Mấy ngày qua, tại các cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu xảy ra hiện tượng bất thường: hàng chục chiếc ghe cào đôi có công suất từ 350 - 450 CV ngang nhiên vào đây khai thác.
Theo ông Trần Xí Khuôl, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu, mặc dù vùng biển ven bờ cấm tuyệt đối các phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động khai thác, thế nhưng gần đây, mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe cào có công suất lớn vào khai thác hải sản trái phép trên ngư trường.
Đặc biệt, có ngày có khoảng 30 cặp ghe cào đôi (60 chiếc) ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang... ngang nhiên vào ven bờ đánh bắt ngay trong mùa sinh sản của các loài hải sản, bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng. “Các ghe cào đôi thường giăng lưới cào bề ngang khoảng 100m, do đó các loại phù du, thảm thực vật, san hô và các loại hải sản nhỏ bị cào sạch. Việc khai thác đánh bắt như thế sẽ hủy hoại, tận diệt nguồn lợi hải sản”, ông Khuôl nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên khi tháp tùng đoàn kiểm tra của tỉnh, mỗi mẻ lưới cào lên đến hơn một tấn hải sản, nhưng trong đó chưa đến 10% hải sản lớn, có giá trị; còn lại hơn 90% là hải sản cỡ nhỏ, cá con, cá phân (cá bán để làm phân).
Lý giải về sự bất thường trên, các tài công cho biết, do gần đây khai thác ở các ngư trường ngoài khơi kém hiệu quả, lượng hải sản đánh bắt được rất ít nên họ phải tấp vào khai thác ở vùng biển ven bờ để... “kiếm tiền dầu và thuê mướn ngư phủ”.
Việc truy bắt các phương tiện khai thác trái phép hải sản ven bờ hiện gặp không ít khó khăn do nhiều ghe cào cố tình chống đối, không chấp hành lệnh xử phạt. “Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ cắt lưới cào rồi bỏ chạy. Nhiều ghe cào ở Sóc Trăng khi tháo chạy còn đâm thẳng vào phương tiện của đoàn kiểm tra. Đặc biệt, nhiều lần các thành viên trong đoàn lên tàu kiểm tra đã bị các ngư phủ khống chế chở về Sóc Trăng, khiến các ngành chức năng 2 tỉnh phải can thiệp, họ mới được giải thoát an toàn”, ông Khuôl bức xúc.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)