Thực ra, đó chỉ là một dòng chảy nham thạch với hình dạng của một cái đầu voi, được chụp từ tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO của NASA.
Địa chất sao Hỏa phần lớn không hoạt động, do đó núi lửa và dung nham là chuyện của quá khứ. Tuy nhiên, những dòng chảy dung nham “trẻ” bao phủ Elysium Planitia - vùng đồng bằng có một số dòng chảy dung nham trẻ nhất trên bề mặt hành tinh đỏ - có thể đã được phun trào gần nhất là 10 triệu năm qua.
Tấm ảnh đầu voi này là một ví dụ sinh động về pareidolia, một hiện tượng tâm lý đánh lừa não bộ, khiến chúng ta nhìn thấy những vật thể quen thuộc trong các hình thù ngẫu nhiên. Chẳng hạn như chúng ta nhìn thấy những chú thỏ trong các đám mây, hoặc thấy biểu tượng tôn giáo trong củ khoai tây và những chú chim Angry Birds trong hình ảnh thiên văn.
Sao Hỏa thường là chủ đề của một số pareidolia văn hóa rất phổ biến, chẳng hạn như “người tuyết sao Hỏa”. Các sứ mệnh khảo sát bề mặt sao Hỏa thường bị “săm soi” sau khi các nhà theo thuyết âm mưu và báo chí suy diễn hình dạng ngẫu nhiên trên một số tảng đá nhân tạo theo cách nào đó.
Vì vậy, dù đang bay quanh sao Hỏa hay di chuyển trên bề mặt của nó, luôn có một nguồn cung vô tận các loại đá có hình dạng ngẫu nhiên cùng những đặc điểm địa chất có thể đánh lừa bộ não để bạn nghĩ rằng mình đang nhìn thấy những cái đầu voi.
Khang Huy
Bình luận (0)