Nhiều nhóm hội của các bạn trẻ tại TP.HCM hiện đang có các hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường. Không mang tính phong trào, những chương trình dài hơi của các nhóm hội này bền vững và nhiều sáng tạo.
Hai mảng hoạt động được các bạn nhắm đến là giáo dục và tuyên truyền về môi trường.
|
Dự án Greenagers của đội SIFE Trường đại học Kinh tế TP.HCM kéo dài từ năm 2008 đến nay. Nhóm đã đến các trường tiểu học, mái ấm nhà mở, tiến hành truyền thông tại các trường THPT về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường. “Tại mỗi chương trình, các thành viên không chỉ nói cho học sinh nghe về thực trạng môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, mà còn hướng dẫn các em làm các sản phẩm tái chế như túi giấy, khung hình, vòng tay... để hiểu lợi ích của việc tiết kiệm các tài nguyên” - Nguyễn Thị Thảo Nguyên, trưởng dự án, chia sẻ.
Trong khi đó chương trình “Khu phố xanh” được thực hiện từ năm 2009 đã trở thành một thương hiệu cho CLB Gogreen. “Lúc đầu “Khu phố xanh” diễn ra tại nhiều khu phố khác nhau trong gần một năm. Các thành viên đến các khu phố làm vệ sinh, vận động bà con bảo vệ môi trường. Sau này hoạt động chuyển hướng nhảy cổ động tại các công viên để tập trung tuyên truyền đến các bà, các chị tập thể dục buổi sáng. Cuối cùng chương trình đi vào các trường tiểu học để tác động lên nhận thức của các bé” - Đoàn Nguyễn Phương Mai, chủ nhiệm CLB, cho biết.
“Làm sao để nói chuyện môi trường dễ hiểu, thú vị và thiết thực” là trăn trở chung của những “nhà” tình nguyện vì môi trường.
Cuối tháng 2-2012, các thành viên CLB GFOC (Green Future Of Children - Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) đã có buổi tìm hiểu về cây tre cho 40 em học sinh tiểu học đến từ Trường Việt - Anh (Bình Dương). Đây là hoạt động “Du lịch xanh trải nghiệm” nằm trong chuỗi hoạt động của CLB.
Phạm Thành Thiện, chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Cũng là nói về môi trường, nhưng nói thế nào cho các em thích là điều mà các thành viên phải suy nghĩ và đầu tư”. Đưa các em trực tiếp đến với Làng Tre (Bình Dương) để nói về tre bằng các trò chơi, những câu chuyện cổ tích, CLB đã khơi gợi được sự hào hứng tham gia của các học trò nhỏ.
Nguyễn Thị Nhất Nữ, phó dự án Greenagers, cũng tâm huyết với những điểm khác biệt trong hoạt động truyền thông về môi trường của nhóm: “Nhóm giúp các em tự tay làm những vật dụng tái chế, tự tổ chức các gian hàng bán đồ tái chế để gây quỹ giúp đỡ các bạn nghèo, thay vì chỉ nói lý thuyết về việc tiết kiệm để bảo vệ môi trường. Điều này giúp các em hiểu sâu sắc hơn về việc mình có thể làm được cho môi trường”.
Nhiều nhóm bạn trẻ cũng tổ chức các ngày hội “đổi đồ cũ lấy đồ mới”... Những sáng kiến xanh ấy nhằm hướng người trẻ đến bảo vệ môi trường một cách gần gũi, thiết thực và dễ hiểu nhất.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)