dặm một sơn hà/Từ thuở Hồng Bàng mở nước/Trời nam rực rỡ thái hòa. Các vũ công trong trang phục bát dật với các phiến thơ xuất hiện trang nghiêm cùng vũ khúc hoa đăng hòa điệu. Tiếp theo đó là những bài thơ khác cùng chủ đề ca ngợi đất nước, tự tôn dân tộc và thể hiện khát vọng thái bình của các vị vua triều Nguyễn được khắc trên điện Thái Hòa.

Từ câu chuyện kể bằng thơ ấy, chương trình được diễn xướng trên nền của nhã nhạc, âm nhạc dân gian Huế kết hợp các vũ khúc cung đình, hát đồng dao, hò giã gạo, các hoạt cảnh sân khấu về truyền thuyết chim phượng hoàng đậu xuống cây ngô đồng mang an bình thịnh trị đến cho muôn dân; tiếp nối là hoạt cảnh thái bình qua các tốp múa với khung cửi, nông phu ra đồng lúa chín vàng trĩu hạt; tiểu cảnh ca ngợi dòng Hương giang, con sông lịch sử được chọn là nơi định đô Thuận Hóa - Phú Xuân, với bao trầm tích văn hóa. Từ sông Hương, nối tiếp hành trình mở mang bờ cõi về phương nam, với các hoạt cảnh khai hoang, dựng nhà, mở đất. Trên nền nhạc chầu văn các hoạt cảnh tiếp nối giới thiệu về những sắc thái văn hóa đặc sắc xứ Huế như chằm nón, hoa giấy Thanh Tiên. Chương trình kết thúc bằng màn đồng diễn với nhiều cụm múa sắp đặt cùng xuất hiện trên sân khấu như múa lục cúng hoa đăng, cờ quạt, chim phượng hoàng, đèn lồng... và màn pháo hoa lộng lẫy trên nền sông Hương thơ mộng.

Lễ hội là thông điệp tôn vinh nền văn hiến nước nhà và khát vọng hòa bình thịnh vượng ngàn đời của dân tộc, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc đã nhấn mạnh: “Festival Huế là dịp để bạn bè khắp năm châu hội tụ, trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình, từ đó mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu”.

Lễ hội Thiên Hạ Thái Bình do Lê Quý Dương đạo diễn, quy tụ hàng trăm diễn viên, kéo dài 90 phút, thu hút hàng vạn người dân và du khách đến thưởng thức chương trình.

Chuyện vui, ai dè…

Tại cuộc họp báo giữa kỳ Festival Huế 2012, ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng BTC, có kể vui về câu chuyện hy hữu trong Festival Huế 2012, Đại sứ Venezuela ngài Jorge Rondon Uzcategui chụp được khoảnh khắc tên đạo chích Nguyễn Văn Ốc đang móc chiếc điện thoại của ngài Đại sứ Argentina, Alberto Jaime Kaminker. Nhờ bức ảnh mà tên móc túi đã nhanh chóng bị bắt, chiếc điện thoại đã được trả lại cho ngài Đại sứ Argentina (Thanh Niên đã đưa tin).

Sau khi kể câu chuyện, ông Ngô Hòa cũng nói vui rằng: Ở đây có Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, tôi xin đề nghị có thể xem xét để trao giải khoảnh khắc của festival cho bức ảnh này không? Việc đề xuất ấy chỉ là câu chuyện dí dỏm mà ông Ngô Hòa muốn chia sẻ với anh em báo chí sau những ngày tác nghiệp vất vả, chứ thực ra hoàn toàn không phải là đề nghị chính thức. Chuyện vui nên lên báo cũng vui, nhưng không ngờ ông phó chủ tịch lại phải chịu rắc rối khi có nhiều người bất bình với “đề nghị” này. Sau chuyện này, chắc ông Ngô Hòa và các vị lãnh đạo khác cũng e dè khi muốn dí dỏm một tí cho tươi cuộc đời.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.