Beta agonist có thể gây chết người

14/04/2012 03:06 GMT+7

Hôm 13.4, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tổ chức hội thảo về hạn chế sử dụng chất kích thích tạo nạc gốc beta agonist bị cấm trong chăn nuôi.

 
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng chất tạo nạc tại một công ty ở Đồng Nai - Ảnh: Kim Cương

Những chất cấm này đã xuất hiện tại VN gần chục năm nay, đến thời gian gần đây, dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ khi tình hình sử dụng chất kích thích tạo nạc đang ngày càng phổ biến. Tại hội thảo, PGS-TS Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, cảnh báo: Người tiêu dùng ăn phải thịt heo có tồn dư chất cấm thuộc nhóm beta agonist sẽ bị ngộ độc, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Về lâu dài, tồn dư các chất này trong thịt heo có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng..., thậm chí gây chết người.

Theo TS Sửu, người tiêu dùng có thể tránh mua những loại thịt heo có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường nếu quầy bán thịt còn để nguyên con. Trong trường hợp thịt heo đã qua pha cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt. Cụ thể, thịt heo sử dụng chất cấm nhóm beta agonist có tỷ lệ nạc quá nhiều, nạc gần như dính vào da, phần mỡ rất mỏng, có màu đỏ như thịt bò, trông không mềm mại trong khi thịt heo nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết tình hình sử dụng chất cấm nhóm beta agonist trong chăn nuôi hiện đã tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, ông cảnh báo tình hình quản lý và sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta agonist trong chăn nuôi vẫn còn nhiều phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là một số lượng đáng kể nguyên liệu và thức ăn bổ sung được phát hiện gần đây đang có nhiều khả năng nhiễm chất Salbutamol hoặc Clenbuterol.

Theo ông Dương, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Y tế xem xét bỏ quy định "giới hạn cho phép Ractopamine" (1 trong 3 chất thuộc nhóm beta agonist cùng với Clenbuterol và Salbutamol) trong thịt. “Chăn nuôi của VN chưa ở mức thâm canh quá cao, chúng ta đang còn rất nhiều các biện pháp đơn giản, an toàn hơn để cải tiến nâng cao năng suất và tỷ lệ thịt nạc của vật nuôi trong nước. Mặt khác, đây cũng là một hàng rào kỹ thuật trong tự vệ thương mại của chúng ta về buôn bán các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, nhất là các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ hiện đang có nhiều khả năng xuất siêu những mặt hàng này (thịt có nhiễm Ractopamine - PV) sang VN”, ông Dương phân tích.

Quang Duẩn

Tạm giữ gần 100 kg chất tạo nạc

Ngày 13.4, Đội QLTT H.Thống Nhất (Đồng Nai) lấy mẫu chất tạo nạc của cơ sở kinh doanh thuốc thú y Hòa Hiệp (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) gửi đi kiểm nghiệm. Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 12.4, Đội QLTT cùng Phòng Nông nghiệp H.Thống Nhất phát hiện điểm bán thuốc thú y này có 9 bao (loại 10 kg/bao) chất tạo nạc với tên gọi

BecomlexC-B12 và 5 bịch (loại 1 kg/bịch) loại BecomlexC. Chủ cơ sở khai số hàng này mua từ Công ty TNHH dinh dưỡng Heo Vàng (KP.3, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Được biết, Công ty TNHH dinh dưỡng Heo Vàng đã bị Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an TP.Biên Hòa kiểm tra vào ngày 22.3 (Thanh Niên đã đưa tin), phát hiện hơn 1 tấn thuốc tăng trọng. Chủ DN cho biết mua nguyên liệu tại TP.HCM về rồi dùng máy trộn thủ công, mua bao bì, nhãn mác đóng gói rồi đem đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Đông và miền Tây. 

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.