Đường nhỏ, tuyến dài, xe cá nhân đông đúc... nên xe buýt 2 tầng là giải pháp hiệu quả để giảm áp lực cho giao thông TP.HCM. Tuy nhiên, tại TP hiện chỉ có 2 chiếc xe buýt 2 tầng.
|
Hiệu quả với tuyến dài
Ngày 3.12.2005, lần đầu tiên tại Việt Nam, 2 chiếc xe buýt 2 tầng được đưa vào hoạt động trên tuyến số 6 (Bến xe Chợ Lớn - ĐH Nông Lâm), mỗi xe trị giá hơn 1,8 tỉ đồng, do Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM làm chủ sở hữu. Đến nay, xe buýt 2 tầng vẫn hoạt động tốt và hiệu quả.
Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, nếu như trên những tuyến đông khách có thêm nhiều chiếc xe buýt 2 tầng nữa, thì sẽ giảm bớt mật độ xe buýt lưu thông trên các tuyến đường vì xe buýt 2 tầng có thể chở số lượng khách nhiều gấp đôi xe buýt thường (tối đa 150 hành khách). Tại các tuyến đông khách hiện nay phải bố trí xe buýt thường chạy 400 chuyến/ngày, nếu như có xe buýt 2 tầng, chỉ cần khoảng 250 chuyến/ngày là đủ đáp ứng nhu cầu. Trên một tuyến, nếu đầu tư 40 xe buýt thường thì với xe buýt 2 tầng chỉ cần 25 chiếc là đủ. Ngoài ra, chi phí nhiên liệu của xe buýt 2 tầng cũng thấp hơn so với xe buýt thường. Với cùng chiều dài gần 30 km, xe buýt thường tốn 10 lít dầu thì xe buýt 2 tầng có sức chở gấp đôi mà chỉ tốn 14 lít dầu.
Thời gian gần đây, lượng khách đi xe buýt đã tăng khoảng 20%. Nhiều tuyến vào giờ cao điểm phải bố trí 2 phút một chuyến, xe nối đuôi nhau chạy mới đáp ứng kịp. Nếu như trên những tuyến này có thêm xe buýt 2 tầng, thì sẽ giảm bớt mật độ xe buýt lưu thông trên đường. Nhiều nơi trên thế giới như Anh, Hồng Kông,
Singapore,... cũng sử dụng loại xe buýt 2 tầng. Thậm chí tại Hồng Kông, nhiều tuyến đường nhỏ vẫn có xe này chạy. Tại TP.HCM, xe buýt 2 tầng phù hợp với những tuyến đường dài như đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt - đại lộ Đông Tây, xa lộ Hà Nội, đường Trường Chinh - QL22... Theo TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, xe buýt 2 tầng phục vụ các tuyến đường dài là hiệu quả nhất, còn những tuyến đường ngắn thì nên bố trí xe buýt bình thường và xe buýt nhỏ, thậm chí nên có xe điện 6-8 chỗ chạy trên các tuyến đường nhỏ. Trong quy hoạch phát triển xe buýt, nên có phân cấp sao cho vừa có xe buýt khối lượng lớn như xe buýt 2 tầng, vừa có xe buýt thường và xe buýt mini. Có như vậy thì hoạt động xe buýt mới hiệu quả.
Phải có bãi đậu xe
|
Hiện TP.HCM có hàng ngàn chiếc xe buýt, đa số đều đã cũ. Nên đây là thời điểm thích hợp để đầu tư xe mới, trong đó có xe buýt 2 tầng để giảm tải cho giao thông. Trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn đề cập đến việc bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt, bảo đảm kết hợp hài hòa để khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống bến xe buýt và cầu vượt dành cho người đi bộ.
Về vấn đề này, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nên có làn đường ưu tiên cho xe buýt, taxi và có thể bán vé ưu tiên cho xe cá nhân chạy vào như nhiều nước đã làm. Ông cho rằng, nếu chỉ cho mỗi xe buýt chạy vào làn đường ưu tiên thì không sử dụng hết công suất của làn đường, sẽ lãng phí. Thực ra, tại TP.HCM trong nhiều năm qua, xe buýt được ưu tiên chạy vào làn đường xe gắn máy.
Việc này theo TS Sơn là rất nguy hiểm cho xe gắn máy. Đối với những tuyến đường tách riêng biệt làn ô tô và làn xe máy như đường Lê Lợi (Q.1), thì xe buýt nên có làn ưu tiên ở sát dải phân cách bên trong cho an toàn. Vì vậy, TP.HCM nên phát triển những con đường như vậy. Còn theo ông Phùng Đăng Hải, có những tuyến đường rất dễ bố trí làn ưu tiên cho xe buýt, như xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt...
Không có làn đường ưu tiên, nên khi dừng chờ đèn đỏ, xe buýt phải xếp hàng chung với các loại xe khác, trong khi đây là những con đường khá rộng. Nếu có làn đường ưu tiên, tuyến xe buýt Chợ Lớn - ĐH Nông Lâm có thể rút ngắn thời gian từ 1 tiếng 20 phút hiện nay xuống còn 1 tiếng.
TS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, phát triển xe buýt nên đi đôi với phát triển các bãi đậu xe ở ngoài, để người dân có thể gửi xe cá nhân ở đó và đi xe buýt vào bên trong trung tâm TP.
Mai Vọng
Bình luận