Hết phép vẫn tận thu khoáng sản

12/04/2012 03:57 GMT+7

>> Lợi dụng nạo vét để khai thác cát

Hôm qua 11.4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giám sát việc khai thác khoáng sản trên địa bàn TP.Biên Hòa.  

 

Các mỏ đá bị tận thu, tạo thành những hố sâu trong lòng đất - Ảnh: K.C 

Trước đó, Đoàn ĐBQH tổ chức đi thực tế tại các mỏ đá trên địa bàn TP.Biên Hòa. Điều bất ngờ là 9 mỏ đá (diện tích 130 ha) phải đóng cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (ngày 31.12.2010) nhưng đến nay vẫn hoạt động công khai. 

 

Liên quan đến việc Bộ GTVT cấp phép cho Công ty CP hàng hải Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) thực hiện dự án nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng luồng đường thủy nội địa hằng năm, có tận thu sản phẩm sau nạo vét (Thanh Niên ngày 10.4 đã thông tin), ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai cho biết Sở đã có văn bản đề nghị Bộ TN-MT cho ý kiến về hoạt động tận thu cát của Công ty Hiệp Phước. Công ty này có được tận thu cát hay không phải chờ ý kiến của Bộ TN-MT.

Được biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ GTVT phê duyệt, Công ty Hiệp Phước được nạo vét 28,5 km sông Đồng Nai (từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai) với độ sâu tối đa là âm 10m. Tổng khối lượng cát nạo vét được tận thu là gần 10 triệu m3.

Theo báo cáo của UBND TP.Biên Hòa (Đồng Nai), trong số 9/19 mỏ đá trên địa bàn phải đóng cửa chủ yếu tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa). Theo lý giải của UBND TP.Biên Hòa, nguyên nhân các mỏ đá này đến nay vẫn hoạt động là do năm 2011 tỉnh Đồng Nai có chính sách tận thu khoáng sản nên các doanh nghiệp (DN) khai thác làm thủ tục xin gia hạn. Trong lúc đợi các cơ quan chức năng xem xét thì các DN vẫn tiếp tục khai thác. Hằng ngày có hàng trăm chuyến xe ben vào 9 mỏ này, chở đá quần thảo trên đường QL1K và đường ĐT 760. Làm bụi tung mù mịt, ầm ĩ cả ngày đêm khiến cuộc sống người dân vô cùng khổ sở.     

Qua thanh, kiểm tra tại các mỏ đá cho thấy nhiều DN khai thác vượt độ sâu, thực hiện chưa đầy đủ nội dung cải tạo môi trường. Hoạt động khai thác đá phát sinh tiếng ồn, bụi làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí, nhất là các hộ dân sống ven các tuyến đường vận chuyển khoáng sản.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đóng cửa 9 mỏ đá này phải được cải tạo thành khu công viên cây xanh gắn với hồ nước, phục vụ giải trí, du lịch. Tuy nhiên hiện nay việc hoàn thổ vẫn chưa thực hiện do các DN đang ồ ạt tận thu. Ngoài ra, do bị khai thác quá sâu, đã khiến tầng nước ngầm xung quanh mỏ đá cạn kiệt, giếng khoan sâu hơn 100m vẫn không có nước để sinh hoạt.

Tại buổi giám sát, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai, đã đề nghị địa phương phối hợp với Sở TN-MT rà soát lại các mỏ đá hết thời hạn cấp phép, có biện pháp xử lý lượng đá tồn kho để tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định.   

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận nhiều mỏ khoáng sản hết thời gian hoạt động nhưng không đóng cửa, phục hồi môi trường theo quy định. Nguyên nhân là do công tác thanh kiểm tra, chưa xử lý triệt để. Sắp tới sẽ đồng loạt kiểm tra 30 bến bãi và các mỏ đá quá hạn để xử lý theo quy định. 

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.