Rà phế liệu trúng hũ vàng

15/04/2012 03:45 GMT+7

Chưa rõ số vàng mà người đàn ông rà tìm phế liệu đào được là bao nhiêu, nhưng chỉ riêng số vàng lẫn trong đất mà người đến sau bòn mót cũng bán được hơn chục triệu đồng.

 
Vị trí đào được hũ vàng nằm ngay dưới chân ông Phạm Xuân Thành đang đứng - Ảnh: Nguyễn Tú

Hũ vàng hơn chục tỉ đồng?

Mấy ngày qua, nhiều người hành nghề rà tìm phế liệu kéo đến khu đất đang xây nhà của chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ở tổ 34, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), để tìm của cải. Cha chồng chị Trang, ông Phạm Xuân Thành, 58 tuổi là người trông coi công trình cho biết, sau vụ người đàn ông rà tìm phế liệu trên mảnh đất của gia đình đào được hũ gốm bên trong có chứa kim loại quý vào sáng 10.4, nhiều người khác cũng kéo đến thử vận may.

Liên tục mấy ngày, con đường dẫn vào tổ 34 và nhà chị Trang đông hơn hẳn, nhiều người lạ “ngồi đồng” ở các quán cà phê gần đó để nghe ngóng. Thông tin đồn thổi người đàn ông đào được hũ vàng ròng, phải vào nhà dân xin 2 bao tời, loại bao to chứa gạo mới đựng hết khiến vụ việc càng thêm ly kỳ. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, chỉ riêng những người lượm mót lại những mảnh vàng rơi rớt, xúc cát khu vực đào bới đãi ra cũng bán được vài chục triệu đồng.

Theo ông Thành, chiếc hũ mà người đàn ông lạ mặt đó đào được dạng chum, làm bằng gốm, cao khoảng 40 cm, phần bụng rộng cũng khoảng 40 cm. Người đàn ông dùng cuốc đào đã làm vỡ hũ, bên trong là 2 hũ nhỏ, 1 bình, 1 đĩa, 1 ấm, 2 chén nhỏ còn nguyên vẹn nhưng chưa rõ chất liệu. Đặc biệt là những xấp kim loại dạng lá ghép xếp lớp với nhau màu vàng nhạt giống như màu đồng ước khoảng 2 - 3 kg. Nhiều người đoán, nếu toàn bộ số kim loại dạng lá đó là vàng thì giá trị phải chừng mười mấy tỉ đồng.

Theo dân địa phương, khu vực này xưa là gò đất, quá trình chỉnh trang đô thị đã san ủi thấp đi khoảng 1m. Đến ngày 9.4, xe cơ giới đến san ủi 0,7m đất. Sáng 10.4, người đàn ông rà tìm phế liệu cuốc xuống chỉ 10 cm nữa là trúng hũ vàng.

Vàng hời 2 - 3 tuổi

Trong số những người được cho là đã “hưởng xái” vụn vàng, chỉ có thợ mộc Huỳnh Bá Hoàng, 52 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố 34, P.Hòa Thọ Đông đồng ý kể lại vụ việc. Ông Hoàng cho biết, khoảng 8 giờ sáng 10.4, ông cùng anh Hoàng Tuấn Dũng, nhà bên cạnh khu đất của chị Trang ngồi uống cà phê ở quán bà Hai, đối diện hiện trường. Đến 8 giờ 45, ông thấy người đàn ông hay dò tìm phế liệu ở tổ 34 dùng cuốc đào bới trên đất chị Trang. Ông Hoàng và anh Dũng đến xem thì phát hiện người đàn ông đã cuốc vỡ hũ gốm. Khi hai người lại gần, thì mới nhìn thấy rõ bên trên miệng hũ là nắp đồng gồm 5 lớp đã bị ô xy hóa ngả màu xanh, có đường kính khoảng hơn 20 cm. Bên trong lộ ra một xấp kim loại dạng lá khắc hoa văn, cỡ lá mít, miếng nằm trên to hơn miếng liền kề chỉ vài mi li mét và xếp nhiều lớp thành trụ dọc dày độ gang tay.

“Lá kim loại màu vàng nhạt, không ai tưởng vàng mà nghĩ chắc là đồng, tôi với anh Dũng hốt từng nạm lá kim loại cùng với các hũ nhỏ, bình, đĩa rồi bỏ vô hai bao tải cho ông rà phế liệu nhưng không đầy hai bao, ước lượng khoảng 8 kg, chưa kể nắp đồng dày khoảng 5 mm” - ông Hoàng nói.

Vụ “khai quật” chỉ diễn ra trong vòng 20 phút, sau đó, ông Hoàng xin lại một lá kim loại rồi người đàn ông điều khiển xe Honda Cub đời 79 màu xanh ghi chở hai bao tải bỏ đi. Ông Hoàng bẻ thì thấy lá kim loại rất dẻo, dùng lửa đốt và chà ám khói đen. Thấy lạ, ông Hoàng cùng ông Đ. là thủ kho của một đơn vị thi công khu dân cư P.Hòa Thọ Đông mang miếng kim loại đến tiệm vàng Trữ, trước chợ Cẩm Lệ để thử.

Tại đây, thợ kim hoàn Phạm Minh Tùng đã nấu lá kim loại khoảng 8 x 6 cm ra được một chấm vàng pha với màu trắng bạc, nhưng khối lượng chỉ còn khoảng một nửa móng tay út. Xác định đây là loại vàng 2 - 3 tuổi, chủ tiệm vàng Trữ đã trả cho hai người 500.000 đồng. Ngay sau đó, 6 người của nhóm ông Hoàng đã về gom các mảnh vụn còn sót lại và rơi vãi xung quanh hiện trường, tiếp tục bán cho tiệm vàng Trữ được 4,8 triệu đồng, chia nhau mỗi người 800.000 đồng.

“Lá vàng lớn nhất có người bán được 1,2 triệu đồng” - ông Hoàng khẳng định. Hay tin, người dân quanh khu vực cũng đổ ra đãi cát mót vàng. Chủ tiệm vàng Trữ cho biết, từ sáng đến trưa 10.4, tiệm thu mua 2 đợt vàng lá 2 - 3 tuổi của người dân, tổng cộng 10,5 triệu đồng. Ông này cho biết một tiệm vàng ở trung tâm TP.Đà Nẵng cũng đã thu mua hơn 1 lượng vàng từ dạng lá vàng tương tự. Cũng theo người này, đây là loại vàng hời từ xưa của người Chăm, ngày xưa thỉnh thoảng người dân đào được cũng đem bán nhưng mấy chục năm rồi ông mới gặp lại. Một chỉ vàng hời khi nấu ra, quy đổi chỉ được hơn 3 phân vàng 9999.

Thợ kim hoàn Tùng cho biết thêm, vàng hời người dân mang đến không chỉ có dạng lá, hình bầu tròn mà có cả một số mẩu hình dạng hoa mai, góc cạnh, mẩu khác lại giống hình thẻ nhưng đã sứt mẻ nhiều.

Người đàn ông bí ẩn

Theo mô tả của nhiều người dân trong khu vực, người đàn ông trúng lộc khoảng 51 tuổi và thường xuyên xuất hiện để rà tìm phế liệu ở tổ 34 P.Hòa Thọ Đông. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông không phải là người địa phương bởi các tiệm thu mua phế liệu, ve chai trong khu vực cho hay ông chưa từng bán ve chai cho họ. Một số người đồn đoán ông là người ở H.Điện Bàn, Quảng Nam, người khác lại cho rằng ông ở xã Hòa Phú, hay Hòa Khương, nơi có nhiều người hành nghề rà tìm phế liệu. Trong khi đó, theo ông Phùng Văn Thạnh - Phó chủ tịch UBND P.Hòa Thọ Đông, địa phương đã cùng công an phường tìm hiểu sự việc nhưng cũng chỉ nắm sơ qua thông tin và hiện chưa có kết luận gì do gia đình ông Thành đã đổ móng không còn hiện trường.

Theo ông Huỳnh Bá Hoàng, mẫu vật còn lại hiện nay là một ấm và 2 chén nhỏ như chén uống trà, trong đó có một chiếc chén đã bị sứt ở đáy do ông Hoàng bẻ thử. Tuy nhiên, số ấm chén này ban đầu do ông Q., người địa phương và là công nhân của ông Đ. giữ. Sau khi đi thử vàng về, ông Đ. đã nói với ông Hoàng sẽ lấy lại bộ ấm chén. Tuy nhiên từ 10.4 đến nay, ông Đ. bị xuất huyết não hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, không thể cung cấp thông tin.

Nơi đào được vàng từng là nghĩa địa

Đáng chú ý là trước đây cũng ở P.Hòa Thọ Đông, vào tháng 3.2011, ông Ông Văn Tồn ở tổ 3 trong lúc đào móng nhà đã phát lộ di tích của một trung tâm tôn giáo người Chăm từ thế kỷ 12. (Thanh Niên đã có bài viết).

Theo một số người lớn tuổi ở địa phương, trước đây, tổ 34 từng là nghĩa địa, gần khu vực đào được hũ vàng từng có một mộ cổ vô chủ bằng đá ong nhưng đã bị san ủi do xây dựng mở rộng nhà máy giày da (nay đã giải thể).

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm TP.Đà Nẵng cho biết, do hiện vật không còn nên rất khó để nhận định của cải người đàn ông rà phế liệu đào được có nằm trong quần thể di tích nào không.  

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.